Băn khoăn khi dạy Toán, Tin bằng tiếng Anh ở trường chuyên

 Chủ trương dạy môn Toán, Tin bằng tiếng Anh sẽ được khảo sát và tiến hành triển khai trong năm 2011. Tuy nhiên không ít trường vẫn băn khoăn, lo ngại...

Chủ trương dạy môn Toán, Tin bằng tiếng Anh sẽ được khảo sát và tiến hành triển khai trong năm 2011. Tuy nhiên không ít trường vẫn băn khoăn, lo ngại...

Hào hứng... lẻ tẻ

Theo dự kiến, từ năm học 2011-2012, môn Toán, Tin sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sau năm 2015 sẽ triển khai tiếp với các môn Lý, Hóa, Sinh ở khoảng 30% số trường THPT chuyên trên cả nước. Năm 2020, tất cả 76 trường chuyên đều dạy các môn này bằng tiếng Anh.

Giờ truy bài. Ảnh minh họa

Mặc dù đây là một "cú hích" cho việc đột phá để giáo dục Việt Nam có thể hòa nhập với quốc tế. Thế nhưng, không phải nơi nào cũng tự tin đón nhận chủ trương này, khi mà tình hình chỉ lạc quan ở  những trường chuyên nổi tiếng hàng đầu cả nước. Trong thực tế, đã có một số cơ sở triển khai dạy Toán, Tin... bằng tiếng Anh như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội)...

Trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) là đơn vị đầu tiên của cả nước chủ động tổ chức các lớp giảng dạy các môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh, đến nay được 4 năm. Nhà trường cho rằng, đây là một nhu cầu lớn của học sinh và phụ huynh học sinh nhưng vì mới bắt đầu thực hiện trong giai đoạn rút kinh nghiệm nên chưa đáp ứng hết nhu cầu.

Ông Đỗ Bá Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho hay, trong năm học tới sẽ bắt đầu thực hiện dạy môn Toán, Tin bằng tiếng Anh. Lợi thế của học sinh trường Ams là các em khi đã xác định vào trường thì ngay từ lớp 7, lớp 8 đã có thể nghe giảng thuần thục bằng tiếng Anh và lâu nay các chuyên gia nước ngoài đã vào trường giảng dạy trong các hoạt động ngoại khóa và học sinh không cần người phiên dịch.

Có khoảng 7 trong gần 40 giáo viên tổ Toán có thể dạy Toán bằng tiếng Anh, họ hầu hết là những giáo viên trẻ. Mặt khác, trường Ams cũng tổ chức cho giáo viên sang nước ngoài đào tạo hàng năm để có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là dạy các môn chuyên bằng ngoại ngữ.

Tương tự, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cũng có khoảng 50% giáo viên các môn tự nhiên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh.

Thầy, trò chưa đủ... “vốn”

Có một thực tế là trình độ của người học để tiếp thu bài giảng bằng tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay rất khác nhau. Ngay như ở Hà Nội thì việc bắt buộc thi thêm môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào trường chuyên mới bắt đầu thực hiện từ năm học này. Thế nên học sinh mới chỉ giỏi môn chuyên chứ chưa nhiều em giỏi về tiếng Anh, cũng có trường chuyên phải hạ điểm môn tiếng Anh xuống còn 2,5/10 mới tuyển đủ chỉ tiêu.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngay từ năm 2002 đã chủ động đề nghị xin phép thêm môn ngoại ngữ bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của trường. Điều này đặt ra yêu cầu với học sinh THCS nếu xác định thi vào trường chuyên thì ngoài môn chuyên cũng phải đầu tư đúng mức cho môn ngoại ngữ. Thực tế, những năm qua, các em trúng tuyển vào trường này thường có điểm ngoại ngữ đạt 8/10.

Ông Thái Văn Bình - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Khó khăn nhất nằm ở đội ngũ giáo viên. Hiện số giáo viên giàu kinh nghiệm trong trường thì đã luống tuổi, nên khả năng tiếng Anh còn nhiều hạn chế, nhất là ở khâu truyền đạt. Ở độ tuổi từ 40-50 tuổi, nếu có bồi dưỡng tiếng Anh thì coi như ôn lại từ đầu”.

Mặc dù, trường Nguyễn Huệ đã tự bồi dưỡng cho các em học sinh chuyên Toán vì thấy các em có khả năng chứ trường thì chưa có chủ trương thực hiện được việc này. Còn tại Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An), trình độ tiếng Anh của học sinh có thể đáp ứng được nhưng giáo viên thì mỗi môn hiện nay cũng chỉ có khoảng một, hai người có thể dạy được bằng tiếng Anh. Năm học tới, nếu triển khai thì nhà trường sẽ thực hiện đối với khoảng 10% học sinh của toàn trường chứ chưa thực thực hiện đồng loạt ở tất cả các lớp.

Và lo ngại... phụ huynh?

Trước nay, trường chuyên vốn được xem là nơi luyện “gà nòi” cho các đội tuyển thi quốc gia, quốc tế... Rồi nữa, học sinh học trường chuyên vốn đã rất “nặng” với chương trình của các môn chuyên và yêu cầu ngày càng cao về giáo dục toàn diện. Và mục đích vào trường chuyên với phần đa phụ huynh cũng như học sinh là thi đỗ những trường ĐH tốp đầu hoặc đi du học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hơn 2.312 tỷ đồng được dành cho đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2010. Trong đó, có hơn 1.295 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước (Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục), gần 954 tỷ đồng từ vốn vay ODA và gần 64 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Do đó, dù việc đưa thêm việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh vào trường chuyên là cần thiết nhưng các trường cho rằng việc dạy các môn bằng tiếng Anh chỉ nên chiếm khoảng 10-20% số giờ các môn. Bởi nếu ảnh hưởng tới những môn học khác và gây khó khăn cho học sinh và chắc chắn bị phụ huynh phản đối.

Mặt khác, những người trong cuộc cũng chia sẻ, nếu dạy học bằng tiếng Anh quá nhiều thì chắc chắn phụ huynh không yên tâm vì mục đích cuối cùng của đa số phụ huynh vẫn là cho con thi ĐH, mà những môn học Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh lại không phải là những môn thi ĐH. Chính vì vậy, ngay từ năm tới chỉ nên coi đây là môn học thí điểm với thời lượng một vài tiết/tuần. Đồng thời, nếu đã dạy bằng tiếng Anh thì cũng phải thi bằng tiếng Anh, chứ thi bằng tiếng Việt thì vẫn như cũ...

Ông Thái Văn Bình cho rằng muốn làm tốt, phải có lộ trình rõ ràng. Điều quan trọng là phải nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh, đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm dạy các môn bằng tiếng Anh. Số tiết đưa vào dạy cũng phải phù hợp. Trường THPT Lê Hồng Phong kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trong giai đoạn đầu, chỉ nên xem việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh là hoạt động thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, không phải là hoạt động giảng dạy chính khóa.

Uyên Na

Đọc thêm