Bán, cho tặng xe, bắt buộc phải công chứng?

Một Thông tư của Bộ Công an gây nhiều cách hiểu khác nhau, đối với các loại  xe có giá trị thấp - nhiều ý kiến cho rằng đã làm khó cho dân. Hôm qua (29/3), một cuộc họp liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn chủ trì đã được tổ chức nhằm tìm tiếng nói chung cho vấn đề này.

Một Thông tư của Bộ Công an gây nhiều cách hiểu khác nhau, đối với các loại  xe có giá trị thấp - nhiều ý kiến cho rằng đã làm khó cho dân. Hôm qua (29/3), một cuộc họp liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn chủ trì đã được tổ chức nhằm tìm tiếng nói chung cho vấn đề này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Muốn bán xe: phải chứng minh phiền toái?
Theo Thông tư 36 ngày 12/10/2012 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe thì “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe hoặc có xác nhận của cơ quan đơn vị công tác”. 
Tuy nhiên, theo Thông tư số 75 ngày 17/11/2011 của Bộ Công an sửa đổi bổ sung Thông tư 36 (có hiệu lực từ 10/1/2012) thì giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có chứng thực hoặc công chứng theo quy định của pháp luật.
Với quy định của Thông tư này, theo công văn số 04 do Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương ký thì đã bỏ quy định về chứng thực chữ ký trên giấy bán xe. “Quy định này có thể gây khó khăn hơn cho người dân so với trước đây, nhất là với xe có giá trị thấp nhưng đã là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thì phải chấp hành”, Công văn này chỉ rõ.
Với quan điểm như vậy, nên Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị từ 10/1/2012 (ngày Thông tư có hiệu lực) UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thuộc địa phương mình không thực hiện chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe cá nhân... và hướng dẫn người dân liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để được giải quyết.
Nói rõ hơn về vấn đề này, tại cuộc họp hôm qua, bà Ung Thị Xuân Hương giải thích: Bộ Công An khẳng định việc công chứng hay chứng thực đều phải theo quy định của pháp luật. Nhưng quy định của pháp luật thì cấp phường xã không có thẩm quyền chứng thực giao dịch, bất động sản trên 50 triệu mà phải là quận huyện chứng. 
“Thông tư 75 gây khó cho dân vì nếu công chứng sẽ phải có mặt người mua, người bán, rồi chứng minh tài sản chung riêng vợ chồng nếu có, lệ phí công chứng cao hơn lệ phí chứng thực”.
TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công An quy định đối với xe máy có giá trị dưới 50 triệu, phường xã chứng thực chữ ký. Còn nếu người dân tự khai thấp giá trị tài sản thì họ phải chịu hậu quả khi có tranh chấp pháp lý.
Mục tiêu chung là thuận lợi cho dân
Đồng quan điểm, đại diện Sở Tư pháp Thái Bình cũng cho rằng, nếu buộc người dân đến các tổ chức hành nghề công chứng là khó cho dân. Bởi hiện nay, không phải quận huyện nào cũng có Phòng/Văn phòng công chứng. Thực tế ở Thái Bình hiện nay cũng chỉ mới có một Phòng công chứng và bốn Văn phòng công chứng và tất cả đều tập trung ở trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, theo đại diện đến từ Bộ Công an - ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế) thì hướng dẫn của Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh là không đúng. Chủ trương của Bộ Công an khi ban hành văn bản này là nhằm tạo điều kiện tối đa cho dân, vừa bảo đảm được công tác quản lý nhà nước. Theo Thông tư này thì người dân có thể lựa chọn giữa công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng và chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Bộ Công an cũng nhận thức rõ, với mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng như hiện nay, việc “bắt” dân đi xa vài chục, thậm chí vài trăm cây số (vì có nhiều địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng) để bán, tặng, cho xe...là chuyện khó thực hiện.
Mặt khác, với những chiếc xe “cà tàng” có gia trị thấp, buộc người dân đến công chứng, tiền phí cho hợp đồng đã mất cả trăm ngàn, còn nếu chứng thực chỉ mất không quá 10 ngàn/trường hợp.
Được biết, trước khi có cuộc họp nói trên, đã nổ ra cuộc “tranh cãi” về Thông tư 75 nói trên. Do cách hiểu khác nhau nên mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau. Có nơi thì vẫn cho cấp xã chứng thực chữ ký, còn có nơi thì hướng dẫn người dân đến công chứng.
Ghi nhận tất cả những quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn hứa Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ cho địa phương.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ngày 29/2/2012 Sở Tư pháp Đồng Tháp cũng có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp nêu rõ: có 2 ý kiến khác nhau về thẩm quyền chứng thực. Ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ cần đến UBND cấp xã chứng thực chữ ký trên giấy bán, tặng, cho xe là được, nếu làm hợp đồng thì đến tổ chức hành nghề công chứng. 

Nhưng ý kiến thứ 2 cho rằng vì bản chất của giấy bán, tặng cho là loại hợp đồng dân sự liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu nên khi người dân có nhu cầu phải đến tổ chức hành nghề công chứng để chứng nhận hoặc đến UBND cấp huyện để chứng thực.

Thu Hằng

Đọc thêm