[links()]Hậu quả khủng khiếp của vụ nổ là lời cảnh báo nghiệt ngã với việc quản lý tàng trữ, sử dụng chất nổ trong khu dân cư. Nhiều tai nạn thương tâm vì chất nổ đã xảy ra nhưng công tác kiểm soát chất nổ còn quá nhiều bất cập.
Đau đớn, tang thương, khủng khiếp… là những lời từ hàng ngàn bạn đọc gửi về tòa soạn sau khi đọc được thông tin về vụ nổ kinh hoàng tại nhà số 384/7 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3 - TPHCM) làm 10 người chết và sập 3 căn nhà bên cạnh vào ngày 24/2. Tai nạn này đã không xảy ra nếu mọi người biết cảnh giác với các loại chất nổ dưới bất kỳ hình thức nào.
Dễ dàng tàng trữ thuốc nổ
Điều làm nhiều bạn đọc bất ngờ nhất là trong khu dân cư tại một thành phố lớn như TPHCM lại tàng trữ một lượng chất nổ lớ như thế. Dù ông Phương làm nghề gì đi chăng nữa nhưng giữa thành phố đông đúc mà để chất nổ trong nhà là điều khó có thể chấp nhận. Ngay cả hiện nay cũng ít có người dám để xăng, dầu trong nhà chứ nói gì đến chất nổ.
Một bạn đọc là chuyên gia về chất nổ cho biết: “Rất bàng hoàng. Xin chia buồn với gia quyến những người bị nạn. Là chuyên gia thuốc nổ trong một Trường sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, tôi thấy hiện nay ngay cả cơ quan chức năng và người dân không hề coi trọng việc giám sát các điều kiện hành nghề, gia công thuốc nổ nên mới xảy ra cớ sự này. Những cơ sở sản xuất, pha chế đóng gói chất gây nổ phải được đăng ký nghiêm ngặt và nhất thiết phải cách ly khu dân cư, kho tàng, cơ quan...
Tìm kiếm những nạn nhân xấu số sau vụ nổ. |
Nhìn nhận vụ việc này, bạn đọc lấy tên Ông Già Nam Bộ, phân tích: “Chỉ có công binh chuyên về chất nổ trong quân đội mới có kiến thức và kinh nghiệm sử dụng chất nổ đúng bài bản. Chứa chất nổ trong khu phố là điều cấm kỵ. Cái giá phải trả là mạng sống không chỉ riêng ông Phương mà liên lụy đến vợ, con cùng người giúp việc trong gia đình và cả những người hàng xóm! Để không có cảnh thương tâm tái diễn, chính quyền địa phương phải cấm triệt để việc tàng trữ trái phép chất cháy nổ trong khu vực dân cư”.
Đau xót trước cảnh tang thương của vụ nổ, bạn đọc Quang Hòa, nói thẳng: “Đây là hậu quả của việc hành nghề thiếu chuyên nghiệp. Hành nghề liên quan đến cháy nổ mà không qua đào tạo, không được cấp chứng chỉ hành nghề… Các đoàn làm phim khi muốn tạo hiệu ứng cháy nổ sao không hợp tác với bộ đội công binh. Bao giờ chúng ta mới chấm dứt được tác phong hành nghề “tài tử” để không phải ân hận về những hậu quả gây ra”.
Bạn đọc Nguyễn Năm, chia sẻ: “Sự việc dù đau lòng, người chết đã chết rồi nhưng không thể không trách ông Phương khi gây họa cho gia đình và hàng xóm. Tàng trữ thuốc nổ trong nhà là điều nguy hiểm. Hơn ai hết ông Phương biết rõ mối nguy hiểm này nhưng có lẽ ông quá tự tin vào khả năng, vào kinh nghiệm của mình nên mới xảy ra vụ việc nghiêm trọng này. Tuy là tự an ủi rằng “sinh nghề tử nghiệp” nhưng hậu quả kinh hoàng thế này thì mang tội với những người bị vạ lây”.
Cùng quan điểm, bạn đọc lấy tên Hai Lúa Long An, bày tỏ: “Qua vụ việc này cùng với các vụ cháy nổ gas thời gian qua cho thấy việc quản lý địa bàn khu dân cư đã phát sinh nhiều bất cập và đáng báo động. Mong nhà nước sớm chấn chỉnh sao cho khu dân cư chỉ là nơi để ở thôi.
Trường hợp nếu cho phép kinh tế hộ gia đình, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thì chỉ cho phép ngành nghề nào là thật sự tuyệt đối an toàn, không gây cháy nổ hay độc hại môi trường. Hy vọng những cảnh đau lòng như thế này không còn xảy ra nữa!”.
Quản lý thuốc nổ: quá thờ ơ
Qua vụ nổ này, nhiều bạn đọc cho rằng vấn đề quản lý vật liệu cháy, nổ hiện nay có vấn đề. Ngay trong khu dân cư dễ dàng tìm thấy những vật liệu cháy, nổ và chúng có thể gây hậu quả rất lớn bất cứ lúc nào. Hiện nay bất cứ thợ đào đá nào cũng có thể kiếm hàng chục ký thuốc nổ để hành nghề. Còn các tàu đánh cá bằng thuốc nổ thì lúc nào họ cũng có sẵn hàng tạ. Ngay cả những vùng sông nước thôi, thanh niên trong làng dễ dàng mua cả ký thuốc nổ làm kíp đánh cá. Hậu quả của những việc này là rất khủng khiếp nhưng chẳng có cơ quan nào quản được.
Lực lượng công binh tiếp cận hiện trường tìm người trong đống đổ nát. |
Bạn đọc Kiến Hòa cho rằng: Phải kiểm tra ngay các người chuyên cung cấp các đạo cụ tạo cảnh khói lửa cho các đoàn làm phim khác. Những thứ tự chế, tự pha trộn này mà sản xuất, tàng trữ tại khu dân cư, vận chuyển ở nơi công cộng thì không thể chấp nhận được vì chúng vô cùng thiếu ổn định nên tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào.
Bạn đọc Lưu Dụ đặt vấn đề: “Cơ quan chức năng không hề biết các hãng phim đều có bộ phận và chuyên viên gây hiệu ứng cháy nổ để quản lý và kiểm tra quy trình bảo quản và sử dụng vật liệu nổ à? Ông Phương đã hành nghề hơn chục năm, chế tạo và bảo quản chất nổ tại tư gia trong khu dân cư đông đúc mà không ai biết, không ai phản ánh sao?”.
Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng, nói thẳng: “Tôi xin có ý kiến với Bộ VH – TT - DL cùng các ngành chức năng nên có phương thức quản lý vật liệu cháy nổ trong lĩnh vực đóng phim, cũng như các lĩnh vực khác”. Bạn đọc này đề xuất: Tốt nhất trong lĩnh vực điện ảnh, nên sử dụng hiệu ứng 3D, mặc dù có tốn kém hơn nhưng tính an toàn lại rất cao, an toàn cho diễn viên và cộng sự của họ trong nghệ thuật”.
Quyết liệt hơn, bạn đọc Hoàng Quang, đề nghị: “Quốc hội họp kỳ tới nên ban hành bổ sung thêm nhiều điều luật về quản lý chất nổ tác nghiệp và chất nổ chuyên dụng quân sự. Những người được phép tàng trữ để hành nghề (như làm phim, phá núi, mở đường...) thì cần có giấy phép đặc biệt. Buộc họ phải tàng trữ các chất cháy nổ xa nhà dân, nghiêm cấm đưa chất nổ vào khu dân cư. Cần phải nghiêm khắc với chuyện này như với ma túy vì chúng dễ dàng gây ra những hậu quả khủng khiếp”.
Theo Người lao động