Bài thuốc bổ máu giúp chị em khỏe, đẹp

Lương y Phạm Liên Diệp, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên -  Huế nhiều năm nay đã nắm giữ bí quyết chế bài thuốc giúp phụ nữ bị bệnh da dẻ xanh xao, mệt mỏi có thể được khỏi bệnh. Ngoài bài  thuốc đông y có tên là “thuốc máu” này, “sở trường” của ông còn là bài thuốc trị dứt chứng bệnh đại tràng chỉ với hai vị thuốc nam là cây long tu và hạt mè đen.

Lương y Phạm Liên Diệp, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên -  Huế (77 tuổi, ngụ thôn An Hải, thị trấn biển Thuận An, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhiều năm nay đã nắm giữ bí quyết chế bài thuốc giúp phụ nữ bị bệnh da dẻ xanh xao, mệt mỏi có thể được khỏi bệnh. Ngoài bài  thuốc đông y có tên là “thuốc máu” này, “sở trường” của ông còn là bài thuốc trị dứt chứng bệnh đại tràng chỉ với hai vị thuốc nam là cây long tu và hạt mè đen.

Lương y Phạm Liên Diệp và bài “thuốc máu”
Lương y Phạm Liên Diệp và bài “thuốc máu”

Bài “thuốc máu” giúp chị em trẻ khoẻ

Lương y Diệp lí giải sở dĩ gọi là bài “thuốc máu” bởi thuốc có tác dụng bổ máu, giúp phụ nữ có làn da hồng hào, khoẻ mạnh. Nói về tác dụng của bài thuốc máu, ông Diệp cho biết: “Chị em phụ nữ bị hư khí, kinh nguyệt không đều dẫn đến nước da xanh xao hoặc vàng. Tuy nhiên mọi người không nên lo lắng bởi bệnh có thể được chữa khỏi bằng bài thuốc đông y rất đơn giản”.

Theo lời thầy thuốc Diệp, bài thuốc bổ máu gồm sáu vị thuốc như sau: Sanh địa (40g), Bạch thược (16g), Xương khung (40g), Đương quy (60g), Hương phụ (40g) và Hắc phàng (40g). Tất cả những vị thuốc trên, người bệnh đều dễ dàng tự mua ở các quầy thuốc đông y.

Cách thức bào chế bài thuốc bổ huyết được ông hướng dẫn khá tỉ mỉ: Năm vị thuốc đầu tiên đem phơi hoặc sấy khô, hạ thổ vốn là nét “đặc trưng” của thuốc đông y trong điều chế. Quan trọng nhất là công đoạn điều chế vị thuốc cuối cùng, tức Hắc phàng (gần giống phèn chua nhưng được rang cháy - PV). “Riêng vị Hắc phàng phải phi vàng trên lửa. Trước khi phi, ta cho ít muối sống và lót chảo bằng lá chuối tươi, sau đó để thuốc lên trên và phi vàng. Đến khi nào thuốc từ màu xanh chuyển sang màu trắng đỏ là sử dụng được”, ông Diệp chỉ dẫn.

“Lục vị” nêu trên sau khi trải qua bước điều chế ban đầu đều được tán mịn thành bột, đem trộn đều với mật ong và vo thành những viên nhỏ như hạt tiêu (tiêu bắc theo cách gọi của người miền Bắc - PV) để uống. Liều lượng sử dụng thuốc theo lời lương y Diệp hướng dẫn là mỗi ngày nên uống hai lần sau mỗi bữa ăn, mỗi lần uống khoảng 10 - 15 viên.

Kinh nghiệm của ông Diệp cho thấy, thông thường phụ nữ bị bệnh chỉ cần uống hết một thang thuốc sẽ cho kết quả rõ rệt. “Thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Khi thuốc ngấm vào cơ thể, da dẻ phụ nữ sẽ trở nên hồng hào, tạo cảm giác ăn ngon cơm”, ông cho hay.

Điều lưu ý đối với bệnh nhân trong quá trình uống thuốc là kiêng tránh những thức ăn “khắc tính” với thuốc bắc như rau muống, đậu xanh, củ mì... Một điều kiêng kị khác là phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh nở tuyệt đối không được uống thuốc. Ngoài tác dụng bổ máu, lương y cho biết bài “thuốc máu” còn có công dụng giúp chị em phụ nữ đều kinh, tránh hiện tượng xuất hiện khí hư ở vùng kín.

Cây long tu, vị thuốc giúp chữa bệnh đau đại tràng
Cây long tu, vị thuốc giúp chữa bệnh đau đại tràng

Dứt cơn đau địa tràng với hai loài cây

Một bài thuốc “sở trường” khác khiến lương y Diệp nổi tiếng tại địa phương nhiều năm nay là bài thuốc nam rất dễ kiếm nhưng theo ông là “vô cùng hiệu quả” trị bệnh đau đại tràng. Nhiều năm hành nghề, ông cho hay hiện bệnh đau đại tràng khá phổ biến, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến người bệnh bị kiết lị mãn tính, bị mắc bệnh trĩ rất khổ sở. Ấy vậy nhưng không phải bệnh nhân đại tràng cũng có đủ điều kiện chữa trị bằng Tây y vừa đắt đỏ lại “chưa chắc đã khỏi hẳn bệnh”. May mắn là ngay từ xa xưa, dân gian đã có những bài thuốc đặc trị căn bệnh này.

Ông lão dẫn khách tới mảnh vườn sau nhà chỉ vào cây long tu (còn có tên là cây Lô hội), cho biết: “Chính nó đấy, kết hợp với mè đen sẽ trị khỏi cơn đau đại tràng”. Lương y hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn bào chế thuốc như sau: “Lấy bẹ cây long tu đang tươi bóc hết lớp vỏ bên ngoài. Thịt cây đem giã nhuyễn. Mè đen cũng giã mịn tương tự. Đem hai thứ trộn đều với nhau rồi sắc nước uống. Cứ 50g thịt cây long tu thì trộn vào nửa lon mè đen, sắc 3 chén lấy một rồi uống đều đặn mỗi ngày. Chỉ cần uống 3 ngày, người bệnh sẽ giảm đau ngay, không còn táo bón, đau bụng nữa. Người nào bị bệnh nặng nên uống thuốc lâu dài, uống đến khi nào cơ địa bình thường thì thôi. Ai không mắc bệnh cũng có thể uống bởi bài thuốc có tác dụng phòng ngừa”, thầy thuốc Diệp cười phúc hậu.

Công hiệu của bài thuốc vỏn vẹn từ hai loài cây trên, theo lời lương y Diệp chủ yếu nằm ở những hạt mè đen nhỏ xíu. Cụ giải thích rằng trong mè đen chứa tinh dầu quý giúp bôi trơn đường ruột và chống viêm, việc giã mịn hạt mè chính là để khai thác tối đa chất dầu này. Nguồn gốc bài thuốc như lời thầy Diệp cho hay hoàn toàn từ dân gian nhưng được mình kế thừa, bổ sung thêm.

“Trong dân gian người ta vẫn thường dùng cây long tu để nấu chè ăn nhằm bồi bổ cơ thể. Mè đen ăn với gạo lứt (còn gọi gạo rằn, là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo - PV) cũng là một kinh nghiệm trị bệnh của ông cha ta. Tuy nhiên khi kết hợp hai vị mè đen và long tu với nhau thì hiệu quả chữa bệnh sẽ tăng lên nhiều lần”, lương y Diệp kể về “lai lịch” bài thuốc chữa bệnh đau đại tràng.

Tất nhiên, lương y miền biển không quên “ghi chú” bệnh nhân đau đại tràng cần giảm tối thiểu thức ăn cay nóng, thực phẩm chiên xào cũng như rượu bia. “Rất nhiều người đã khỏi bệnh bằng bài thuốc đơn giản đó. Điều đặc biệt là bài thuốc rất dễ kiếm, do vậy người bệnh không phải tốn kém nhiều tiền bạc như điều trị bằng Tây y. Vả lại chữa trị bằng thuốc nam không phải lo lắng chuyện xảy ra tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh”, thầy thuốc Diệp nói thêm.

Viêm đại tràng là căn bệnh về đường tiêu hoá thường gặp, tỉ lệ mắc bệnh cao ở những nước đang và kém phát triển. Nếu bệnh thường xuyên tái phát và không chữa trị kịp thời sẽ trở thành mãn tính rất khó chữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm đại tràng nhưng nguyên nhân cơ bản thường gặp là do nhiễm các loại sinh vật gây bệnh như Shgella, Salmonella, Amip, Lamblia hoặc nhiễm các loại giun, sán ở đại tràng…

Việc điều trị bệnh viêm đại tràng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở Việt Nam và ở hầu hết các nước trên thế giới do “lờn” thuốc và kháng thuốc. Những người bị đau đại tràng thương có biểu hiện như: Rối loạn tiêu hoá kéo dài; Khi đi ngoài phân lúc khô lúc lỏng; Bệnh nhân thường có cảm giác bụng chướng hơi, căng tức, khó chịu; Triệu chứng phổ biến nhất đối với bệnh nhân đau đại tràng là đau âm ỉ bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng; Đau nhiều lần sau khi ăn và trước khi đi đại tiện…

Mai Long

Đọc thêm