Nếu như chỉ cách đây 2 tháng, giá hoa sát Tết cao ngất ngưởng khiến người dân phấn khởi hy vọng thu lãi lớn thì ngay những ngày sau Tết và tới thời điểm hiện tại, giá hoa đã rớt thảm hại. Hiện giá bán hoa hồng tại vườn chỉ còn 500 - 1.000 đồng/bông, chỉ bằng 1/10 giá hoa bán ra dịp Tết Nguyên đán (5.000-7.000 đồng/bông).
Bà Ngô Thị Lan (62 tuổi) đang chuẩn bị hoa cho buổi chợ chiều tại chợ hoa Mê Linh (Hà Nội) |
Đang ôm những bó hoa vừa cắt tại ruộng chuẩn bị đem ra phiên chợ chiều ở chợ hoa Mê Linh, bà Ngô Thị Lan (62 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) cho biết, gia đình bà đã có hơn 40 năm sinh sống bằng nghề trồng hoa tại xóm Sen. Với tổng số diện tích hơn 1.000 m2, ruộng hoa của bà Lan chủ yếu trồng hoa hồng nhung bán bông.
“Trước tết hoa bán được giá, những người trồng hoa như chúng tôi đều hy vọng sẽ thu được lãi, có thêm tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, giờ thu hồi đủ vốn chắc cũng khó” - bà Lan phàn nàn |
Đặt bó hoa xuống, bà Lan nói: “Ảnh hưởng dịch mấy tuần nay, hoa bán chậm lắm. Chẳng có khách mua, thương lái tới lấy buôn cũng giảm hắn. Hôm trước tôi cắt hoa, đem ra chợ hoa Mê Linh ngồi từ 2 giờ sáng tới ngày hôm sau mà chỉ bán được 1/3, số còn lại đành đem về để ruộng."
Bà Lan cho rằng, giá hoa rớt thê thảm chính là do dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona Covid-19. "Nghe đài, tivi nói dịch Covid-19 nguy hiểm lắm nên nhà nước cũng khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập, đi lại nơi đông người. Dịp Rằm tháng Giêng, người ta đi chùa ít, nên cũng chẳng có khách mua hoa, giá hôm Rằm chỉ có 2.500 -3.000 đồng/bông. Đặc biệt, hôm 14/2 vừa rồi, hoa cũng ế ẩm luôn, năm nay chỉ bán được bằng 10-20% so với năm ngoái ” - bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, hiện ruộng hoa của gia đình bà đang vào dịp cắt bông, chuẩn bị cho đợt 8/3 sắp tới. Nhưng giá hoa cứ ngày một giảm như hiện nay thì khó tránh khỏi lại một mùa hoa thất bát nữa. Theo tính toán của bà Lan, mỗi sào hoa, gia đình bà đầu tư khoảng 15-20 triệu đồng, bao gồm tiền cây giống, công chăm sóc, bón, tưới, quấn giấy cho hoa... “Nhưng hiện lượng hoa bán ra không đủ bù vốn, chỉ đủ tiền giấy quấn hoa, không đủ tiền công. Đi làm việc khác cũng được 300.000 đồng/ngày, nhưng giờ 2 bó hoa này chỉ bán được chưa đầy 200.000 đồng”. – bà Lan than thở.
Chị Mai – chủ gần 4.000 m2 diện tích trồng hoa hồng bán bông (xóm Sen, Mê Linh, Hà Nội) cùng người nhà đang cắt hoa tại ruộng hoa tỷ muội |
Cũng chung nỗi lo, chị Mai – chủ diện tích trồng hoa hồng bán bông rộng gần 4.000 m2 ở xóm Sen (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đầu ra của hoa chủ yếu cho các tiểu thương ở các tỉnh tới lấy rồi xuất sang Trung Quốc nên được giá, nhưng giờ chỉ tiêu thụ trong nước, hoa bán chậm lắm. "Chắc chắn những ngày tới giá hoa sẽ còn xuống thấp nữa, đặc biệt vào dịp 8/3 vì lúc đó nhiều chủ vườn thu hoạch. Như vậy đã nhìn rõ là sẽ “lỗ” rồi" - chị Mai nói.
Không chỉ những người trồng hoa bán bông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid -19, những người làm vườn cũng bị thiệt hại đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (chủ vườn hoa Tĩnh Tuyết tại Mê Linh, Hà Nội) phàn nàn bị thiệt hại do Covid-19 |
Đang cắt tỉa cho những khóm hoa, thấy phóng viên hỏi chuyện, chị Nguyễn Thị Tuyết (chủ vườn hoa Tĩnh Tuyết tại Mê Linh, Hà Nội) buồn rầu chia sẻ, trong vườn nhà chị có tổng cộng 4.000 gốc hoa tất cả như: hoa hồng lixuki, hồng mi-mô-za, hồng bụi... Mặc dù không thiệt hại nặng như các nhà trồng hoa bán bông khác, nhưng từ ra Tết tới giờ lượng khách của vườn cũng giảm tới 50% so với những năm.
Theo chị Tuyết, nguồn khách chủ yếu của chị chủ yếu là khách có điều kiện và khách nhà thầu từ các tỉnh tới chọn mua hoa làm cho công trình để dựng cổng, làm vườn... Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến các ngành nghề điêu đứng, nên các chủ nhà thầu, tiểu thương e ngại vùng dịch Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) nên không tới mua hoa, khiến lượng khách giảm đi đáng kể.
Vài trăm ha hoa tại Mê Linh đang vào dịp thu hoạch, cắt bông |
Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nhà vườn trồng hoa tại Mê Linh đang lo lắng thu lỗ trong thời gian sắp tới. Các nhà vườn và người trồng hoa đang mong có phương án thị trường cho thời gian tới, khi hàng chục vạn ha trên cả huyện Mê Linh tới kỳ thu hoạch.