Bài 7: Honda và hành trình cảm tạ

Ông Honda từ nhiệm vị trí giám đốc năm 65 tuổi, khi vẫn còn rất mạnh khỏe. Với bản chất không thể ngồi yên

Ông Honda từ nhiệm vị trí giám đốc năm 65 tuổi, khi vẫn còn rất mạnh khỏe. Với bản chất không thể ngồi yên để một ngày vô nghĩa trôi qua nên ông quyết định thực hiện: “Hành trình cảm tạ” đến những cửa hàng đại lý, nhà máy trên toàn đất nước Nhật Bản. “Tôi muốn nói lời cảm tạ đến tất cả những người đã ủng hộ hợp tác với Công ty Honda từ trước đến nay” – Ông nói.

Đi để nguôi quên tiếng động cơ

Ông sử dụng trực thăng riêng để đi liên tục từ nơi này đến nơi khác, khi phải đi đường bộ thì ông thường tự lái xe. Đến đâu ông cũng được hoan nghênh nhiệt liệt như người anh hùng trong giới kinh doanh. Cuộc hành trình “bắt tay” vòng quanh đất nước này mất một năm rưỡi. Như vậy phải mất gần hai năm ông mới thật sự quên đi những âm thanh, tiếng gọi của động cơ.

Ông có thể bỏ được thói quen “tham công tiếc việc” nhưng ông không thể bỏ mất bản tính hiếu kỳ thích tìm hiểu của mình nên ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và thực hiện những vấn đề liên quan đến: “Sự đốt cháy của nhiên liệu” hoặc thu thập tài liệu từ khắp thế giới về hiện tượng UFO (Unidentified Flying Object): “Đĩa bay của người ngoài vũ trụ”. Ngoài ra, ông còn dành nhiều quan tâm cho hoạt động đối ngoại như giao lưu văn hóa quốc tế và giúp đỡ xã hội theo đúng tôn chỉ của Công ty Honda.

1

Công tác đối ngoại của ông ngày càng bận rộn với nhiều lời mời tham gia Hội đồng quản trị của nhiều đoàn thể, cơ quan, tổ chức..., tham gia thuyết trình hoặc trả lời phỏng vấn trên báo chí, truyền hình.

Vào mùa xuân năm 1981, ông nhận Huân chương Quốc gia Zuihosho hạng nhất cho những cống hiến của mình. Ngoài ra, ông cũng nhận nhiều huân chương, học vị “Tiến sĩ danh dự” từ nhiều quốc gia. Năm 1989, ông là người Nhật đầu tiên được ghi tên trong cung điện của những người có thành tích trong ngành sản xuất ôtô (Automobile Hall of Fame) tại tiểu bang Michigan (Mỹ).

Năm 1990, ông nhận Huy chương vàng của FIA- Liên minh ô tô quốc tế (Federation of International Automobile) vì những cống hiến vĩ đại của ông cho vòng đua F1 và là người thứ ba trong lịch sử có vinh dự này sau ông Ferry Porshe (Đức) và ông Enzo Ferrari (Ý). Hàng năm vào tháng bảy, ông thường xuyên tổ chức: “Ngày hội câu cá đối Ayu” với khách mời là bạn bè thân tình rộng rãi trong chính phủ và từ mọi giới kinh doanh, văn hóa, thể thao...

Hai ông Honda và Fujisawa còn có nhiều hoạt động xã hội khác như lập Hội sáng tác “Sakyokai” (năm 1961) là một quỹ học bổng trích từ tài sản riêng của hai ông. Mục đích chính của quỹ là trợ giúp những tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tất cả đã có 1.735 nhà nghiên cứu được hưởng chế độ học bổng này mà không có một điều kiện ràng buộc gì. Cho đến năm 1983, khi quỹ giải tán, mọi người vẫn không biết chính hai ông là mạnh thường quân, như trong truyện cổ tích nổi tiếng “Ông già chân dài” của phương Tây. Hai ông còn thành lập tổ chức phi chính phủ: “Hội An toàn giao thông” sau khi về hưu.


Năm 1977, ông Honda cùng với người em trai ruột - ông Honda Benjiro - đã cống hiến phần tài sản riêng của mình trị giá 4 tỷ yên để thành lập “Quỹ Honda” với mục đích tổ chức hội nghị quốc tế liên quan đến vấn đề “Kỹ thuật phục vụ giải quyết vấn đề môi trường” và trao giải thưởng Honda cho những nhà khoa học kỹ thuật có cống hiến giá trị cho đề tài này.

“Khi tôi mất, đừng làm tang lễ”

Vào ngày 5/8/1991, ông Honda qua đời tại Bệnh viện Juntenjo vì ung thư gan, thọ 84 tuổi. Tin tức toàn cầu đã thông báo về tin buồn này. Thời báo New York Time  (Mỹ) đã có bài chia buồn trang trọng đăng nguyên một trang báo lớn: “Là một nhà kỹ thuật chế tạo ôtô, ông cũng là một nhà kinh doanh có tầm vóc xây dựng một xí nghiệp tiên tiến nhất thế giới từ những hoang tàn đổ nát sau chiến tranh”.

Lúc sinh thời, ông Honda thường căn dặn thay cho di chúc: “Khi tôi mất, công ty không nên làm tang lễ. Làm tang lễ như thế sẽ gây phiền hà cho nhiều người, ví dụ như gây tắc nghẽn giao thông. Riêng việc này người sản xuất ôtô tuyệt đối không được phép”.

Thay cho tang lễ, văn phòng chính của công ty tại Aoyama (Tokyo) và tất cả các đơn vị kinh doanh, sản xuất tại các nơi khác như Saitama, Suzuka đều đồng loạt tổ chức “Lễ cảm tạ”. Tại hội trường chính có đến 62.000 người đến truy điệu ông Honda. Ông Ibuka Masaru, người sáng lập Công ty Sony, bạn tâm giao của ông Honda, khi được tin buồn này đã phát biểu với báo chí: “Không tổ chức tang lễ , viếng thăm linh cữu! Trong cuộc đời của mình, ông đã cống hiến và để lại cho xã hội nhiều đóng góp giá trị nhưng có thể nói tư duy này là cái làm mọi người thật sự tâm phục kính nể nhất”.

2

Khi dự định rời hội trường, như có ai lôi kéo ông quay trở lại và lặng người đứng chiêm ngưỡng trước máy phát điện loại nhỏ mà hai công ty Honda và Sony cùng hợp tác sản xuất, ông Ibuka như nói với chính mình: “Tôi nghe ông Honda nhắc nhở phải cố gắng làm thêm một chút nữa, đừng vội sang thế giới bên này “. Sau đó, vào tháng 12/1997, ông Ibuka cũng từ trần. Vậy là đất nước Nhật Bản đã mất cả hai “thiên tài chế tạo sản xuất” mà bất cứ ai cũng phải nhìn nhận.

Thế nhưng tinh thần và ý chí của người sáng lập sự nghiệp của hai ông vẫn sống, vẫn tiếp tục để lại cho các thế hệ sau những đóng góp với những hình thức đa dạng khác nhau. Trong thời kỳ hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu, có tầm cỡ đều lúng túng trước nguy cơ suy sụp, khó khăn, thì cả hai công ty Honda và Sony đều tiếp tục phát triển hưng thịnh với phương hướng kinh doanh không chút dao động.

Được như vậy là nhờ định hướng phát triển của doanh nghiệp rất rõ ràng mà hai nhà sáng lập đã nuôi dưỡng và đặt nền tảng cho định hướng ấy tồn tại và phát triển.

Những câu nói nổi tiếng của Honda:

“Vé giúp cho ta có chỗ ngồi trong rạp chiếu bóng, còn tấm bằng chưa chắc giúp ta kiếm được việc làm!”

“Nhiều người mơ ước mình sẽ thành công. Nhưng hẳn ít người hiểu rằng thành công chỉ có thể đến với bạn sau rất nhiều thất bại liên tiếp và sự tự xem xét nội quan. Thành công chỉ đại diện cho số 1% kết quả công việc mà bạn đạt được từ 99% khác được gọi là sự thất bại”.

"Kẻ phá sản không phải là kẻ không có một đồng xu dính túi mà là kẻ không có nổi một giấc mơ mới".

"Những gì người ta nhìn thấy từ thành công của tôi chỉ là 1%, nhưng những gì họ không nhìn thấy lại chiếm đến 99%: đó là những thất bại của tôi"

“Nếu yêu, ngàn dặm cũng như một” và “Hãy xả thân cho những điều mình yêu thích...”

(Tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Bản tiếng Nhật: Yume O Chikara Ni. Người dịch: Nguyễn Trí Dũng)

Đọc thêm