Bài thuốc chữa bỏng từ lá chuối xé nhỏ

Thừa hưởng bài thuốc chữa bỏng gia truyền của dòng họ ngoại với những công dụng tuyệt vời chỉ từ lá chuối xe nhỏ, anh Nguyễn Văn Toán (SN 1976, ngụ xóm 8, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) là vị cứu tinh cho hàng trăm người nghèo từng không may bị bỏng.

Thừa hưởng bài thuốc chữa bỏng gia truyền của dòng họ ngoại với những công dụng tuyệt vời chỉ từ lá chuối xe nhỏ, anh Nguyễn Văn Toán (SN 1976, ngụ xóm 8, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) là vị cứu tinh cho hàng trăm người nghèo từng không may bị bỏng.

Thuốc hay, thầy nghèo

Anh Toán nổi tiếng vì hai lẽ, một là tài chữa bỏng, và hai là con nhà nghèo, nghèo đến xơ xác. Người dân còn truyền tai nhau câu chuyện xảy ra đã lâu để diễn tả cái sự nghèo của nhà anh. Một gia đình nọ nghe tiếng ở Nghi Kim có người tài chữa bệnh liền cáng bệnh nhân đến, mặc dù đã được chỉ vào tận cổng nhưng gia đình này vẫn không thể tin đây là địa chỉ cần tìm, lý do “nhà thầy gì mà nghèo quá”. Chần chừ mãi, người nhà lại hè nhau khênh bệnh nhân về vì chắc mẩm “thầy mà chữa giỏi thì đã không đến nỗi nghèo như vậy”.

Trong câu chuyện kể về tài chữa bỏng kỳ lạ của anh Toán, nhiều người vẫn băn khoăn không biết nhà anh giờ có khá hơn không?.

Chân dung “phù thủy chữa bỏng”
Chân dung “phù thủy chữa bỏng”

Ngôi nhà xây tạm lợp ngói broximang không thể đơn giản hơn, bộ salon cũ lòi cả ruột và chiếc bàn “cóc gặm từ bảy đời”. Gia chủ gãi đầu gãi tai nói nhà trước đây chỉ lợp tranh, mới được nâng cấp vài năm nay nhưng vẫn đang “lôm côm”.

Hỏi về bài thuốc chữa bỏng, anh ngại ngùng: “Tui không phải thầy thuốc chi mô, mình biết cách chữa thì làm giúp mọi người thôi. Người đến nhà mình cũng toàn người nghèo khổ không có tiền đi viện, người giàu họ không đến đâu”.

Theo lý giải của anh, người bị bỏng có nhiều cấp độ, bị nặng hoàn toàn có thể dẫn tới nguy cơ tử vong hoặc thương tật suốt đời, việc chữa trị cũng phải hết sức cẩn thận không khéo còn gây nhiễm trùng. Ngôi nhà rách rưới của anh cùng bài thuốc bí truyền lạ lùng không phải lựa chọn hàng đầu của những người có tiền, chỉ những trường hợp quá nặng viện trả về, hoặc không đủ điều kiện theo điều trị nơi khác mới tìm đến.

Tuy nhiên, “ông thầy” không bằng cấp, không biển hiệu ở giữa làng Nghi Kim lại có tài chữa bỏng hay đến kỳ lạ, bỏng mấy cũng đảm bảo chóng lành lên da non. Rất nhiều trường hợp từng chữa bỏng đến giờ không thể nhớ nổi vết bỏng ngày trước chính xác ở vị trí nào vì không hề có một vết sẹo để lại.

Bệnh nhân được khênh đến toàn những ca nặng kiểu như viện trả về hoặc chữa khắp nơi không khỏi, tốn cả đống tiền, gia đình đuối quá không còn chỗ bấu víu đành phải mang đến nhà “thầy”, còn các loại bỏng nước sôi, dầu mỡ, cồn xăng thông thường chỉ là dạng “chuyện vặt”.

Mới 36 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 20 năm chữa bỏng cứu người, Toán kể khi mới bắt đầu anh chỉ chữa lặt vặt hộ cho bà con quanh xóm, không lấy tiền. Bỏng không giống như các bệnh khác mà được xếp vào dạng như tai nạn, hi hữu mới bị, nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng: Nướng mực bị đổ cồn lửa bùng lên cháy sém mặt mày, nồi chè nồi cháo vừa nấu xong tình cờ cho chân vào giữa nồi lột cả da, ấm nước đang sôi ùng ục dội nguyên vào người…

Việc cần thiết nhất là chữa trị kịp thời đúng cách và giữ vệ sinh chăm sóc vết thương sau đó. Người dân ban đầu thấy cậu thanh niên có mẹo hay lại tốt tính thì truyền tai nhau, bỏng nặng bỏng nhẹ gì cũng gọi Toán. Sau thấy bỏng nặng mức độ nào anh cũng “đỡ” được nên tôn anh thành “thầy”, mặc cho Toán luôn miệng đính chính.

Độc chiêu quấn lá chuối

Quy trình chữa bỏng của anh rất đơn giản: Lá chuối xé nhỏ ra để lót trực tiếp vào phần diện tích cơ thể bị thương để chống dính, sau đó đắp thuốc lên trên lá chuối, rồi quấn băng cố định bên ngoài; một ngày thay rửa vết thương một lần bằng nước sôi để nguội.

Thông thường nhiều người cho rằng nên rửa bằng nước muối để sát trùng nhưng theo anh, nếu lượng muối cho quá tay sẽ làm cho người bệnh vô cùng đau đớn mỗi lần lau rửa, nếu nồng độ mặn quá còn làm vết thương lở loét thêm. Cứ đều đặn như vậy, bỏng nhẹ như bỏng nước sôi chữa khoảng 10 ngày là khỏi; nặng hơn như bỏng xăng dầu, bỏng điện thì lâu hơn.

Nỗi sợ nhất của người bị bỏng thoát chết là những di chứng trên cơ thể như các vết sẹo xấu xí nhằng nhịt. Bài thuốc của anh lại “ăn điểm” vì khả năng hạn chế sẹo lồi tối đa. Những người đã từng chứng kiến anh chữa bỏng suốt hàng chục năm đã đưa ra tổng kết: Nếu chỉ phải đắp thuốc dưới 15 ngày thì hầu như không để lại một vết sẹo, còn nếu điều trị lâu hơn thì tùy theo mức độ của từng người, đại khái là sẹo mắt thường nhìn thấy được còn rất ít sẹo lồi.

Toán cho biết thêm, trong quá trình chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân bị bỏng, nhiều trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, anh đã phát hiện thêm một công dụng tuyệt vời của bài thuốc là có thể làm lành phần lớn các vết thương về phần thịt. Ngay cả các vết nhiễm trùng sâu như nhiễm trùng khi bị tai nạn xe cộ, sau khi đắp thuốc cũng dần dần tự lên da non mà không cần phải khâu vá.

Bản thân Toán cũng không thể giải thích vì sao bài thuốc của mình lại đưa lại kết quả đẹp như vậy, anh được thừa hưởng bài thuốc gia truyền nhiều đời; đời xưa làm sao thì đời nay làm vậy. Nhiều người đã “mắt tròn mắt dẹt” nhìn “thầy” ra vườn bứt lá chuối về quấn vào vết thương đang lở loét của bệnh nhân, nhưng theo Toán giải thích việc quấn lá chuối chữa bỏng cũng là do các cụ truyền lại: Lá chuối vừa chống dính bóc ra dễ dàng giúp việc lau rửa vết thương, không gây đau đớn; thuốc đắp qua một lớp lá chuối xé nhỏ thấm vào vết thương hết sức nhẹ nhàng; bản thân lá chuối cũng là một phần không thể thiếu của bài thuốc.

“Của để dành” từ mẹ

Toán tâm sự mẹ anh là người gốc Bắc, bố là người Nghệ An, các anh em Toán lớn lên ở quê ngoại ngoài Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), sau đó theo bố về quê sinh sống ở Nghi Kim cho đến bây giờ. Anh học hết lớp 8 là nghỉ do nhà quá nghèo. Người mẹ thương mấy bố con sống quá vất vả trên mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” nên đã dạy lại bài thuốc chữa bỏng gia truyền của họ ngoại cho Toán để mấy cha con có kế sinh nhai, cũng là để cứu người.

Sau mấy năm được mẹ truyền dạy, Toán về quê cha bắt đầu chữa bỏng miễn phí cho bà con, khi ấy anh mới 16 tuổi. Người bố sau đó biết nghề cũng tham gia chữa trị cho người bệnh trong suốt hai chục năm, đến nay ông cụ đã ngoài 70 tuổi.

Bài thuốc của người mẹ khi xưa truyền lại cho con trai có nghề kiếm sống có lẽ đến nay vẫn chỉ là “của để dành”. Toán lấy vợ sinh con vẫn ở cùng bố nhưng cả gia đình đều dựa vào ruộng đồng, bài thuốc gia truyền đã cứu được nhiều người nhưng khó nuôi sống mấy miệng ăn vì… giá rẻ.

Toán vừa cười vừa kể có lần chữa xong cho người bệnh rồi, nhận tiền rồi mà gia đình họ vẫn nài ép nhận thêm vì nói anh lấy ít quá. Chi phí điều trị không có mức giá cố định, tùy theo từng trường hợp nhưng Toán cho biết anh chỉ lấy đủ để làm thuốc và mua băng gạc, còn lại tiền xăng xe trong những trường hợp chữa cho bệnh nhân ở xa, ngoài ra không đáng kể. Lý do đơn giản: “Mình cũng nghèo mà họ cũng nghèo, họ bệnh cũng như mình bệnh”.

Trừ bỏng do axit Toán chưa từng gặp, còn lại tất cả các loại bỏng khác, thậm chí bỏng cấp độ 3 là mức nặng nhất Toán cũng điều trị được. Anh cứ tất tả thức khuya dậy sớm, vừa bươn chải mưu sinh vừa làm thuốc giúp người. Người đàn ông kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình trong những ngày nông nhàn bằng đủ các việc từ xe lai (xe ôm) cho đến thợ xây.

Trong những cuốc xe lai đi đến khắp thôn cùng ngõ hẻm, có lẽ không mấy ai biết được anh lái xe kiệm lời Nguyễn Văn Toán lại là người sở hữu bài thuốc chữa bỏng mấy chục năm vang danh, cũng là người có tấm lòng nhân hậu bậc nhất đất Nghi Kim. 

Tuyết Lan

Đọc thêm