Những chiếc ôtô, xe máy mang nhãn hiệu Honda, từ lâu, đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng ít ai biết được cha đẻ của nó - Honda Soichiro là ai. Với loạt bài tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”, Autonet hy vọng bạn đọc có được cái nhìn khái quát về cuộc đời nhân vật có đóng góp rất lớn trong việc “cải tiến bước di chuyển của con người”.
Vượt khó bằng triết lí “lóng tre”
Mọi người hay nói với nhau là giá cổ phiếu của Công ty Honda tăng gấp nhiều ngày xưa và không ít người nghĩ rằng với Honda, mọi việc từ trước đến nay đều thuận buồm xuôi gió. Nhưng thật ra, để có ngày hôm nay, Honda và các đồng nghiệp đã phải trải qua mọi khổ cực về sự sống còn của một doanh nghiệp.
Khoảng vào năm 1951 có một Hội nghị của các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu Chính phủ hạn chế nhập khẩu để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Honda đã không tham dự Hội nghị này vì cảm thấy trước sự phản ánh mạnh mẽ của xã hội khi doanh nghiệp chọn con đường quá dễ dàng là yêu cầu Chính phủ bảo hộ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Theo Honda, việc hạn chế này là một vấn đề mà các doanh nghiệp đúng ra phải lấy kĩ thuật để giải quyết. Nếu như kĩ thuật của Nhật Bản thực sự tốt hơn người ta thì sản phẩm Nhật Bản chắc chắn có chất lượng và không còn ai có ý định nhập khẩu hàng nước ngoài. Nếu được như thế thì tự nhiên xuất khẩu sẽ phát triển mạnh.
Suy nghĩ như thế nên Honda quyết tâm tự mình phải thực hiện khẩu hiệu: “Chất lượng hàng hóa không có biên giới”. Lý luận của Honda là nâng cao kĩ thuật, nghiên cứu phát triển những động cơ có tính năng nhất thế giới để thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
Honda quyết tâm thực hiện khẩu hiểu: "Chất lượng hàng hóa không biên giới" |
Tuy nhiên, nếu không làm gì cả thì làm sao có kĩ thuật hơn người được. Châm ngôn có câu: “Người tài không cần kén bút viết”, khi nói về nghệ thuật viết chữ thì có thể đúng, thế nhưng trong thời đại ngày nay, khi kĩ thuật trên thế giới đổi mới hàng ngày thì chắc chắn ý nghĩa của câu nói này không thể áp dụng được và phải chọn bút để viết thôi. Ý tưởng có cao siêu đến đâu thì cũng phải chọn công cụ thể hiện cho phù hợp nếu không sẽ chẳng làm được gì, nhất là khi phải sản xuất hàng loạt với số lượng lớn thì nhu cầu chọn phương tiện lại càng cao. Với ý nghĩa đó, Honda mong muốn nhập khẩu những máy móc có kĩ thuật cao của nước ngoài.
Thời đó, tiền viện trợ của Mỹ được sử dụng để nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng như ôtô ngoại, rượu whisky, mỹ phẩm… rất ít khi dùng để nhập khẩu những mặt hàng phục vụ sản xuất. Honda suy nghĩ, nếu nhập khẩu máy móc thiết bị trong thời điểm này cho dù công ty Honda có bị phá sản thì máy móc thiết bị vẫn tiếp tục hoạt động tại Nhật Bản và tình hình có tệ thế nào đi nữa thì vẫn không lãng phí ngoại tệ của đất nước.
Trong bối cảnh làn sóng tự do hóa của thế giới, chọn con đường tự hủy diệt, bị bỏ rơi lại trong tiến bộ chung của thế giới hay chọn con đường chấp nhận mọi rủi ro, nhập máy móc thiết bị tối tân để chiến thắng trên mặt trận này? Honda đã chọn con đường thứ hai với trách nhiệm của một nhà kinh doanh dám phán đoán và lựa chọn con đường có khả năng để phát triển đi từng bước một, chấp nhận hoàn cảnh có thể rủi ro.
Trên cơ sở suy nghĩ như vậy, công ty của Honda với số vốn chỉ vỏn vẹn có 60 triệu Yen đã quyết định nhập các máy móc, thiết bị như dàn máy tự động Strom và các máy công cụ cơ khí từ Thụy Sĩ, Mỹ và Đức trị giá đến 400 triệu Yen. Thế nhưng, Honda đã gặp đúng thời điểm xấu, bởi ngay sau đó là thời kì khủng hoảng 1953 – 1954.
Honda chú tâm vào nghiên cứu chế tạo sản phẩm thu hút khách hàng |
Ngay từ đầu ai cũng thấy việc nhập khẩu thiết bị như vậy rất mạo hiểm. Ngân hàng chắc chắn không cho Honda vay để thanh toán khoản nợ nhập khẩu, cho nên, Honda phải sử dụng phương thức thanh toán bằng ngân phiếu trả chậm để vượt qua khó khăn lúc đó. Bằng mọi cách phải thu được số tiền từ việc bán sản phẩm để thanh toán khoản nợ mua máy móc. Đây là cách vượt qua thời kì khủng hoảng. Ông Fujikawa đã mất ăn mất ngủ, hàng ngày phải đi khắp nơi để giải quyết vấn đề tài chính. Trước tình hình như vậy, Honda chỉ còn một con đường duy nhất là tiếp tục đi tới bằng bất cứ giá nào.
Phương thức kinh doanh của ông Fujikawa – Giám đốc điều hành là phải thu hồi lại toàn bộ trị giá sản phẩm xuất kho trong vòng 10 ngày và 75% là tiền mặt, phần còn lại là ngân phiếu, nhưng không phải là ngân phiếu của đại lý mà là ngân phiếu của chính người mua thanh toán, có chữ kí xác nhận của đại lí gửi đến. Phương thức thanh toán sau này của công ty Honda có nguồn gốc từ thời kì khó khăn ấy.
Phần Honda, chỉ chuyên tâm chế tạo những sản phẩm có thể bán thu tiền được ngay và trách nhiệm của Giám đốc điều hành Fujisawa là nghĩ cách làm sao có thể thu hồi tiền bán sản phẩm. Toàn công ty chung lòng, chung sức nỗ lực vượt qua thời kì khủng hoảng kinh tế này. Nếu nói về mặt lí luận thì sự nỗ lực này thể hiện qua phương thức thu hồi thật nhanh tiền vốn và thói quen xem thời gian là yếu tố quan trọng. Có thể nói, nền mòng của công ty Honda được xây đắp trong thời kì này.
Ông Fujikawa ví giai đoạn gian khổ của công ty Honda (thời kì 1953 -1954) như một lóng tre. Cây tre khi ở nơi có khí hậu ấm áp thì lóng tre sẽ nở dài nhưng khi gặp gió bão hay tuyết thì lại dễ gãy; còn ở vùng gió tuyết khắc nghiệt thì lóng tre ngắn nhưng chắc chắn và rất khó gãy. Honda hoàn toàn chia sẻ với suy nghĩ này.
Nỗ lực để chinh phục những đường đua thế giới
Hàng năm đều có cuộc đua xe thế giới TT (Tourist Trophy Race) tại đảo Man (nước Anh), là nơi để những người yêu thích xe gắn máy thi đua kỹ thuật. Tất cả những ai hoạt động liên quan đến xe gắn máy đều mơ một lần vinh dự đoạt giải nhất trên vòng đua 420km này. Và Honda đã thể hiện quyết tâm khi tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua vào tháng 3/1954.
Chinh phục đường đua thế giới |
Có hai ý nghĩa cho việc tham gia này. Ý nghĩa thứ nhất, nếu không tham gia để đạt thành tích xuất sắc trong vòng đua TT thì không thể nào giành được thị trường thế giới về xe gắn máy từ nước Italia hay Đức. Ý nghĩa thứ hai mang tính chất cảm tính, Honda muốn hâm nóng lại niềm hy vọng cho người Nhật sau những năm bại trận giống như tuyển thủ bơi lội Furuhashi Hironoshin đã phá nhiều kỷ lục thế giới trước đây.
Việc phá kỷ lục thế giới của anh này đã làm ấm lòng người dân Nhật Bản, đặc biệt trong thời đại hỗn loạn. Honda thì không có thể lực như tuyển thủ Furuhashi nhưng có trong tay sức mạnh của kỹ thuật. Sự thắng lợi của trí tuệ sẽ mang lại một niềm hy vọng thật khó diễn tả cho người Nhật Bản. Chắc chắn, nếu giành được chức vô địch trong một cuộc đua quy mô lớn và nổi tiếng như vậy thì việc xuất khẩu sẽ rất thuận lợi và mang lại vinh dự cho dân chúng Nhật Bản.
Tháng 6-1954, Honda đi khảo sát đảo Man. Khi nhìn tận mắt cuộc đua, Honda không khỏi kinh hoàng. Những xe đua nổi tiếng như NSU của Đức, Gereller của Italia chạy với mã lực rất lớn, so với xe gắn máy Honda chế tạo thời đó có cùng dung tích nhưng công suất mã lực mạnh gấp ba lần. Lúc này Honda mới biết mình đã lỡ tuyên bố một việc động trời. Khi nghĩ không biết đến ngày nào mới đạt được ước mơ thì tâm trạng của Honda vừa bi quan vừa chán nản. Thế nhưng bản tính của Honda chẳng chịu thua ai, ngược lại càng làm ông nung nấu ý chí. Ông suy nghĩ, việc mà người ngoại quốc làm được thì chắc chắn người Nhật cũng có thể làm được. Muốn vậy, phải bắt đầu nghiên cứu. Khi trở lại Nhật, Honda thành lập bộ phận nghiên cứu tại công ty.
Động cơ xe đua của Honda |
Trong dịp tham quan này, Honda đi các nước Anh, Đức, Pháp, Italia là các nước tiên tiến về chế tạo xe gắn máy và lẳng lặng tìm mua những linh kiện chuyên dụng cho xe đua như: Lim, vỏ xe, bộ phận khí carborator để mang về Nhật. Hình ảnh này trông giống như những người tuyển thủ đua xe đi du lịch mua sắm. Trên đường về nước thì tại phi trường Rome của Italia, Honda gặp ngay vấn đề. Trước ngày về, Honda được biết nếu hành lý nặng quá 30kg thì phải trả thêm tiền cước cho hãng hàng không với giá khá cao. Nhưng số tiền trong túi ông chẳng còn bao nhiêu vì đã mua linh kiện hết. Cho nên, ông phải tự mình đóng gói lại hành lý cho đúng 30kg, những thứ như Lim, vỏ xe thì vác trên lưng và những linh kiện bằng kim loại nặng thì bỏ vào trong túi xách tay người ta phát tại phi trường của Pháp.
Khi Honda làm thủ tục lên máy bay thì nhân viên hàng không tính trọng lượng túi xách tay và hành lý gởi tổng cộng trên 40kg. Trong khi đó, sau khi gửi điện tín về nhà thông báo chuyến bay thì trong túi Honda chẳng còn lấy một xu. Ông thật sự chán nản về chuyện này.
Nói gì đi nữa nếu không đi được chuyến bay này thì… rách việc, không biết còn phiền toái đến mức nào. Sau khi suy nghĩ tìm mọi phương cách, Honda quyết định bỏ hết đồ đạc cá nhân ra ngoài ngay tại cửa phi trường, mặc tất cả quần áo có thể mặc vào người, tóm gọn lại hành lý và hỏi: “Như thế này được chưa?”. Nhân viên kiểm tra tròn mắt ngạc nhiên và cuối cùng đành chịu: “Thôi như vậy cũng được!”. Honda nổi nóng: “Làm như vậy thì lại được, như vậy tổng trọng lượng là cái gì, rốt cuộc cũng như nhau”. Hôm đó là ngày 20/7, Honda mặc quần áo dày cộm trong mùa hè nóng bức của Italia, thật sự không lê bước nổi. Sau đó, ông lại mất công sắp xếp lại đồ đạc vào trong túi xách tay. Trời nóng, tinh thần lại căng thẳng, chưa bao giờ ông gặp chuyện khó chịu như vậy.
Những nỗ lực, quyết tâm như vậy phần nào thể hiện ý chí quyết thắng tại cuộc đua TT của bản thân Honda. Người ta có câu “Tại La Mã, không việc gì đơn giản có thể làm nên trong một ngày”, điều này thật đúng với trường hợp khổ cực đẫm mồ hôi của Honda. Không cần phải nói, tất cả linh kiện ông mang về trong hoàn cảnh như vậy thật sự đóng vai trò rất quan trọng về sau. Sau khi về nước, Honda thành lập bộ phận nghiên cứu, tổng hợp lại các phòng thiết kế phân tán ở các bộ phận sản xuất khác nhau. Tháng 6-1957 hoạt động nghiên cứu được tập trung trong Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và vào năm 1960, trung tâm chính thức trở thành Công ty cổ phần Nghiên cứu Kỹ thuật Honda (Honda gizutsu kenkyu sho).
Những thành tích của đội đua Honda |
Công ty cổ phần Nghiên cứu Kỹ thuật là một công ty hoạt động độc lập xuất phát từ ý tưởng tập trung nghiên cứu triệt để, để chiến thắng trong cuộc đua TT. Kết quả vào năm 1958, Công ty Honda Giken hoàn thành xe đua hai máy 125 cc và xe đua bốn máy 250 cc. Vào tháng 6/1959, xe đua 125 cc lần đầu tiên tham gia cuộc đua TT đã đứng hạng thứ sáu. Lần đầu tiên tham gia mà đứng hạng sáu là một thành tích xuất sắc. Tiếp theo sau đó, vào năm 1961, đoạt giải vô địch Grand Prix của cuộc đua TT và ở những cuộc đua khác tại Tây Ban Nha, Pháp, Tây Đức. Như vậy là công ty Honda đã thực hiện ý đồ ôm ấp từ bao lâu nay là phải chế tạo bằng được xe gắn máy đứng đầu thế giới.
(Còn tiếp)
(Tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Bản tiếng Nhật: Yume O Chikara Ni. Người dịch: Nguyễn Trí Dũng)