Bám biển

Bão số 4 vừa tan, dãy hội tụ nhiệt đới còn quần đảo ngoài khơi. Những ngư dân Thọ Quang vẫn chuẩn bị cho những chuyến xa bờ vươn theo luồng cá. Với họ, biển không chỉ là nhà, là quê hương mà còn hòa trộn xương máu của bao đời.

Bão số 4 vừa tan, dãy hội tụ nhiệt đới còn quần đảo ngoài khơi. Những ngư dân Thọ Quang vẫn chuẩn bị cho những chuyến xa bờ vươn theo luồng cá. Với họ, biển không chỉ là nhà, là quê hương mà còn hòa trộn xương máu của bao đời.

Chân dung người thuyền trưởng

Thuyền trưởng Lê Văn Sung sau chuyến đi biển trở về.

Anh Lê Văn Sung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt xa bờ số 1 phường Thọ Quang đội mưa, kéo chiếc thuyền thúng chở khách ra thăm tàu. Tàu của anh có 9 thuyền viên vừa vươn xa hàng trăm hải lý sau 12 ngày đêm đánh bắt được 5 tấn cá ngừ và cá cờ. Với tổng thu được 70 triệu đồng, trừ phí tổn 30 triệu, còn 40 triệu đồng chia cho chủ tàu và lao động.

Anh Sung quê ở Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, theo nghề đi biển từ nhỏ. Sau 10 năm đi bạn cho các chủ tàu, anh sắm được tàu bé. Đến năm 2003, anh đã đóng được tàu lớn với tổng vốn tự có 400 triệu đồng. Anh cho bạn thuyền vay vốn từ 20 đến 30 triệu đồng để cùng chung tài sản, chung trách nhiệm, cùng gắn bó với con tàu.

Mới đây, thành phố đã trang bị cho đội tàu của anh 3 chiếc máy Icom (vô tuyến) để thường xuyên liên lạc với đất liền, trị giá mỗi chiếc máy 30 triệu đồng, cùng hàng chục chiếc phao cứu sinh cho mỗi con tàu. Nhờ có máy nên dù đi xa hàng nghìn cây số, đội tàu vẫn liên lạc 24/24 giờ với đài 252 Đồn Biên phòng ở phường Thọ Quang, vừa thông tin kịp thời về tình hình an ninh trên biển, vừa nắm bắt mọi diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như khẩn cấp ứng cứu những tình huống bất trắc xảy ra. Mới đây, con tàu của anh cũng đã được Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố hỗ trợ 50% kinh phí để cải hoán hầm tàu, nên việc bảo quản hải sản bảo đảm chất lượng trong điều kiện đánh bắt dài ngày có nhiều thuận lợi.

Anh Sung là một thuyền trưởng dạn dày và có nhiều kinh nghiệm. Mùa nào, ở vùng biển nào đánh bắt hải sản gì sẽ đạt hiệu quả cao đều được bảo lưu trong nhật ký. Tạng người của anh chân chất, hiền lành, chẳng có chút nào mang dáng vẻ của một người “ăn theo sóng, nói theo gió” để chỉ huy tàu vượt qua giông tố. Ấy vậy, mà chẳng ai ngờ anh lại là một chiến sĩ Cách mạng thuộc đội giao liên vùng 4, bị địch bắt cầm tù từ năm 13 tuổi. Sau mỗi chuyến đi biển về, nhìn dáng anh tất tả trong gió mưa lo cho bạn thuyền ổn định cuộc sống mới thấy hết những gánh nặng lo toan đặt trên tấm thân gầy của anh, người cựu tù cách mạng đã bước sang tuổi “tri thiên mệnh”.

Tuổi thất thập cưỡi sóng

Ông Nguyễn Thương, 70 tuổi sau chuyến đi biển đánh bắt xa bờ trở về.

Bạn thuyền của anh Sung có một người cao tuổi, đó là ông Nguyễn Thương, năm nay vừa tròn 70 tuổi, quê ông ở Hội An, ra Đà Nẵng từ năm 1964, từng làm thuyền trưởng cho nhiều chủ tàu. Ông Thương và anh Sung là những người may mắn sống sót sau cơn bão đánh chìm tàu năm 1989.

Sau chuyến đi biển với tàu của anh Sung mới đây, ông Thương lại ngồi thanh thản đưa nôi cho đứa cháu nội vừa tròn một tuổi. Mái tóc đã bạc, nước da đã mồi nhưng cái nghiệp đi biển vẫn chưa vãn hồi trong ông. 4 đứa con trai của ông cũng theo nghề biển, 5 cha con ông trở thành “ngũ hổ tướng” tung hoành trên sóng nước.

Theo tàu anh Sung đã 10 năm nay, tuy là con thứ 3 trong gia đình nhưng các thuyền viên trong đội tàu đều gọi ông là anh Hai, có lẽ vì ông là người đi biển cao tuổi nhất, lại là người chủ lái có nhiều kinh nghiệm nhất. Anh Sung chỉ vào ông Thương nói vui: Mình già rồi. Chừ thì tát nước, quay chèo, kéo neo, bủa lưới phải nhờ các trai.

Ông Thương tâm sự: Bây giờ nghề đi biển thiếu người nên mình gắng theo, hơn nữa ở nhà cũng nhớ, biết đi biển là cực, là hiểm nguy nhưng lên bờ lại thấy khó chịu. Vợ ông Thương là bà Phạm Thị Bốn, đã ở tuổi 68, vẻ người còn nhanh nhẹn, hoạt bát, ngồi cạnh ông góp chuyện: “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” mà. Nói vậy nhưng bà đã theo ông tròn 50 năm, mỏi mòn đợi chờ ông sau mỗi chuyến đi biển, và giờ đây bà vẫn còn thắc thỏm lo cho ông và 4 đứa con trai trong mỗi mùa biển động ra khơi chưa kịp về.

Cũng ở Thọ Quang, ông Ngô Sơn, năm nay 88 tuổi, đã có 3 đời theo nghề đi biển. Ông không còn sức để ra khơi, nhưng mỗi khi con cháu bàn chuyện đi biển thì mắt ông lại sáng lên, tai ông lại căng ra để nghe. Ông lo cho lao động biển ngày một thiếu vắng, con cháu bỏ thuyền làm công nhân. Theo ông, đi làm công nhân nếu không tiêu xài thì cũng chỉ đủ ăn, không thể làm kinh tế được. Muốn làm kinh tế thì phải đi biển. Con trai ông là anh Ngô Tùng, chủ của 3 chiếc tàu lớn, nhưng nay đã phải bán đi hai chiếc vì thiếu nhân công. Thiếu người đi biển hiện nay đang là nỗi lo của các chủ tàu và lớp người như ông Ngô Sơn, ông Nguyễn Thương sẽ không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về nghề biển trong tương lai.

Trong mắt người yêu biển

Khi nói đến biển thì từ ngữ của ông Phạm Bá Năm, Bí thư Chi bộ khối Mân Quang cứ cuộn trào như sóng. Ông nói: “Một người ra khơi thì sẽ kéo theo hàng trăm lao động trên bờ có việc làm. Vươn xa nghề cá, đánh bắt xa bờ chính là tiềm năng kinh tế, là tiềm lực quốc phòng và khẳng định chủ quyền biển đảo đối với thành phố cảng Đà Nẵng”. Ông nói say sưa như một thanh niên trẻ mới bước vào đời. Đôi mắt của ông sáng lên dường như có nắng.

Ông là người Đội trưởng Đội tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên của phường Thọ Quang khi mới thành lập. Hơn 20 năm cầm lái ra khơi, ông đã có trong tay danh sách của 38 thuyền trưởng dạn dày từng cùng ông vươn khơi lướt sóng. Ở tuổi 60 nhưng ông vẫn sẵn sàng làm công dân bám trụ tại huyện đảo Hoàng Sa khi Tổ quốc cần. Ông từng nói như vậy.

Quê ông Năm ở Điện Dương, Điện Bàn, tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, năm 1968 là Huyện đội phó huyện Thăng Bình, từng giữ chức vụ đại đội trưởng pháo binh, đại đội trưởng đặc công của lực lượng vũ trang huyện. Sau giải phóng, ông công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1986 ông nghỉ việc và lên tàu đi biển.

Đến hôm nay, dù đã rời tàu, nhưng con mắt ông vẫn từng ngày dõi theo mỗi chuyến tàu ra khơi, cùng lo cho ngày sóng to gió lớn, cùng vui cho những chuyến tàu cá mực đầy khoang. Được trò chuyện cùng ông, mỗi thuyền viên như được tiếp thêm sức mạnh để vượt biển vươn khơi, mỗi chuyến đi biển về lại được cảm thông chia sẻ khi trò chuyện cùng ông.

Cuộc sống vẫn còn bao khó khăn bề bộn, mỗi chuyến đi biển của ngư dân có khi đầy khi vơi. Nhưng những người đi biển vẫn luôn tin yêu cuộc đời. Thuyền trưởng Lê Văn Sung, lão ngư Nguyễn Thương, cựu trưởng đội tàu Phạm Bá Năm cùng các thuyền viên đang vượt biển ra khơi là những người như thế.

Ghi chép của Lê Gia Thụy

Đọc thêm