Ban hành quyết định hành chính sẽ hết cảnh "tùy tiện"?

Quyết định hành chính (QĐHC) hiện nay có đặc điểm là quyết định áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết một vấn đề cụ thể trong quản lý hành chính nhà nước đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có các quy định nhằm kiểm soát một cách hiệu quả việc ban hành QĐHC trái pháp luật, thiếu khách quan, không minh bạch nên dẫn đến phát sinh các tranh chấp, tiêu cực trên thực tế.

Quyết định hành chính (QĐHC) hiện nay có đặc điểm là quyết định áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết một vấn đề cụ thể trong quản lý hành chính nhà nước đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có các quy định nhằm kiểm soát một cách hiệu quả việc ban hành QĐHC trái pháp luật, thiếu khách quan, không minh bạch nên dẫn đến phát sinh các tranh chấp, tiêu cực trên thực tế.

hiều thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa tối đa với số định danh cá nhân. Ảnh minh họa
Nhiều thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa tối đa với số định danh cá nhân. Ảnh minh họa

“Quan” bị kiện ngày càng nhiều

Hiện nay, tình trạng QĐHC của các cơ quan quản lý Nhà nước bị dân khởi kiện ra Tòa đang ngày càng nhiều lên. Chẳng hạn như vụ việc bà Mai Thị Chữ kiện Quyết định số 3346/QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về việc giải quyết đơn khiếu nại của một số công dân tại tổ 3, khối 1, phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột. Hay vụ ông Trần Trí Hiệp kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh ký. Rồi vụ Cty CP Sơn Dũng kiện Quyết định thu hồi đất số 2466/QĐ-UB của UBND tỉnh Phú Yên…

Trường hợp đáng tiếc gần đây nhất vẫn được nhắc đến là vụ giết người và hủy hoại tài sản ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa được xét xử phúc thẩm. Một quyết định giao đất cho người dân cách đây gần 20 năm trời nhưng sau 15-17 năm phát hiện là sai, cần phải thu hồi đất về đã gây ra những phản ứng tiêu cực của người dân.

Cụ thể, UBND huyện Tiên lãng có 2 quyết định giao đất. Quyết định số 447 giao 21 ha cho ông Vươn, thời hạn 14 năm. Tại thời điểm đó, theo quy định của Luật Đất đai 1987 là phù hợp. Nhưng Quyết định số 220 năm 1997 giao bổ sung 19,4 ha đất, về thẩm quyền đúng và phù hợp thẩm quyền sử dụng đất, vì ông Vươn đã lấn chiếm thêm và sử dụng song không đúng về cách thức giao, thời hạn sử dụng đất. Đây là quyết định không đúng pháp luật, song lẽ ra phải xử lý thế nào để dân không bức xúc?

Về việc thu hồi đất, 2 quyết định thu hồi của ông Vươn đều với lý do hết thời hạn thu hồi đất, sau thu hồi giao 1 phòng của huyện và UBND xã Vinh Quang quản lý trong khi trên thực tế ông Vươn vẫn đang sử dụng diện tích đó, dù một phần cho người khác thuê là không hoàn toàn đúng quy định pháp luật, nhưng thực tế vẫn là dùng nuôi trồng thủy sản. Ông Vươn vẫn có nhu cầu và không có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng khu đất đó. “Vậy nên 2 quyết định thu hồi đều sai luật” là ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với các bộ ngành và TP.Hải Phòng.

Trước khi có kết luận trên của Thủ tướng, ông Vươn đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính về quyết định của UBND huyện tại TAND huyện Tiên Lãng. HĐXX TAND huyện Tiên Lãng đã tiến hành xét xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn. Tiếp đó, ông Vươn đã làm đơn kháng cáo lên TAND TP.Hải Phòng đề nghị xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ kiện.

Sau buổi làm việc với đại diện UBND huyện, ông Vươn đã rút đơn kháng cáo và TAND TP.Hải Phòng đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, Tòa Hành chính TANDTC đã quyết định tuyên hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP.Hải Phòng và bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng về vụ án cưỡng chế đất đai của ông Vươn, đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp sơ thẩm xem xét giải quyết lại từ đầu…

Tạo khuôn khổ pháp lý cho ban hành QĐHC

Khi bị kiện ra Tòa thì chưa hẳn là cơ quan công quyền đã sai, đã có hành vi hành chính nào đó vượt quá thẩm quyền hoặc đã ban hành QĐHC trái pháp luật cả. Tuy nhiên, khi đã nhận được văn bản của Tòa, dù muốn hay không họ cũng phải “giật mình xem lại mình”. Bên cạnh liệu pháp “tự kiểm” này thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các QĐHC của chính quyền các cấp.

Trên thực tế, không phải là chưa có văn bản luật nào quy định trình tự, thủ tục ban hành QĐHC mà hệ thống pháp luật hiện hành đã có khá nhiều đạo luật liên quan. Có thể kể đến là Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Công chứng, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Song các quy định rất đa dạng và không dựa trên tiêu chí, nguyên tắc chung, thống nhất trong việc ban hành QĐHC.

Vì vậy, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Luật về QĐHC công. Theo đó, dự kiến sẽ xác định rõ chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC; quy định về việc lấy ý kiến của các chủ thể có liên quan trong quá trình ban hành QĐHC; xác định các trường hợp QĐHC vô hiệu, các trường hợp thu hồi QĐHC như nếu QĐHC vi phạm pháp luật tạo ra một quyền lợi nào đó thì không thu hồi để người được hưởng lợi không bị thiệt thòi (trong trường hợp này, vụ việc ở Tiên Lãng cũng là ví dụ điển hình)…

Tại buổi làm việc hôm qua – 8/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, một trong những định hướng nghiên cứu xây dựng Luật là tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho ban hành các QĐHC trong các lĩnh vực chuyên ngành, giải quyết những vấn đề chung của các QĐHC, làm cho QĐHC hợp pháp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch cũng như bảo đảm nền hành chính vận hành bài bản, không rơi vào lúng túng, tình thế.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng đồng tình, những QĐHC ảnh hưởng đến người dân thì phải bảo đảm 3 nguyên tắc gồm ban hành đúng thẩm quyền, đúng nội dung trên cơ sở cân nhắc lợi ích chung và có ý kiến của đối tượng chịu tác động.

Hoàng Thư

Đọc thêm