Bám biển làm giàu

Ở xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh hiện có hơn 60% hộ dân đầu tư nuôi hầu biển và tu hài. Theo ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen: “Nghề nuôi hải sản là đòn bẩy đắc lực để phát triển kinh tế của địa phương”...
Ở xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh hiện có hơn 60% hộ dân đầu tư nuôi hầu biển và tu hài. Theo ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen: “Nghề nuôi hải sản là đòn bẩy đắc lực để phát triển kinh tế của địa phương”...

Đón Tết trên biển

Những ngày đầu xuân, khi trên đường phố vẫn còn dư âm không khí Tết Nguyên đán Tân Mão thì người dân xã đảo Bản Sen đã tất bật với các công đoạn chăm sóc tu hài và hầu biển. Trời rét lạnh, vậy mà nhiều người vẫn ngâm mình dưới nước để kiểm tra các phao đỡ bè nuôi hầu và lồng tu hài... Tại bè nuôi cách bờ 2km, ông Hoàng Văn Long, thôn Đồng Rôm đang ngâm mình dưới nước dùng que tre khéo léo nạo những đám rêu mốc bám vào thân con hầu. Giải thích công việc của mình, ông Long đã mang hai dây hầu đặt gần nhau. Dây hầu chưa được vệ sinh có màu đen thẫm, còn dây đã qua bàn tay của người nuôi có màu vàng nhạt trông đẹp mắt. Ông Long cho biết: “Mình phải làm vệ sinh sạch thì hầu mới lấy được thức ăn đó là phù du, tảo khuê từ thủy triều của biển”.
 
Người dân xã Bản Sen vệ sinh các dây hầu trên bè nuôi.

Cùng thời điểm này ở khu vực nuôi tu hài, ông Kiều Anh Chính, thôn Đông Lĩnh đang lặn ngụp dưới nước biển trong xanh kiểm tra lưới chắn bảo vệ bè nuôi. Chúng tôi được biết để xuống nước trong những ngày giá rét, các thợ nuôi đều phải uống một hai hụm nước muối gừng nhằm chống cảm lạnh. “Sắp đến thời kỳ thu hoạch nên vừa qua tất cả những hộ dân chăn nuôi trong xã đều tổ chức đón Giao thừa, vui xuân trên biển. Vì các bè nuôi chính là gia sản của từng gia đình. Có ở bên nó mọi người mới yên tâm”– ông Chính khẳng định. 

Nghề nuôi cũng lắm gian truân

Ông Phạm Hải Đang, Chủ tịch HĐND xã Bản Sen cho biết: “Mỗi chiếc bè nổi trên mặt nước nuôi được từ 100 đến 300 lồng tu hài và từ 300 đến 600 dây hầu. Chi phí cho mỗi bè từ 50 đến 200 triệu đồng. Nuôi nhiều hay ít còn tùy thuộc điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình”. Cũng theo ông Đang: “Nuôi tu hài và hầu đều không mất tiền thức ăn. Mỗi vụ nuôi chỉ từ 9 đến 12 tháng, nhưng thu hoạch lại rất cao. Theo giá thị trường hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg hầu và gần 100.000đ/kg tu hài. Trừ các khoản chi phí như mua lồng, bè, con giống... người chăn nuôi sẽ thu lãi gấp đôi, thậm chí gấp 3 số tiền vốn ban đầu bỏ ra. Nhưng để đạt kết quả cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Thời tiết, khí hậu, độ mặn của nước biển và con giống...”.

Tìm hiểu ở các hộ chăn nuôi chúng tôi được biết để có được kết quả như ngày hôm nay nhiều hộ dân trong xã đã chịu thất bại rất nặng nề. Đầu tiên là việc mua con giống của nước ngoài (con giống cung cấp cho vùng biển có độ mặn cao không phù hợp với bờ biển Việt Nam) nên chỉ nuôi được mấy tháng đã xảy ra hiện tượng tu hài và hầu chết hàng loạt. Đến khi đã có con giống tốt do các trại giống trong nước sản xuất, tưởng “ngon ăn” nhưng do phương pháp chăn nuôi, chăm sóc chưa đúng cách nên có nuôi mà không cho thu hoạch.... nhiều nhà lúc đó (năm 2005) lỗ tới cả trăm triệu đồng. Hầu hết các gia đình chăn nuôi đang có mặt trên biển đều đã chịu thất bại ít nhất tới 4 lần mới thành công. Chính vì vậy kinh nghiệm nuôi tu hài và hầu được hình thành trong cả quá trình từ năm 2005 đến nay. Để nuôi tốt, bảo đảm tốc độ tăng trưởng, yêu cầu bắt buộc đặt ra là phải chọn con giống khỏe mạnh; không thả giống vào mùa mưa; mỗi tháng định kỳ kéo lồng, dây nuôi lên 2 lần để kiểm tra, làm vệ sinh và thay cát trong lồng kịp thời...

Nhân rộng mô hình ra toàn xã

Là xã đảo có hơn 1000 nhân khẩu với 275 hộ dân, diện tích đất tự nhiên gần 450ha; mặt nước rộng, độ mặn vừa phải, lại nằm trong Vịnh Bái Tử Long ít xảy ra sóng to, gió lớn nên xã Bản Sen ngoài tiềm năng về nông, lâm nghiệp còn có nhiều lợi thế về nuôi thủy sản. Ồng Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết: “Cách đây 5 năm Nghị quyết của Đảng ủy xã cũng đã đề cập tới việc phát triển ngành nghề này với mục đích giảm nghèo cho dân. Tới thời điểm này các hộ chăn nuôi trên vịnh đã cho thu hoạch khá cao. Các chủ nuôi đều đã trả xong vốn vay ngân hàng, làm có thu, nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá, hộ giàu, như gia đình anh Trần Văn Tuyến, thôn Đồng Rôm, anh Phạm Hải Đôn, thôn Cuối ...”.

Chính từ việc nuôi hải sản của các hộ dân đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Sen giảm từ 70,3% (năm 2003) xuống còn 18% (năm 2010). Để nhân rộng ra toàn xã, UBND xã Bản Sen đã có chủ trương giao mặt nước cho các hộ dân quản lý; tổ chức các lớp tập huấn phương pháp chăn nuôi cho bà con và thành lập hội chăn nuôi theo vùng, tạo sự hỗ trợ về vốn và phổ biến kinh nghiệm. Nhưng để phát triển nghề này qua khảo sát của chúng tôi tại xã đảo Bản Sen vẫn còn nhiều hộ gia đình thiếu vốn phát triển chăn nuôi; nhiều nhà không đủ điều kiện thế chấp ngân hàng... Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã và người dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho vay vốn chăn nuôi phát triển làng nghề...

Tạm biệt những người bám biển chúng tôi hy vọng một ngày không xa xã đảo Bản Sen trở thành xã có tiềm lực kinh tế-xã hội mạnh của huyện Vân Đồn. Bởi ở đó có những người dân luôn khát khao làm giàu trên chính quê hương mình.

Theo: qdnd.vn

Đọc thêm