Dù vậy, các sản phẩm du lịch gắn với hoa vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng, mang đặc trưng vùng miền, sẽ thu hút được nhiều du khách nội địa.
Bấp bênh thị trường hoa
Theo các hộ gia đình tại làng hoa Tây Tựu, đây đang là thời điểm chăm sóc, tưới tiêu cho hoa cúc nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường vào kịp Tết. Anh Thành (người dân trồng hoa Tây Tựu) cho biết: "Nhà tôi trồng 4 sào hoa cúc, gieo mầm từ tháng 8 dương lịch đến bây giờ. Đây là thời điểm nhà nào cũng chăm chút hoa cẩn thận để có hoa trong dịp Tết. Tôi và vợ suốt ngày ở cánh đồng hoa cũng không xong việc, phải thuê thêm người làm công".
Bên cạnh hoa cúc được trồng đại trà, hồng thơm cũng là giống hoa được trồng quanh năm. Hồng thơm là loại hoa thu hoạch thường xuyên. Đây là giống hoa có mùi thơm tự nhiên, hơn hẳn so với những giống hoa hồng khác. Hoa hồng rất dễ gặp sâu bệnh nên đòi hỏi người trồng phải chăm sóc đặc biệt.
Những năm gần đây, các nhà vườn của làng Tây Tựu đã trồng thêm nhiều loại hoa mới, đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó có hoa ly. Loại hoa này được chăm sóc kỹ lưỡng theo đúng quy trình chuẩn.
Theo nhiều nông dân ở Tây Tựu, mọi năm Trung Quốc là thị trường quan trọng để xuất khẩu hoa. Tuy nhiên năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên hoa không thể xuất đi được, hoa trồng ít hơn và chỉ phục vụ nhu cầu trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Giá hoa năm nay có sự dao động giữa các giống hoa, chẳng hạn, với hoa cúc thì giá cả không thay đổi nhiều.
Hiện tại, ở làng hoa Tây Tựu có nhiều loại cúc được trồng như kim cương, vàng đồng, đại đóa, mắt ngọc… mỗi loại hoa cúc sẽ có một loại giá khác nhau. Mức giá trung bình cũng chỉ rơi vào 3-5 nghìn đồng/cành. Tuy nhiên, hoa hồng, hoa ly lại có giá cao hơn so với năm ngoái. Hoa hồng hiện giá bán đã là 100 nghìn đồng/ 1 bó 10 cành, hoa ly 400 nghìn đồng/ 10 cành. Thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán, có thể mức giá này sẽ tăng cao hơn do hoa trở nên khan hiếm.
Trong khi đó, tại làng đào Nhật Tân, người dân tại đây cũng tất bật chăm sóc cho các gốc đào chờ dịp Tết. Tại chợ hoa Quảng Bá đã có nhiều nhà vườn mang đào ra bán. Giá mỗi cành đào đầu mùa khá cao từ 300 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng tùy kích thước. Người trồng đào chăm sóc rất kĩ cho đào nở sớm vào đúng dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, chiều lòng nhiều khách hàng yêu thích hoa đào.
Du lịch làng hoa có thể trở thành “đặc sản”?
Không chỉ riêng làng hoa Tây Tựu, tại Hà Nội có nhiều làng hoa nổi tiếng như Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân… Đây đều là những làng hoa lâu đời và có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch gắn với hoa. Ngoài những làng nghề hoa truyền thống, vài năm gần đây, ở ngoại thành Hà Nội cũng phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh, hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Đây chính là điều kiện để phát triển các tour du lịch sinh thái chuyên đề hoa. Hà Nội cũng đã thành công trong việc xây dựng nhiều mô hình trồng hoa kết hợp với du lịch như vườn hoa cúc họa mi hay sen Hồ Tây… Đến vụ hoa, những vườn hoa này thu hút rất nhiều người đến tham quan, chụp ảnh và trở thành đặc sản du lịch theo mùa ở Hà Nội.
Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội vẫn chưa khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này. Theo TS Phạm Việt Long, tại Hà Nội, các làng hoa hoàn toàn có thể quy hoạch lại để phát triển thành những điểm du lịch hoa hấp dẫn nhưng hạn chế lớn nhất của các làng nghề trồng hoa tại Hà Nội hiện nay là kết cấu hạ tầng.
Các làng hoa truyền thống thuộc khu vực nội thành như Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm… đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa. Đối với các làng hoa ven đô lại đang phát triển tự phát. Mặt khác, chính sách về đất đai cũng đang làm khó các doanh nghiệp khi đầu tư loại hình du lịch này. Trong khi đó, chương trình du lịch đến làng hoa đa phần chỉ là tham quan thông thường, mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ ở một số hộ gia đình. Hơn nữa, công tác xúc tiến thương mại, du lịch cho loại sản phẩm này không được đầu tư đúng mức.
Các làng hoa đã trở thành sinh kế của người dân Thủ đô nhiều năm qua. Việc phát triển du lịch gắn với làng hoa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Thủ đô mà còn tạo thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống. Bên cạnh việc quy hoạch tổng thể các làng nghề hoa, nhiều ý kiến cho rằng giới chức Thủ đô cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đi liền với mở rộng cơ chế về đất đai để các trang trại, hợp tác xã xây dựng cơ sở dịch vụ lưu trú đón khách tham quan nghỉ dưỡng.
“4 nhà” bắt tay để du lịch hoa nở rộ
Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch hoa cần sự bắt tay của “4 nhà”, gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và nhà truyền thông. Trước tiên, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người lãnh đạo quản lý, cũng như người dân về vai trò của loại hình du lịch gắn với hoa.
Người nông dân cần chủ động xây dựng, phát triển làng hoa, trang trại hoa… nhắm tới đích tạo ra du lịch hoa. Các địa phương cần có quy hoạch, không để phát triển tự phát. Các chủ vườn, chủ trang trại cần chủ động liên kết với doanh nghiệp lữ hành để được đưa vào chương trình tham quan của các tour du lịch. Song song với đó, cần chủ động tham gia hoạt động quảng bá, trong đó có các lễ hội hoa, triển lãm hoa, hội chợ hoa…