Bàn giao dự án phục hồi công trình tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế

(PLO) - Sáng 7/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa phi lợi nhuận, Fulda (Đức), phối hợp tổ chức lễ bàn giao cổng, bình phong, non bộ tại điện Phụng Tiên (Đại Nội), kết thúc dự án hợp tác bảo tồn và phục hồi các công trình trên, kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu. Tới dự lễ bàn giao có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên đã được tu bổ nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử. Trong thời kỳ chiến tranh công trình này đã bị hủy hoại hoàn toàn. Để bảo tồn những vết tích còn lại cũng như phục hồi các giá trị vật thể và phi vật thể của công trình, ngày 29/9/2017 dự án hợp tác kể trên đã chính thức được thực hiện.

Tổng kinh phí để thực hiện dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong và non bộ hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ hơn 3,4 tỷ đồng. 

Các đại biểu tham quan Điện Phụng Tiên
Các đại biểu tham quan Điện Phụng Tiên

Dự án được thực hiện trong 13 tháng. Dự án cũng đạt được hai mục tiêu quan trọng là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco (kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt); đồng thời, xây dựng năng lực cho công tác bảo tồn bền vững các công trình di sản của Việt Nam cho 8 học viên dự án. Họ là những thợ kép, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và thợ nề ngõa truyền thống được tuyển chọn từ các công ty tu bổ di tích tại Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô và các địa phương.

Các công trình tại Điện Phụng Tiên sau bảo tồn
Các công trình tại Điện Phụng Tiên sau bảo tồn

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá rất cao những thành công của dự án này cũng như năng lực của các học viên, thành viên trẻ. Bộ trưởng chia sẻ, đây là dự án thứ 5 được Chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Đức hỗ trợ Huế. Dự án đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương và Bộ Ngoại giao CHLB Đức, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cũng như của các tổ chức nghiên cứu chuyên môn đến từ Đức trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế.

Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ngài Christian Berger cho hay, ông rất hài lòng về thành công của dự án. “Cục Di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là hai đối tác tuyệt vời và đáng tin cậy. Chúng tôi quyết định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc bảo tồn di sản văn hóa, mong muốn tạo điều kiện cho những người quan tâm có thể tiếp cận được các hoạt động đào tạo cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn di tích"- Ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Đọc thêm