Bài hát yêu thích tháo “vòng kim cô” cho giới trẻ?

Tây Nguyên đại ngàn, những cảm xúc sáng tạo trong con người nhạc sĩ đầy khát vọng ấy dường như vẫn tươi nguyên, mới mẻ. Ông vui vẻ tâm sự với chúng tôi về chuyến đi, chia sẻ những dự án âm nhạc sắp tới cũng như vai trò mới trong cương vị là thành viên hội đồng tuyển chọn chương trình Bài hát yêu thích.

[links()] Gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường vào một buổi chiều muộn, khi ông vừa hoàn thành chuyến đi dài ngày vào Tây Nguyên đại ngàn, những cảm xúc sáng tạo trong con người nhạc sĩ đầy khát vọng ấy dường như vẫn tươi nguyên, mới mẻ. Ông vui vẻ tâm sự với chúng tôi về chuyến đi, chia sẻ những dự án âm nhạc sắp tới cũng như vai trò mới trong cương vị là thành viên hội đồng tuyển chọn chương trình Bài hát yêu thích (BHYT). 

Nhạc sỹ Nguyễn Cường - thành viên HĐTC Bài hát yêu thích
Được xem là một thành viên hội đồng tuyển chọn nghiêm túc và “khó tính” của chương trình BHYT, vậy sân chơi âm nhạc này có điểm gì hấp dẫn ông?
BHYT là một sân chơi mới nằm trong nền âm nhạc giải trí Việt Nam hiện nay. Khác với các chương trình âm nhạc trước đây, sân chơi âm nhạc BHYT đã biết tạo ra sự ganh đua, cạnh tranh gay cấn, hấp dẫn giữa các ca khúc, làm cho cuộc chơi trở nên sòng phẳng và hấp dẫn hơn.
Sự khác biệt làm nên sức hấp dẫn của sân chơi giải trí này đối với tôi chính là việc hướng đến công chúng và tính tương tác với khán giả rất mạnh. Đây được coi là tôn chỉ của chương trình. Nó là điểm mới và ý nghĩa, khiến cho cả chương trình này không bị duy ý chí, lệ thuộc vào quan điểm “cứng” của các cây đa cây đề, cây đại thụ trong âm nhạc.
Mỗi một thế hệ có những sở thích âm nhạc riêng, không nên áp đặt xu hướng thẩm mỹ của thế hệ trước vào suy tư âm nhạc của thế hệ sau, nhất là giới trẻ. Có như vậy mới giúp thế hệ trẻ thoát ra khỏi vòng cương tỏa của những người đi trước.
Tôi mong muốn chương trình BHYT luôn mở rộng thêm biên độ cho những ca sĩ, nhạc sĩ trẻ có cơ hội tham gia; đồng thời, ủng hộ mạnh mẽ sự thử sức và tìm tòi, sáng tạo của giới trẻ. Đó cũng là cách để BHYT mở rộng tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút được nhiều hơn nữa những người bình chọn tham gia.
Có ý kiến cho rằng: Chất lượng các ca khúc tham gia chương trình BHYT không đồng đều, còn quá ít các ca sĩ tên tuổi tham dự. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Việc chất lượng các ca khúc tham gia chương trình không đồng đều trong mỗi cuộc thi là điều đương nhiên vì tài năng của các nhạc sĩ hiện nay cũng không đồng đều. Mà trong sáng tạo nghệ thuật muôn thuở, có những tài năng thực sự nhưng cũng không ít người chỉ là bắt chước giản đơn. Vì thế, không đồng đều xét theo mặt nào đó chính là cách tạo ra sự đa dạng, phong phú, tăng thêm sức hấp dẫn của chương trình BHYT.
Bên cạnh đó, chương trình BHYT mới qua được 3 số phát sóng, không có gì lạ khi còn ít các ca sĩ tên tuổi tham dự. Có thể nói, sân chơi âm nhạc này còn khá mới mẻ, nhưng trong tương lai, chương trình sẽ phát triển và tiến đến sự hoàn thiện, ổn định hơn.
Ông nhận xét gì về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay? Bản thân ông có đam mê và khát vọng gì cho nhạc Việt?
Âm nhạc Việt Nam hiện nay đang “nhảy” vào một cuộc chơi thị trường. Cho nên, nó thay đổi liên tục và biểu hiện rất đa dạng. Sự lấn lướt của nghệ thuật PR của các ông bầu, công ty âm nhạc dành cho ca sĩ đôi khi đi quá giới hạn, làm mất cân bằng thị hiếu âm nhạc của công chúng. Tuy nhiên, chúng ta bước vào cuộc chơi, tức là phải chấp nhận những cách chơi ấy. Còn thời gian và công chúng sẽ sàng lọc và tôn vinh các tài năng và giá trị nghệ thuật đích thực.
Đối với tôi và thế hệ những nhạc sĩ như tôi đến với âm nhạc không chỉ với mục đích đơn thuần để viết mấy bản nhạc, sáng tác vài bài hát. Học hơn 10 năm trong trường nhạc là quãng thời gian bản thân tôi được làm quen, tích lũy những kiến thức về khí nhạc, nuôi dưỡng những khát vọng cống hiến cho nghệ thuật.
Tuy nhiên, hoàn cảnh và đời sống khó khăn lúc ấy không cho phép người nghệ sĩ đạt được ước mơ và khát vọng đó. Tôi vẫn thường trêu những người bạn của mình là “thế hệ thành mà không đạt”. Bởi lẽ, “thành” ở chỗ đã có tên tuổi là nhạc sĩ được nhiều người biết đến, những chưa đạt vì không có tác phẩm lớn như những bản giao hưởng của Trai-cốp-xki, Bét-tô-ven, ... Thỉnh thoảng, tôi cũng ngồi viết tam tấu, tứ tấu cho piano để thỏa chí của mình.
Viết nhiều và hay về Tây Nguyên, nhưng là một người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vậy ông lấy cảm hứng sáng tác các ca khúc ấy từ đâu? Hà Nội và Tây Nguyên, ông yêu nơi nào hơn?
Tây Nguyên đối với tôi là một định mệnh, là một “người tình” có sức cuốn hút đầy mê hoặc. Mỗi cuộc hành trình đến với Tây Nguyên giống như cuộc tìm về với sự sống, con người cũng như văn hóa nguồn cội. Từ một cơ may đầu tiên được tiếp xúc với vùng đất cồng chiêng này, tôi đã bị hút hồn, mê hoặc, rồi cứ thế đắm say và cho ra đời rất nhiều những khúc ca mang “thương hiệu Nguyễn Cường”.
Cùng với Tây Nguyên, Hà Nội cũng là một tình yêu lớn của tôi. Bởi lẽ, Hà Nội là cha mẹ, là quê hương nơi chôn rau cắt rốn, là tình nghĩa ruột thịt, bạn bè đằm thắm. Còn Tây Nguyên là mảnh đất nghệ thuật, quê hương của niềm mơ với những khát khao “thật gần mà xa xôi”.
Theo ông, số lượng bài hát nhiều đã khẳng định tài năng cũng như cống hiến của người nhạc sĩ đó cho nghệ thuật hay chưa? Đâu là những ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm đắc nhất?
Phải khẳng định chắc chắn rằng: trong sáng tạo nghệ thuật, con số không có ý nghĩa và chẳng nói lên điều gì cả. Một người nghệ sĩ thành công trên con đường âm nhạc không phải được đo đếm bằng số lượng các bài hát mà người đó sáng tác. Nhạc sĩ có tài để lại cho đời được khoảng chục bài hát có giá trị là thành công đáng ghi nhận rồi.
Những ca khúc tôi sáng tác là sự hòa quyện giữa kỉ niệm, ấn tượng sâu sắc của cá nhân với hơi thở phong phú của cuộc sống. Nhiều người thường nhắc đến tên Nguyễn Cường với các ca khúc như: Hò biển, Mái đình làng biển, Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội, Một nét ca trù ngày xuân, Ơi Đ’rak, Còn thương nhau thì về, Đôi mắt Pleiku, Ly café ban mê, Em muốn sống bên anh trọn đời, Thênh thênh Oh ơi… Đó cũng là những “đứa con tinh thần” mà tôi tâm đắc nhất.
Có người nói Nguyễn Cường dạo này khá “im ắng” trong việc sáng tác ca khúc, có lẽ nhạc sĩ đã “cạn vốn”. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tôi vừa có chuyến đi Tây Nguyên để làm tổng đạo diễn chương trình Hội diễn khắp Tây Nguyên sẽ diễn ra vào tháng 8 tới đây. Chuyến đi này đã giúp tôi thai nghén và viết lên các ca khúc “Nụ hôn đại ngàn”, “Chào em nguyên sinh” cho tỉnh Gialai và “Draysap”, “Bing khap Êđê Kau” dành cho tỉnh Đaklak. Tôi rất vui vì những ca khúc mới này đã được đồng bào địa phương đón nhận rất nhiệt tình.
Bước sang tháng 4 tới, tôi sẽ có chuyến đi sang Đức để dạy một lớp về sáng tác bài hát cho người Việt yêu nhạc bên ấy. Đồng thời, tôi đang suy nghĩ cho dự án sáng tác và dự án âm nhạc rất lớn cho chương trình dài hơi sắp tới sau này.
Theo BHYT

Đọc thêm