Cô gái ôm thùng kem đi ra khỏi xóm trọ, gầy liêu xiêu trên ngõ hun hút. Gặp tôi cô nhoẻn miệng cười khiến gương mặt xanh rớt trở nên tươi sáng hơn: “Em vào bệnh viện Bạch Mai bán kem rồi chiều về đi dạy”.Tôi không ngờ, cô gái bán kem ấy đang là cô giáo…
Xếp bằng cử nhân, đi bán kem
Cô giáo cố giấu tay dưới thùng kem, nhưng tôi vẫn thấy ống tay gầy nổi gân xanh hằn những mũi kim chi chít. Cuộc đời cô đã phải gắn với những mũi kim tiêm kể từ khi phải chạy thận nhân tạo...
Ngày Vũ Thị Nhã nhận giấy báo nhập học Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là lúc cô phải nhập viện. Cô gái tuổi 17 quê ở tỉnh miền núi Yên Bái đang phơi phới với ước mơ làm giáo viên sắp thành hiện thực, ngờ đâu phải rụng rời nhận tin sét đánh: bị viêm cầu thận cấp rồi suy thận, phải lọc máu nhân tạo.
Bác sỹ bảo bệnh rất nặng. Học kỳ 1 năm thứ nhất, một ngày Nhã uống cả vốc thuốc để đến trường và hy vọng sẽ khỏi bệnh. Sang học kỳ II, Nhã biết bệnh mình không bao giờ khỏi.
Trên giảng đường, Nhã không cầm nổi bút để chép bài, có lúc ngất xỉu ở lớp... Nhã gạt nước mắt, xin nhà trưởng bảo lưu kết quả để tạm nghỉ học chữa bệnh. Bố mẹ Nhã đi khắp nơi, sang tận Trung Quốc để tìm thuốc chữa cho con. Nhưng rồi gia tài đã bán sạch mà bệnh Nhã vẫn ngày một nặng thêm.
Số phận đã đưa ra phán quyết cho Nhã: chung thân với máy chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần 3 lần nằm bất động trên giường bệnh lọc máu. Ngay cả lúc ấy, Nhã vẫn chưa từng có ý nghĩ sẽ bỏ học.
Nhã đi học trở lại. Cả lớp không ai biết cô sinh viên gầy xanh như tàu lá ấy đang chạy thận nhân tạo tuần ba lần. Nhã cố gắng che đi những mũi kim chi chít trên cánh tay mình. Sức lực ấy, mà Nhã lại còn nhận dạy thêm cho các em học sinh tiểu học để có tiền mua thuốc và cũng thỏa ước mong làm cô giáo.
Cô giáo đã một số lần ngất ngay trước mặt học trò vì quá mệt. Cô cũng từng khụy xuống trên xe buýt trong những đêm đi dạy về... Dứt buổi dạy, cô giáo lại vội vàng vào khoa thận nhân tạo ở bệnh viện Bạch Mai nằm trên chiếc giường sắt lạnh ngắt, một chiếc kim to dài chọc vào thịt da. Chỉ nằm được một lúc, Nhã lại lấy sách vở xem lại bài của ngày mai ở lớp và giáo án của buổi dạy tối mai.
Nhã thường chạy thận vào ca muộn nhất, khi về phòng trọ đường phố đã vắng tanh. Những tối mùa đông, trời lạnh thấu xương, Nhã lê bước trên đường, người như có trăm ngàn mũi kim châm đau buốt.
|
Nhã và Thái trong phòng trọ ở xóm chạy thận |
Mùa đông, hung thần của người chạy thận, nhưng Nhã vẫn thế, đều đặn sáng đi học, chiều dạy thêm, tối chạy thận. Về đến căn phòng trọ tồi tàn, chợp mắt một lúc thì trời đã sáng, lại bắt xe buýt đi học, lại đóng vai một sinh viên khỏe mạnh ở lớp, lại bắt đầu một vòng quay vắt kiệt sức người ấy...
Nhã ôm thùng kem đi trước. Thái theo sau. Thái – cậu bé cũng bị căn bệnh suy thận mãn cũng đang cố kiếm ít đồng bạc lẻ để phụ giúp bố mẹ vốn đã khánh kiệt vì chữa bệnh cho con.
Tôi theo chân hai chị em vào bệnh viện Bạch Mai. Hai chị em bước rón rén trên hành lang bệnh viện, nhìn trước nhìn sau như đi ăn trộm. “Bọn em phải chú ý vì sợ bảo vệ đuổi”, Nhã nói nhỏ với tôi. “Ai kem đây...” tiếng rao của cô giáo Nhã thốt lên nghe nghe nghèn nghẹn. Hành làng hun hút gió, tiếng rao của Nhã đã mỏng càng trở nên mảnh như sợi tơ.
Hai chị em ngồi thở dốc trước cổng bệnh viện. Màu da tái xanh đã chuyển sang xám ngoét. Thái bảo: “Bảo vệ mà bắt được có khi tịch thu luôn cả thùng kem. Coi như hôm đó chị em mình ế hàng”.
Nhã mở nắp xốp, cả thùng kem còn nguyên. Nhã như chực khóc: “ Coi như chị em mình lỗ chuyến hàng này. Mình về xóm thận mời cả xóm ăn kem”.
Nhã nhìn ra đường Giải Phóng đang tấp nập người xe, cố ngăn dòng nước mắt.
Sau bao nhiêu tháng ngày vừa chạy thận, vừa dạy thêm, vừa học đại học, cuối cùng thì Nhã cũng cầm trong tay tấm bằng cử nhân sư phạm. Nhã làm hồ sơ rồi gõ cửa khắp nơi xin việc. Nhã nộp hồ sơ vào trường quốc tế, trường song ngữ. Trường quốc tế nhận nhưng Nhã đành tự rút lui vì sức khỏe không thể nào theo được cường độ làm việc ở đó.
Rồi một trường dân lập PTCS nhận Nhã vào dạy. Nhã dạy được ba tuần, làm chủ nhiệm lớp 2. Niềm vui được làm cô giáo cũng thật ngắn ngủi vì Nhã không thể tiếp tục công việc. Trường ở quá xa, lại không có tuyến xe buýt, trong khi Nhã chẳng có xe máy, lương lại quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhã lang thang đến các văn phòng tuyển dụng việc làm. Đã biết bao nhiêu lần Nhã bị những văn phòng ma lừa lấy hết tiền mà cuối cùng thất ngiệp vẫn hoàn thất nghiệp.
Nhã về xóm trọ, hoà vào nhịp mưu sinh của những người chạy thận: đánh giày, bán nước, bán bánh mỳ, xe ôm... Nhã xếp bằng cử nhân vào đáy hòm, chọn nghề bán kem.
|
Nhã (thứ nhất từ bên trái sang) cùng đồng nghiệp và các em học sinh trên bục giảng trong những ngày ngắn ngủi được làm cô giáo |
Phải sống
Chiều muộn, hai chị em Nhã vác thùng kem ế ướt nhèm về xóm chạy thận. Căn phòng chật, mà buốt giá giữa mùa đông. Em gái Nhã từ Yên Bái xuống ở cùng, đi làm thuê nhà hàng tối ngày để phụ tiền chạy thận ngày càng tốn kém của chị.
Xóm chạy thận xôn xao những âm thanh cuối ngày. Chỉ duy nhất một căn phòng khép cửa. “Phòng của chị Hồng Kông. Chị ấy vừa mất nên phòng vẫn còn chưa có ai thuê”, Nhã nói.
Khát vọng sống của chị Hồng Kông đã tiếp cho em thêm sức mạnh. Có những lúc em muốn buông xuôi số phận, muốn tự tử nhưng nhìn vào nụ cười của chị ấy, em tự nhủ: phải sống. Hồng Kông - cô gái viết những cuốn tự truyện Khát vọng yêu để sống, Ở trọ trần gian gây xúc động lòng người từ lâu đã trở thanh danh nhân của xóm chạy thận. Bệnh nặng nhưng Hồng Kông miệt mài lao động không ngừng nghỉ và những gì cô đạt được trở thành niềm mơ ước của những cư dân xóm chạy thận như Nhã.
Điều cả xóm thận đều quen thuộc: trên gương mặt Hồng Kông luôn thường trực nụ cười. Ngay cả khi thôi “Ở trọ trần gian”, nụ cười ấy vẫn không tắt. Nụ cười ấy dường như đã cứu rỗi Nhã.
Trời tối, Nhã rời xóm thận bắt xe buýt lên đường đi làm gia sư. Khuya về lại chạy thận và sáng mai cô giáo lại vào viện đi bán kem. Nhã sẽ không bỏ cuộc. Nhưng đường đời sẽ bớt chông chênh hơn nếu như có ai đó giúp Nhã?
Theo Tiền Phong