Băn khoăn về đề xuất hậu kiểm nội dung quảng cáo thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo sửa đổi Luật Dược vừa được trình Quốc hội, trong đó đề xuất bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước khi quảng cáo thuốc nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho DN. Chính phủ sẽ quy định chi tiết yêu cầu đối với nội dung này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, thông tin quảng cáo thuốc phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt và theo tài liệu, hướng dẫn chuyên môn do Bộ ban hành, công nhận. Có ý kiến cho rằng bản chất của việc xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc là xác nhận nội dung đã phê duyệt, là thủ tục hành chính cần cắt giảm để tăng tính chủ động cho DN.

Tuy nhiên, đa số thành viên của cơ quan thẩm tra, là Ủy ban Xã hội của Quốc hội, không đồng ý với đề xuất này. Các đại biểu cho rằng chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế "hậu kiểm" là không phù hợp. Nguyên nhân là quảng cáo thuốc hiện còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp quảng cáo không đúng giá trị, công dụng; ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý người dân.

Bên cạnh đó, việc thanh, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên và kịp thời do nhân lực ở cơ quan quản lý còn hạn chế, chưa được bố trí tương xứng về nhiệm vụ. Các đại biểu đề xuất kết hợp "tiền kiểm" và "hậu kiểm", bổ sung trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.

Thảo luận dự án Luật Dược mới đây, nhiều đại biểu cùng đồng tình với những nhận định trên. Một đại biểu lo ngại khi thời gian qua nhiều loại thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử. Trong đó, một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng. Vì vậy, phải đặt vấn đề chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm thuốc lên trên hết.

Một đại biểu dẫn số liệu của một số quốc gia cho rằng 75% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn; nên quản lý thuốc bán trên mạng càng khó khăn hơn. Nhưng không thể đùa với sức khỏe, tính mạng người dân, vì vậy không nên đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại điện tử.

Có lẽ nhiều người ám ảnh với các video quảng cáo "nhà tôi ba đời bán thuốc, uống cái khỏi ngay". Thế nhưng, các quảng cáo này vẫn tràn lan, vì không ít người tin vào các quảng cáo này và mua thuốc qua mạng nên “tiền mất, tật mang”. Rồi còn vấn nạn sử dụng trái phép hình ảnh của các thầy thuốc, người nổi tiếng để bán thuốc. Vì vậy, với câu chuyện quản lý quảng cáo thuốc, cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra; thông tin cho người dân biết để phòng tránh; cũng là những điều mà cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung.

Đọc thêm