Nhiều trường băn khoăn bài thi tổ hợp
Tại buổi mạn đàm về kỳ thi 2017, vấn đề môn Toán thi trắc nghiệm không là nỗi lo lớn của các đại biểu thay vào đó là bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH).
Theo phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 5 bài thi, trong đó ngoại trừ môn Ngữ văn thi tự luận 120 phút còn lại đều thi trắc nghiệm. Môn Toán so với trước kia thời gian ngắn thi hơn với 90 phút; môn Ngoại ngữ thi 60 phút; tổ hợp môn KHTN (các môn vật lý, Hoá học, Sinh học) gồm 60 câu trắc nghiệm với 90 phút; tương tự tổ hợp môn KHXH gồm 3 môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân cũng thi 60 câu trong vòng 90 phút.
Ông Nguyễn Hùng Khương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) bày tỏ: “Mục đích cuối cùng của trường là để học sinh học tốt và thi đậu. 13 năm liền 100% đỗ tốt nghiệp và năm ngoái 100% học sinh đỗ ĐH. Chúng tôi vẫn đang trong tâm thế chờ đợi, khi bộ có phương án chính thức thì mới họp bàn thay đổi cách dạy học để đạt được kết quả tốt nhất.
Trường chúng tôi hiện vẫn dạy theo chương trình chuẩn, tiếp cận theo các khối thi truyền thống gồm A, A1, B, D1. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế tâm lý sẵn sàng cho khối D1, nhưng với thí sinh khối A phải học thêm môn Sinh, khối B thêm môn Lý. Khó khăn ở khối D và A1, khi nào nhà trường có sự điều chỉnh số tiết để đủ thời lượng nâng cao làm quen với chương trình. Nếu khối D học Toán Văn Anh thì nhẹ nhàng, năm nay phải chọn thêm môn thi nữa có thể thêm Lý, Hóa, Sinh. Khối A1 học sinh theo học rất nhiều, năm nay sẽ bất lợi vì phải học thêm hóa sinh".
Ths Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, cũng cho rằng Bộ nên có định hướng thay đổi theo hướng lâu dài chứ không thể mỗi năm thay đổi liên tục. Riêng với hai bài thi tổ hợp, số lượng 20 câu cho mỗi môn thì quá ít.
|
Nhiều trường đặt câu hỏi lo lắng bài thi tổ hợp. |
Ông Vũ cũng tỏ ra băn khoăn vấn đề quy chế: “Nếu xét theo tổ hợp môn truyền thống thì trường ĐH xét theo kiểu gì, bộ phải công bố rõ, vì bộ nói trường xét tổ hợp gì phải công bố trước 3 năm. Ví dụ, Toán - Lý - Hóa cũ, vẫn xét như cũ, điểm bài thi phải tách ra. Phải rõ ràng, ở trường có 4 tổ hợp Toán - Hóa - Sinh. Phải tách 3 môn của bài thi tổ hợp hay sao? Bộ cần hướng dẫn cho các trường nếu không các trường sẽ rất rối. Quy chế Bộ chưa ra thì các trường cũng không thể đưa ra phương án tuyển sinh của mình”.
Trong khi đó, TS Trần Thế Hoàng lại bày tỏ: “Tôi ủng hộ và rất mơ ước có một kỳ thi THPT quốc gia công bằng để các trường ĐH không phải sử dụng thêm kỳ thi đánh giá năng lực nào nữa bởi dù sao nó cũng nặng nề, tốn kém cho người học lẫn nhà trường và đặc biệt là tổn hại đến thương hiệu giáo dục của chúng ta khi đánh giá kết quả của bên dưới không được bên trên công nhận. Cho nên làm sao để kỳ thi THPT quốc gia diễn ra nghiêm túc, công bằng. Có như thế các trường ĐH như chúng tôi hoàn toàn tin tưởng để sử dụng kết quả này”.
Phương án thi cần công bố sớm
Theo GS Thiệp, phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. Vì sao? Nếu trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng của đề thi vì chấm thi không bị ảnh hưởng.
Còn phương pháp tự luận thì chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực người chấm. Chất lượng đề thi có thể khắc phục được bằng việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhiều người tham gia vào. Còn dùng phương pháp tự luận, trong thời gian ngắn chấm hàng triệu bài thi thì không thể nào tìm được người giỏi để chấm, người chấm không đủ trình độ, chất lượng kỳ thi tất yếu sẽ kém.
|
GS.TS Lâm Quang Thiệp. Ảnh: LV |
“Không phải ngẫu nhiên mà thế giới thi trắc nghiệm là chính. Đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thì phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo. Đây là phương án mà Hiệp hội đã đề nghị bộ cách đây 2 năm. Tôi rất ủng hộ phương án này là đương nhiên”- GS Thiệp khẳng định.
Riêng đối với môn Toán, Sử hiện tại có nhiều ý kiến phản đối, theo GS Thiệp cho rằng, đây là thi THPT Quốc gia để phân loại thôi chứ chưa phải là tuyển chọn nhân tài. Nếu tuyển chọn nhân tài thì tuyệt đối không nên dùng trắc nghiệm. Mục tiêu của kỳ thi là chỉ kỳ thi để phân loại.
Tuy nhiên, theo GS Thiệp, câu hỏi đặt ra là liệu Bộ có đủ khả năng và thời gian để soạn ra các đề thi tốt không?
“Câu này khó trả lời vì tùy Bộ tổ chức kì thi này như thế nào. Phương hướng lựa chọn môn thi là tốt, nhưng tổ chức để có kỳ thi tốt phụ thuộc vào bộ có huy động được những chuyên gia có năng lực, hiểu biết để tham gia vào kỳ thi hay không”- GS Thiệp nói.
Tổng kết buổi trao đổi, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nêu: “Còn rất băn khoăn về đề thi, bài thi. Vì hiện nay vẫn chưa hiểu về cấu trúc, nội dung, thời gian thi đó liệu có thực sự đánh giá đủ, đúng năng lực học sinh hay không. Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi là tín hiệu tích cực khi môn học này được coi bình đẳng như các môn khác. Ngoài ra, đây là biểu hiện tốt cho phương châm "học gì thi nấy", thay vì "thi gì học nấy" như trước đây. Song, ông Nghĩa băn khoăn "liệu thi môn này có tác dụng đánh giá năng lực thí sinh và các trường sẽ dùng môn này để xét tuyển".
Ông Nghĩa cũng lo ngại, việc rút ngắn các môn trong một bài thi tổ hợp gồm 60 câu sẽ khó đánh giá được toàn diện năng lực của thí sinh và kiểm tra được các kiến thức cơ bản của môn học. "Thí sinh có phải làm hết các phần trong bài thi tổ hợp hay không? Ví dụ trong tổ hợp môn tự nhiên, thí sinh chỉ làm môn Lý và Hóa, bỏ môn Sinh thì có bị điểm liệt? Nếu có thì liệt bài thi hay liệt môn thi? Những điều này chưa rõ ràng", ông đặt vấn đề.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM kiến nghị Bộ Giáo dục sớm công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 và có định hướng lâu dài để các trường THPT định hướng việc giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh.