Những đơn hàng tiền tỷ xuất sang Úc, Ấn Độ
Nội Ngoài xuất khẩu gừng, nghệ, API còn có vùng nguyên liệu 60ha ở Sìn Hồ, Lai Châu trồng cây dược liệu đương quy. Loại cây này được API lấy giống về từ Nhật Bản. Từ đó, Công ty sản xuất ra thuốc Đương quy di thực đang được nhiều người tin dùng. Ngoài ra, với các loại dược liệu quý khác, API đang sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 10 thực phẩm chức năng khác nhau.
Từ xưa đến nay, với người Việt, gừng, nghệ không chỉ là gia vị đặc trưng trong việc chế biến món ăn mà còn là những loại dược liệu quý. Vậy nhưng, làm sao để người nước ngoài biết đến và chấp nhận bỏ tiền ra mua là một trong những câu hỏi vô cùng hóc búa. Và lãnh đạo Công ty Cổ phần Dược API sau nhiều năm trăn trở đã tìm ra lời giải cho bài toán này.
Những ngày này, hơn 250 lao động tại Công ty Cổ phần Dược API đang khẩn trương thực hiện những công việc cho đơn hàng xuất khẩu khoảng 1.000 tấn gừng, nghệ khô và 6.000 tấn gừng, nghệ tươi sang Úc và Ấn Độ trong năm 2018, trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Không khí làm việc hối hả của cán bộ, nhân viên API được thể hiện rõ từ văn phòng làm việc cho đến những cánh đồng bát ngát trồng nghệ, gừng. Tất cả đều khẩn trương, nghiêm túc vì những lô hàng sắp xuất cảng ra khơi.
Ông Bùi Thanh Dương (Giám đốc kinh doanh Cty API) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, gần như không có ngày nào ông được nghỉ ngơi khi phải liên tục đi cơ sở kiểm tra, giám sát, đôn đốc công nhân và bà con làm việc để làm sao có những sản phẩm gừng, nghệ sạch, tốt nhất xuất cho bạn hàng nước ngoài.
Giám đốc Bùi Thanh Dương cho biết, Cty API thành lập được 10 năm nay, chủ yếu nghiên cứu, kinh doanh các loại dược liệu. Ngoài gừng, nghệ, công ty còn nghiên cứu, kinh doanh đương quy, hà thủ ô, đinh lăng, ba kích… Từ năm 2016, API bắt đầu xuất khẩu dược liệu gừng, nghệ với khoảng 100 tấn cả loại khô lẫn tươi, giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Tuy giá trị xuất khẩu lần đầu chưa cao nhưng việc gừng, nghệ được thị trường nước ngoài chấp nhận mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài yếu tốt sạch, gừng và nghệ của Việt Nam còn được đánh giá có ít dầu hơn so với gừng, nghệ ở những nước khác. Do đó, đơn hàng từ Úc, Ấn Độ đặt mua hàng từ Cty API ngày càng tăng.
Nhớ lại cơ duyên xuất khẩu gừng, nghệ ra nước ngoài, lãnh đạo Cty API cho biết, một người bạn chuyên xuất khẩu hàng hóa sang Úc, Ấn Độ thấy API trồng gừng, nghệ theo tiêu chuẩn sạch, trong khi thị trường những nước này đang có nhu cầu hai loại dược liệu này nên đã mua về xuất khẩu thử nghiệm. Gừng, nghệ Việt Nam sau đó được các nước bạn yêu thích, đánh giá cao về chất lượng. Các doanh nghiệp từ Ấn Độ, Úc trực tiếp sang Việt Nam, khảo sát các cánh đồng trồng dược liệu của API. “Họ thấy mình làm đúng tiêu chuẩn, sạch nên đồng ý mua với số lượng lớn”, lãnh đạo API cho biết.
Thành công nhờ gắn kết với nông dân
Để có được dược liệu sạch, lãnh đạo API đã đến những vùng xa xôi ở Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Hưng Yên… tìm đất trồng nguyên liệu. Việc trồng gừng, nghệ được API tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGap và Organic. “Đất đai, nguồn nước nơi chúng tôi chọn làm vùng nguyên liệu đều rất sạch, không bị ô nhiễm, không dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình chăm sóc cây dược liệu, chúng tôi chỉ dùng phân chuồng, phân hữu cơ”, lãnh đạo Cty API nói.
Hiện nay vùng nguyên liệu gừng, nghệ của đơn vị này rộng tổng cộng khoảng 300ha, tới đây sẽ được mở rộng thêm với khoảng 500ha nhằm đáp ứng đủ số dược liệu cho bạn hàng nước ngoài đặt mua ngày càng tăng. Ngoài ra, theo lãnh đạo API, gừng, nghệ của doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường Hoa Kỳ khi một số doanh nghiệp nước này đồng ý nhập hai loại dược liệu trên. Hiện, hai bên đang đàm phán và hoàn tất thủ tục trước khi lô hàng đầu tiên được xuất sang Mỹ.
Mô hình liên kết sản xuất của API cũng khá đặc biệt khi gắn quyền lợi người dân vào quá trình sản xuất. Theo đó, API đóng vai trò là đơn vị đầu tư giống, kỹ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm, còn người dân đóng góp đất đai, công sức. Đến mùa thu hoạch, API mua với giá đã thỏa thuận từ trước, tạo đầu ra và giá cả ổn định cho người dân. Việc gắn quyền lợi người dân với sản phẩm đã khuyến khích người dân tự giác làm việc, đem lại hiệu quả cao. “Trước đây chúng tôi bỏ ra 11 tỷ đồng để thuê đất, thuê công nhân làm nhưng rồi thất bại do không gắn quyền lợi với người dân”, Giám đốc Cty API nói.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, việc những doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp như API có cách đi riêng để tiếp cận thị trường khó tính nước ngoài, tạo tiềm năng phát triển trong tương lai, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và người dân là điều đáng ghi nhận và cần được phổ biến, nhân rộng mô hình.