Buổi tọa đàm thu hút hơn 400 khách mời từ Cục Hàng không Việt Nam tới đại diện các địa phương như tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng..., các doanh nghiệp quan tâm đến cơ hội kinh doanh đầu tư tại Côn Đảo, những nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng yêu du lịch.
Tiềm năng du lịch lớn
Trong mắt du khách và chuyên gia, Côn Đảo thuộc top điểm đến hàng đầu không chỉ ở Việt Nam. Năm 2017, CNN công bố Côn Đảo là một trong 10 hòn đảo bình yên nhất châu Á. Còn tờ Guardian (Anh) nhận định đây là điểm du lịch lý tưởng ít người biết ở Đông Nam Á. Travel & Leisure liệt kê địa danh này là hòn đảo kỳ thú nhất thế giới.
Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại tọa đàm. |
Chia sẻ thông tin về Côn Đảo, ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Côn Đảo rộng 76 km2 và là một quần thể quy tụ 16 hòn đảo lớn nhỏ, có hệ sinh thái thiên nhiên còn gần như nguyên vẹn. Tại đây có nhiều loài sinh vật quý hiếm cần bảo tồn như rùa biển, hệ sinh thái dưới biển là san hô thuộc loại đẹp nhất tại Việt Nam, cùng diện tích lớn rừng nguyên sinh...
Côn Đảo cũng được Chính Phủ công nhận là khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, ngoài ra còn có di tích nhà tù hơn 100 năm lịch sử, được du khách trong và ngoài nước quan tâm. Bên cạnh đó, mảnh đất 7.000 dân còn có bề dày lịch sử với nhiều chiến sỹ cách mạng, hơn 22.000 ngôi mộ tại đây, phù hợp để phát triển du lịch tâm linh.
Theo Giám đốc sở Du lịch tỉnhBà Rịa - Vũng Tàu, năm 2019, Côn Đảo đón khoảng 420.000 khách du lịch. Trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, địa phương vẫn đón trên 235.000 lượt khách.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). |
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ghi nhận tiềm năng du lịch của Côn Đảo rất lớn khi tăng trưởng lượng khách du lịch đến với đảo tăng 400% thời gian qua dù chỉ ít đường bay, hạ tầng giao thông khó khăn. “Đây là di tích lịch sử quốc gia quan trọng. Nếu không giữ gìn vài năm nữa thì sẽ không ai tìm đến. Côn Đảo không phải là điểm đến lớn nên tính đến sức chứa, đường bay... cần cơ quan quản lý Nhà nước có quy hoạch cụ thể”, ông Đức đề xuất.
Dưới góc độ du lịch, ông Đức cho rằng, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, đây là di sản thiên nhiên ban tặng, nếu mất đi thì Côn Đảo không thể lấy lại được. Ông chia sẻ mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá, cần một số lượng đảm bảo.
Côn Đảo có tiềm năng du lịch rất lớn. |
Nói về cơ sở hạ tầng tại Côn Đảo, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thừa nhận rằng, một trong những yếu tố còn thiếu và yếu ở Côn Đảo là hạ tầng du lịch. Do vậy, địa phương mong chào đón nhiều nhà đầu tư đẳng cấp để tạo ra những sản phẩm tốt, phù hợp với hệ sinh thái, bền vững cho môi trường. Với Côn Đảo, vai trò của ngành công nghiệp không khói này là vô cùng quan trọng, đang đóng góp tới 80% GDP cho địa phương. “Một điều đáng tiếc là việc kết nối đất liền và Côn Đảo còn nhiều hạn chế. Hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Tỉnh đang quy hoạch để mời gọi các doanh nghiệp tập đoàn tới khảo sát, đầu tư, không cần quá nhiều nhưng đầu tư chất lượng để giữ vị trí, hệ sinh thái, tính nhân văn”, ông Hàng nói.
Một vấn đề quan tâm khác là những dịch vụ còn thiếu ở Côn Đảo. “Thông qua sự kiện lần này, chúng tôi hy vọng các Sở VHTTDL và Tổng cục Du lịch vận động các địa phương cung cấp dịch vụ để hoạt động du lịch Côn Đảo ngày càng tốt hơn”, ông cho hay.
Mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo, kích cầu du lịch
Sở hữu đầy đủ những yếu tố hấp dẫn nói trên, nhiều chuyên gia nhận định, thứ duy nhất kìm hãm Côn Đảo là cơ sở hạ tầng giao thông. Cho đến nay, muốn đi đường hàng không đến Côn Đảo chỉ có một lựa chọn là bay từ thành phố Hồ Chí Minh với một hãng duy nhất. Du khách từ các tỉnh phía Bắc muốn đến phải di chuyển hai chặng, thời gian bay và nối chuyến tổng cộng 4 đến 5 tiếng đồng hồ.
Với bối cảnh nói trên, không ngạc nhiên khi Bamboo Airways chính thức khai thác đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, và Vinh đến Côn Đảo từ cuối tháng 9/2020, thu hút sự chú ý của đông đảo những người đam mê du lịch. Lần đầu tiên, du khách được bay thẳng với loại tàu bay lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam là Embraer - hãng sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ 3 thế giới, sau Boeing và Airbus.
Ông Đặng Tất Thắng-Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways. |
Nói về lý do mở 3 đường bay thẳng mới từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, ông Đặng Tất Thắng-Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, từ khi thành lập Bamboo Airways, mục tiêu hãng hướng tới là kết nối các địa phương có ít đường bay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Hơn nữa, mở các đường bay từ Vinh và Hải Phòng bên cạnh Hà Nội là bởi vì theo thống kê của Cục Hàng không, 90% khách du lịch Côn Đảo là người miền Bắc, bởi nơi đây nổi tiếng với du lịch tâm linh. Đó là lý do hãng ưu tiên Hà Nội, Hải Phòng và Vinh - ba thành phố có dân số lớn.
Ba đường bay thẳng mới do Bamboo Airways khai thác từ 29/9, vé mở bán từ 0h ngày 12/9, được dự báo sẽ là cú hích quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch Côn Đảo, nhất là trong bối cảnh lượng quan tâm đến địa danh này đang tăng trưởng chóng mặt.
Việc mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo đã nhận được nhiều đánh giá cao. Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhu cầu đến Côn Đảo có từ nhiều năm nay là rất lớn và ngày càng tăng đồng thời cũng thừa nhận đường tới Côn Đảo còn nhiều khó khăn. Ông Cường đưa ra dẫn chứng, ngoài đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh hay Cần Thơ, để tới Côn Đảo có thể đi bằng tàu thường, tốc độ cao nhưng thời gian dài, nếu từ Thành phố Hồ Chí Minh ít nhất 9 tiếng, từ Bà Rịa-Vũng Tàu xấp xỉ 4 tiếng trong điều kiện biển lặng.
“Việc đạt tối đa 24 lượt đến Côn Đảo mỗi ngày là sự cố gắng lớn. 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo của Bamboo Airways sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, hỗ trợ giải quyết vướng mắc về giờ cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng, giảm bớt khối lượng phí tổn về giờ đi lại, tiêu tốn xăng cho các chặng bay nối chuyến,” ông Cường khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Hàng cho hay, trước kia du khách từng phải bay ra Côn Đảo bằng trực thăng, rất tốn kém. Từ khi có sân bay, lúc cao điểm tới 26 chuyến bay cuối tuần, ngày thường 5-8 chuyến mà rất nhiều du khách vẫn than phiền không mua được vé.
“Với đường bay mới của Bamboo Airways, khách du lịch từ miền Bắc có thể di chuyển thuận tiện hơn, không phải nối chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh hay Cần Thơ. Địa phương đã và đang cố gắng phát triển cơ sở hạ tầng, hiện khá nhiều nhà đầu tư đang thi công nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho du khách. Tỉnh cũng đã có tính toán phương án phát triển du lịch bền vững, làm rất kỹ, cân nhắc phát triển nhưng vẫn giữ nguyên hệ sinh thái, đặc biệt là tại Côn Đảo”, ông Hàng nói.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng hàng không Bamboo Airways. |
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng hàng không Bamboo Airways nhấn mạnh, mục đích và sáng kiến của người FLC và Bamboo Airways là hình thức kích cầu du lịch lần 2. “3 địa phương mở đường bay mới này thực chất là kích cầu đi lại của du khách. Với những người làm hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng luôn muốn tiên phong làm trước để tạo đà doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ cùng đưa du lịch có thể khởi sắc,” ông Quyết nói.
Là người cổ vũ, tiên phong, giúp sức để Côn Đảo phát triển, người đứng đầu Tập đoàn FLC sẵn sàng đầu tư tài trợ xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng sân bay Côn Đảo để bay được cả đêm chắc chắn sẽ tạo khí thế mới thu hút du lịch về với Côn Đảo.