Bản án tù cho “quái xế” lạng lách xe máy điện

(PLO) - Bị cáo đi xe máy điện. Trên đường di chuyển, thấy nắp cống hố ga nhô lên khỏi mặt đường vài phân, sợ “dằn” xe nên bị cáo lách ra ngoài để tránh, không ngờ va phải xe máy ngược chiều. Cú va ấy chỉ khiến bị cáo trầy xước, nhưng đối phương lại mất mạng vì bị chấn thương sọ não.
Nam thanh niên 20 tuổi bị tuyên phạt sáu tháng tù giam
Nam thanh niên 20 tuổi bị tuyên phạt sáu tháng tù giam

Khóc suốt đêm trước ngày ra tòa

Sáng se se lạnh. Trời giăng giăng đầy sương nên đã trưa vẫn chưa thấy nắng. Nam thanh niên là bị cáo trong vụ án mới 20 tuổi (ngụ TP Huế, được tại ngoại), rụt rè níu tay mẹ, chân rón rén bước theo bên. Người mẹ tuổi còn chưa đến 50, nhưng dáng già nua, gương mặt đen sạm vì mưa nắng. Bà dắt con trai, bước thấp bước cao vào tòa. Hôm nay, bà đến dự khán. Mà con trai bà, chính là bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.

Phiên tòa do TAND TP Huế tiến hành xét xử vắng tanh. Mẹ bị cáo ngồi bên con trai, đôi tay bà đầy vết chai sần vì thường xuyên quần quật ngoài công trình phụ thợ hồ cứ nắm mãi bàn tay con. “Hắn lo lắm. Biết hôm nay ra tòa, nên hắn rất sợ. Lớn rứa, mà hôm qua cứ nằm trên giường khóc miết. Nhìn hắn, vợ chồng tui đau lòng nhưng cũng chỉ biết lo lắng suông”, bà thở dài.

Đôi mắt sâu hoắm vì lo âu đong đầy nét bồn chồn. Bà bảo, chồng bà đang ốm nên không đến tòa. Nhưng trên hết, là vì ông buồn, không muốn nhìn con trai đứng nơi vành móng ngựa. Ông sợ mình đau lòng.

HĐXX bắt đầu làm việc, bị cáo tần ngần bước lên bàn khai dành riêng cho mình. Chàng thanh niên cao lớn, nhưng đứng trước hội đồng xét xử lại đầy vẻ rụt rè, ủ dột. Bị cáo khai, vào khoảng 8h tối một ngày đầu tháng 9/2017, bị cáo điều khiển xe máy điện chở em trai ra trước đường mua bánh osi.

Trên đường di chuyển, bị cáo phát hiện có hố ga trên đường nên đã điều khiển cho xe đi qua phần đường bên trái (theo chiều đi của mình) để tránh hố ga, dẫn đến bánh trước xe máy điện do bị cáo điều khiển va chạm vào bánh trước xe máy của bị hại đang điều khiển đi hướng ngược lại, gây ra tai nạn giao thông. 

Hậu quả, bị hại bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế, hai ngày sau thì qua đời do chấn thương sọ não nặng vỡ sọ gây tụ máu nội soi. Tuy thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng cú va chạm hôm ấy cũng khiến bị cáo gãy tay trái, chấn thương hàm phải điều trị suốt một thời gian.

Tòa hỏi bị cáo có giấy phép lái xe không? Bị cáo nói chưa có. “Khi lách xe tránh nắp hố ga, bị cáo có quan sát phía trước không?”, tòa hỏi. “Bị cáo có quan sát, nhưng không thấy”, bị cáo ngập ngừng. “Khi lưu thông trên đường, mình lách đột ngột rất nguy hiểm, xe ngược chiều hoặc cùng chiều điều có nguy cơ đụng phải. Chỉ vì sự bất cẩn của mình, bị cáo không chỉ bị tổn hại sức khỏe, còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn gia đình bị hại phải chịu cảnh đau đớn khi mất đi một người thân”.

Tòa hỏi bị cáo hố ga hôm đó có nắp không? Bị cáo nói có nắp. “Vậy có lưu thông được phía trên không?’. Bị cáo lại lí nhí cho biết vẫn lưu thông được. Nhưng vì nắp hố ga cao hơn mặt đường một chút, nếu đi qua xe sẽ bị dằn nên bị cáo mới lách ra ngoài để tránh. Lúc hai xe va chạm, bị cáo ngã xuống bị thương, nên chẳng biết gì nữa. “Khi tỉnh lại, bị cáo có nghe thấy về tình trạng nạn nhân không?”. “Khi đó bị cáo cũng nhập viện. Tỉnh lại thì biết bị hại đã nằm trên lầu Sáu khoa hồi sức cấp cứu.

Bị cáo là con đầu trong gia đình có ba anh em. Gia đình khó khăn nên mới học đến lớp Tám bị cáo đã nghỉ học, một thời gian sau thì đi học nghề nhôm kính. Những khi không có việc, bị cáo lại theo bố mẹ đi phụ thợ hồ. Mẹ bị cáo ngồi bên dưới, nhìn con trai đứng nơi vành móng ngựa bằng ánh mắt lo âu. Đôi tay bà cứ xoắn đi xoắn lại một góc tà áo đã sờn bạc.

Bà kể, hai vợ chồng bà đều là dân phụ thợ hồ. Trời Huế nhiều mưa, những ngày nắng kiếm được đồng tiền còn dễ dàng hơn một chút. Nhưng những ngày mưa, các công trình điều đắp chiếu, nghề phụ thợ hồ của hai vợ chồng coi như treo niêu. Bởi vậy đứa con trai đầu của bà chẳng có điều kiện để ăn học tử tế. 

“Nhà tui trước nay đều là hộ nghèo ở địa phương, vì cả hai vợ chồng đều thường xuyên đau ốm. Cả gia đình ở trong căn chòi nho nhỏ. Mấy năm trước, cha mẹ chồng cho đám đất mới dựng nên được bốn bức vách đàng hoàng che chắn gió mưa. May ra mới nắng không dính đầu, mưa không ướt áo”, mẹ bị cáo kể. 

Cũng bởi gia cảnh bần hàn, nên khi con trai gây tai nạn, bà chạy quanh mượn tiền đến đỏ con mắt mới kiếm được 30 triệu bồi thường cho gia đình bị hại. Bà kể, con trai thấy bà chạy vạy mượn tiền thì lo lắng lắm. “Hắn nói mẹ ráng vay tiền bồi thường cho người ta, rồi con đi làm nhôm kính, đi phụ thợ hồ kiếm thêm tiền, dành dụm để mạ trả nợ”.

Rồi bà đưa tay quẹt nước mắt. Bà bảo con bà lo lắng, sợ sau này “bận” đi tù, sẽ không đi làm thuê để trả nợ được. “Hắn nói, lỡ đi tù lâu, thì mạ ở nhà ráng khất nợ người ta, đợi hắn đi tù về, sẽ tiếp tục làm thuê kiếm tiền trả nợ tiếp”. Người mẹ kể bằng giọng ngắc ngứ, bởi cái nấc nghẹn cứ trào lên nơi cổ họng.

Nỗi niềm người mẹ mất con

Nơi hàng ghế dành cho bị hại trống trơn, chỉ có người mẹ ngồi lặng lẽ. Gương mặt già nua vẫn còn hằn lên nét đau đớn. Bà kể, hôm đó bà đang ốm. Vừa uống thuốc xong, mới ngã lưng xuống giường nằm nghỉ thì có người báo con trai gặp tai nạn. Bà lật đật chạy đến, thì thấy con trai đã nằm gục. Bà hoảng sợ, sau đó thì ngất xỉu.

Đứa con trai tội nghiệp của bà nhập viện, phải nằm trên lầu Sáu bệnh viện (khoa hồi sức cấp cứu), nơi mà 10 người được đưa vào bằng cửa trước, thì hết chín người phải ra về bằng cửa sau. Và điều kỳ diệu đã chẳng thể xảy ra với con trai bà.

Chồng bà mất đã lâu. Năm người con của bà, thì hết bốn người lập gia đình rồi xa xứ làm ăn. Duy chỉ có người con trai út (bị hại trong vụ án) là ở cùng bà. Lâu nay hai mẹ con vẫn vào ra bầu bạn cùng nhau. Đã bao nhiêu bận bà giục con trai cưới vợ. Nào ngờ, bà còn chưa kịp cưới dâu, chưa kịp có cháu để bế bồng thì còn bà đã mất mạng. Còn chi đau đớn bằng.

Từ ngày con trai qua đời, căn nhà nhỏ của bà càng trở nên vắng lặng khi chỉ có mình bà thui thủi vào ra. Suốt ngày khói hương nghi ngút, càng khiến cho ngôi nhà đã lạnh càng thêm lạnh. Đôi khi ngồi giữa bốn bức tường vắng lặng, tiếng thở dài của chính mình vọng lại trong căn nhà trống trải cũng khiến bà giật mình. 

Ngày trước, mỗi chiều bà còn ngồi tựa cửa ngóng con trai đi làm về. Giờ chiều xuống, mặt trời đã tắt bóng từ lâu, bà vẫn ngồi nơi bậu cửa nhưng con trai bà đã chẳng thể trở về. Nhiều hôm dọn cơm, bà quên con trai không còn nên vẫn dọn thừa một cái chén đôi đũa. Để rồi khi ngẩn người nhớ ra, bà lại bước loẹt quẹt lê dép mang chén đũa vào bếp cất, mà nước mắt cứ lã chả rớt mãi không dừng.

“Hồi đó có mẹ có con. Tui đi kỵ đi cưới chỗ mô, hắn cũng chở tui đi hết. Hắn thương mẹ ghê lắm. Bận bịu gì cũng dành ra thời gian cho mẹ. Giờ hắn không còn, người bầu bạn, người đồng hành chi cũng không còn hết”. Bà khóc. 

Tòa hỏi bà, “gia đình bị cáo đã bồi thường 30 triệu đồng, trước đó bà đã đồng ý không yêu cầu gì thêm. Mạng người là vô giá, không thể đo đếm bằng tiền. Tòa biết số tiền đó là không đủ nhưng bà có tự nguyện không?”. Bà lão gật đầu bảo không yêu cầu gì nữa. Số tiền bồi thường đó, vẫn chưa đủ để bà xây lăng đặp mộ cho con, nói chi đến chi phí thuốc thang, ma chay tang lễ. Nhưng mà nhà bị cáo cũng nghèo khổ, thôi thì… Bà chép miệng thở dài.

Người mẹ mất con kể, hồi con trai qua đời, bà đau lòng muốn chết, lại giận người đã gây ra tai nạn cho con mình vô cùng. Nhưng rồi thời gian trôi qua, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai. Con bà đã không còn, mà bị cáo lại còn trẻ quá. Bà không muốn những tháng ngày tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, bị cáo phải ngồi sau song sắt nhà giam.

Một cuộc đời đã mất, thêm một cuộc đời nữa bị giày vò vì phải trả giá cho tội lỗi, thì ích chi. Nên bà viết đơn bãi nại. Bà tha thứ. “Tui chỉ mong tòa xử cho cháu mức án nhẹ nhất có thể. Nếu được, xin tòa cho cháu không phải sống cách ly khỏi xã hội, gia đình. Tui già rồi, ngày đêm chỉ cui cút một mình. Lỡ đêm hôm đau ốm, còn có cháu chạy tới chạy lui với mình”.

Dù ban đầu không được tòa cho phép, nhưng anh trai bị hại cũng “ráng” xin tòa cho được bày tỏ ý kiến. Cũng như mẹ của mình, người đàn ông tha thiết yêu cầu tòa cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất. “Em tui cũng mất rồi. Bị cáo có ngồi tù lâu hay mau, em tui cũng không sống lại được. chỉ mong tòa xem xét cho bị cáo mức án thật nhẹ. Bị cáo còn trẻ quá”.

Chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX sẽ cân nhắc mức án theo đề nghị của gia đình bị hại, nhưng vẫn phải theo quy định của pháp luật. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên bị cáo mức án sáu tháng tù giam. Bị cáo òa khóc. Mẹ bị cáo cũng òa khóc. Tòa tan từ lâu, nhưng bị cáo vẫn còn níu lấy tay mẹ, nói không nên lời: “Rứa là con phải “ngồi” tù rồi”.

 Theo một nghiên cứu của Ủy ban ATGT quốc gia, xe đạp điện khi đưa vào thị trường được các nhà sản xuất khống chế tốc độ ở mức 25 km/giờ, đảm bảo an toàn vận hành cho người điều khiển. Nhưng không hiếm trường hợp “độ xe”, thay đổi kiểu dáng, nâng tốc độ, thậm chí lên 40 -45 km/giờ, ngang xe máy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Mặt khác, việc thiếu kỹ năng trong điều khiển phương tiện, chạy xe quá tốc độ, chuyển hướng, chuyển làn không đúng cách... là các nguyên nhân gây nguy cơ tai nạn cao. Phổ biến là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, đeo tai nghe, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí chở ba. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc xử phạt nghiêm các hành vi sai quy định như không đội mũ bảo hiểm, phóng quá tốc độ, quy định độ tuổi cần thiết được phép sử dụng xe máy điện, đạp điện, cần sớm đẩy nhanh việc đào tạo cũng như cấp chứng chỉ cho người đi xe điện. Bởi sự bùng nổ phương tiện này trong khi quản lý vẫn còn lỏng lẻo đang là mối nguy rất lớn mất an toàn giao thông và tăng cao nguy cơ tai nạn.

Đọc thêm