Băn khoăn việc gộp chung Giấy phép lái xe “hai trong một”

(PLO) - Cho đến thời điểm này, việc có nên gộp chung các loại bằng lái, phổ biến nhất là ô tô và xe máy vào làm một hay không vẫn khiến nhiều người lúng túng. Thậm chí, không ít người do lo ngại hình thức gộp bằng này sẽ gây ra  nhiều phiền toái nên quyết định… không gộp.  
Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Ảnh minh họa
Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Ảnh minh họa
Tiện nhưng không lợi
Cách đây không lâu, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 38/2013, theo đó có quy định lộ trình đổi 32 triệu Giấy phép lái xe (GPLX) mô tô và ô tô trên chất liệu giấy sang GPLX thẻ nhựa (vật liệu PET). 
Tuy nhiên, chủ trương tích hợp cả hai loại giấy phép này vào chung làm một đối với các cá nhân đồng sở hữu ô tô và xe máy lại khiến dư luận bày tỏ không ít băn khoăn. Anh Sơn Tùng (Đội Cấn, Hà Nội) có cả bằng lái ô tô hạng B2 và bằng lái xe máy quyết định không gộp chung vì lo ngại rằng nếu cầm duy nhất một bằng lái, khi vi phạm giao thông bị giữ bằng, sẽ không còn được lái loại xe nào.
“Tôi thỉnh thoảng đi ô tô và thường xuyên đi xe máy. Nghe bảo quy định gộp chung là bắt buộc nhưng nếu gộp, khi phạm lỗi sẽ bị tạm giữ luôn bằng lái thì lấy gì mà đi. Hơn nữa, khi chẳng may bị mất cũng sẽ mất cả hai, như vậy sẽ rất phiền toái để làm lại” - anh Tùng nói. 
Cùng chung nỗi băn khoăn này, bác Phạm Thanh Sơn (Phú Thọ), chạy taxi dịch vụ chia sẻ: “Việc gộp bằng lái từ thẻ giấy sang thẻ nhựa cũng tiện cho việc bảo quản và thẩm mỹ nhưng hơi bất tiện bởi khi lỡ vi phạm đối với phương tiện này lại bị “cấm” luôn phương tiện khác”.
Theo đó cũng không ít ý kiến cho rằng, việc bỏ ra một khoản tiền chỉ để đổi một chiếc bằng lái nhựa đẹp hơn (vật liệu PET) là điều không cần thiết, bởi sau 10 năm vẫn phải làm lại do hết giá trị sử dụng của giấy phép lái ô tô. 
“Có chăng, việc tích hợp loại bằng này thành thẻ từ, mang khả năng đồng bộ hóa với giấy chứng minh nhân dân để có thể thay thế trong trường hợp quên, thiếu một trong những loại giấy tờ này đều có thể sử dụng. Hoặc giả như dùng nó để liên kết với mã số thuế cá nhân, để đảm bảo việc quản lý, xử phạt trực tiếp qua mã số thuế... như thế mới thấy được sự thiết thực của việc gộp, đổi bằng” – một người dân hiến kế.
Theo tìm hiểu của người viết, hiện GPLX có khá nhiều hạng và có thời gian gia hạn cũng khác nhau. Chẳng hạn, GPLX ô tô thường có thời hạn từ 5 - 10 năm, riêng mô tô thì không thời hạn. Bởi vậy, nếu xét thực tế thì việc gộp chung hai loại bằng trên ngoài việc bất tiện sẽ gây tâm lý e ngại cho chủ sở hữu phương tiện khi mất nhiều thời gian cấp đổi. Trong khi đó, quy trình, thủ tục cấp đổi tại một số đơn vị quản lý vẫn chưa khiến người dân hài lòng. 
Đừng để tiện ích biến thành gánh nặng
Trở lại với những vướng mắc xoay quanh việc gộp bằng lái “hai trong một”, trên thực tế để tránh những rủi ro có thể gặp phải trong khi lưu thông, không ít người đã chọn giải pháp chỉ dùng GPLX “hai trong một” khi lái ôtô, nếu chạy xe máy thì họ chỉ dùng bản photo của giấy phép để lỡ có phạm luật cũng không bị “giam” bằng. 
Về những băn khoăn này, cách đây không lâu khi trả lời trước báo chí, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lý giải: “Rõ ràng việc đổi GPLX theo mẫu mới có những lợi ích rất lớn cho người dân mà bất cứ ai cũng dễ nhận thấy. Các cơ sở dữ liệu được số hóa nên chẳng may mất thì việc xin cấp lại cũng đơn giản hơn, tiết kiệm nhiều thời gian cho người dân. Việc gộp chung bằng ô tô với xe máy, thì ngay GPLX cũ cũng đã làm việc này đối với những trường hợp người dân có yêu cầu. Riêng tôi, GPLX cũ và đổi sang giấy mới tôi cũng gộp chung cho gọn nhẹ”. 
Ông Thân Văn Thanh nói thêm: “Nếu sợ thì đừng vi phạm luật nữa. Không chỉ là ô tô, xe máy mà ngay cả người đi xe đạp, đi bộ cũng không được phép vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tại sao lại cứ nghĩ đến chuyện vi phạm để rồi phàn nàn việc bị xử lý…”. 
Khách quan nhìn nhận thì những điều ông Thanh đưa ra không hẳn thiếu căn cứ. Bởi theo chiều hướng tích cực thì gộp chung bằng lái “hai trong một” sẽ cơ bản giúp dữ liệu cá nhân được số hóa, thuận tiện cho các đơn vị liên quan quản lý. 
Trên thực tế, trước những băn khoăn của dư luận khiến tiến độ chuyển đổi GPLX từ chất liệu giấy sang PET đã bị “kéo dãn” khá nhiều lần so với kế hoạch ban đầu. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013. Theo đó, nội dung quan trọng nhất là sửa đổi Điều 61 quy định lộ trình chuyển đổi GPLX ô tô bằng giấy sang vật liệu PET có thời hạn đến hết 31/12/2015 thay vì dự kiến 31/12/2014 như trước. 
Thiết nghĩ, nếu đơn vị quản lý GPLX không có những biện pháp, những giải thích cụ thể để giải đáp băn khoăn, vướng mắc của dư luận, tin chắc tiến trình chuyển đổi GPLX sẽ còn tiếp tục bị chậm. Đặc biệt hơn cả, một đề án “hai trong một” tích hợp chung nhiều GPLX mang không ít ưu điểm, tiện ích nếu không cân nhắc kỹ phương cách làm vô tình sẽ trở thành gánh nặng cho người dân. 
Mẫu GPLX “hai trong một” chỉ được công nhận trong phạm vi Việt Nam
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin rằng trong GPLX mẫu mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và được công nhận không chỉ ở phạm vi Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn cơ bản. 
Theo tìm hiểu của người viết, GPLX quốc tế hiện được phát hành với hình thức là dạng quyển, giống như hộ chiếu hiện nay. GPLX này có giá trị sử dụng lưu hành hợp pháp tại 85 quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước Vienna). 
Trên GLPX in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó. Trong GPLX chuẩn quốc tế này sẽ ghi rõ người có GPLX được điều khiển ô tô, mô tô loại nào. GPLX quốc tế có thời hạn theo quy định chung của Công ước từ 1 - 3 năm… 
Hay nói cách khác, mẫu GPLX “hai trong một” chỉ được công nhận trong phạm vi Việt Nam, không phải chuẩn quốc tế. Quy trình, thủ tục, mẫu mã, việc quản lý của hai loại GPLX này cũng hoàn toàn khác nhau. 

Đọc thêm