Hàng gì cũng… về bến an toàn!
Những ngày lang thang ở bên kia biên giới, tôi đã được tận thấy “công nghệ” biến hóa chất thành mỹ phẩm hạng sang của những xưởng chế tác, đóng hộp của những ông chủ giàu có ở đất này. Có thể nói, mỹ phẩm dởm, trong đó có cả thứ hỗn hợp được cho là giúp da trắng mịn màng chỉ trong vài phút, rồi Coollagen “giữ mãi tuổi thanh xuân”… đang thực sự như một ma trận khiến bất cứ tận thấy cũng đều hoang mang, lạc lối.
Trở lại chuyến hành trình xuyên biên thâm nhập thủ phủ mỹ phẩm tắm trắng dởm bên đất Trung Quốc và cuộc giao dịch giữa tôi với ông chủ P., chủ đại lý phân phối mỹ phẩm tắm trắng Đ.C (tại Lũng Vài, Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc). Theo nguyên tắc làm ăn, sau khi nhận tiền, ông chủ P. sẽ giúp đối tác của mình đưa mỹ phẩm về nước. Về hình thức, loại hoá chất này sẽ được đựng vào can, vận chuyển bằng đường rừng vào ban đêm. Đảm trách việc này là đám cửu vạn thiện chiến. Khi về đến bên kia biên giới, khách hàng sẽ làm việc tiếp với trùm cửu vạn để hàng hoá được về đến nơi an toàn...
Kho hàng từ Trung Quốc núp dưới nhiều nhãn mác khách nhau đang chuẩn bị tuồn về nước. |
Cũng theo bà H., giá cả sẽ thương lượng cụ thể, nếu là hàng cấm, thuộc hàng nguy hiểm thì giá vận chuyển sẽ cao hơn, và phụ thuộc vào số lượng vận chuyển, nhiều thì giá rẻ hơn. Đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì sẽ được tính theo tạ, giá vận chuyển là 300 nghìn đồng/1tạ. Số tiền trên đã bao gồm tiền đảm bảo an toàn cho hàng xuyên biên. Với “bảo hiểm” này, nếu hàng mất hoặc bị bắt, bà trùm H. sẽ chịu trách nhiệm. Theo bà H., hàng bà sẽ giao ở nơi an toàn và khi nhận hàng mới phải trả tiền công.
“Ve sầu thoát xác”
Tôi đặt chân lên lối mòn của cửu vạn vác hàng, tiến sát hàng thép gai nơi ranh giới hai nước Việt – Trung. Tại đây, tôi phát hiện ra cách hàng thép gái ít chục mét có một nhà kho, cánh cửa đang hé mở, bên trong có 2 người phụ nữ đang dán nhãn mác vào các lô hàng mỹ phẩm. Nhận ra đây là chiêu trò của giới buôn lậu mỹ phẩm, trong vai là người đang đi tìm mỹ phẩm làm trắng có chứa tinh chất Collagen về kinh doanh, được anh em môi giới đến đây tìm hàng, tôi đã gõ cửa xin vào.
Một loại mỹ phẩm sắp được ra lò. |
Theo cách lý giải của K., đây là cách lách cơ quan chức năng khi vận chuyển về nước. Đó là trường hợp ở khu vực biên giới thôi, chứ về đến xuôi là phải dán thêm chữ Việt vào, nếu không sẽ bị soi về nhãn mác. Nghĩa của chữ Việt ở đây đơn giản thôi, đó là ghi công dụng của sản phẩm, mà điều này có thể bịa, chứ người dùng làm sao mà biết được các loại chữ Thái, Hàn, Nhật trên mỗi lô mỹ phẩm tắm trắng, dưỡng da.
K. đang dán nhãn Trung Quốc vào mỹ phẩm để chuẩn bị qua biên giới. |
Khi về đến Việt Nam, theo K., số mỹ phẩm dởm này sẽ theo hai hướng về xuôi bằng đường ô tô hoặc tàu hỏa. Theo K., đã có hàng nghìn lô hàng được chuyển về xuôi, núp dưới nhiều nhãn mác khác nhau. Thị trường phân phối của nhà cô chủ yếu trải dài từ Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang, đặc biệt Hà Nội và Bắc Ninh là hai thị trường lớn nhất của gia đình K..
Bắt không xuể
Trong 4/2015 Chi cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra 46 vụ liên quan đến mặt hàng mỹ phẩm, tạm giữ 28.262 đơn vị sản phẩm gồm: kem thoa mặt, kem dưỡng da, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm,... có xuất xứ Trung Quốc.
Mới đây, ngày 1/5, Công an TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng công an địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở mua bán hàng may mặc, mỹ phẩm, lực lượng chức năng phát hiện 2.616 hộp và 132 chai mỹ phẩm ngoại nhập các loại, không rõ nguồn gốc. Còn tại Hà Nội, ngoài các vụ bắt hàng mỹ phẩm dởm, đơn vị QLTT còn phát hiện dấu hiệu mỹ phẩm giả, nhái, không rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ tại một công ty có tiếng trong giới mỹ phẩm. Còn theo Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, năm 2014, đơn vị này kiểm tra được 193 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 29 vụ. Quý I năm 2015, đơn vị này mới kiểm tra được 30 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 13 vụ với đầy đủ các loại mỹ phẩm làm trắng da.
Mất mạng vì dùng mỹ phẩm dởm
Đến giờ người ta vẫn chưa quên cái chết buồn thương của em Nguyễn Ngọc B. (trú tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp) khi Bích mua kem trắng toàn thân với giá chỉ 9.000 VNĐ/tuýp về thoa lên người. Thoa xong khoảng 30 phút, Bích bị co giật, buồn nôn, các bác sĩ đã có mặt sau ít phút và dùng mọi biện pháp nhưng vô phương cứu chữa. Rồi trường hợp chị Nguyễn Thị Thuỷ (trú tại huyện Chợ Mới, An Giang) cũng suýt mất mạng cũng vì sử dụng kem tắm trắng không rõ nguồn gốc.