Tính lãi đối với nợ gốc từ “thời điểm xét xử sơ thẩm” hay khi “án có hiệu lực thi hành”?
Quy định về tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong giao dịch dân sự được nêu tại Điều 5 của Dự thảo. Theo đó, điểm a1.a khoản 1 quy định “trường hợp vay không có lãi, mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì khi giải quyết tranh chấp Tòa án xác định bên vay phải trả lãi trên nợ gốc chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điềm chậm trả nợ, ….” đối với các giao dịch xác lập từ 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017. Theo các chuyên gia pháp luật của VCCI và ý kiến của các Hiệp hội, quy định này chưa phù hợp với khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005 về thời điểm xác định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là “thời điểm thanh toán” chứ không phải là “thời hạn chậm trả nợ”, vì thế cần phải điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất.
Về thời gian tính lãi nợ đối với nợ gốc quá hạn, theo quy định tại điểm b1 khoản 1 thì “trường hợp vay không có thời hạn thì thời gian tính lãi quá hạn kể từ khi đòi nợ (phát sinh tranh chấp) đến thời điểm xét xử sơ thẩm”. VCCI cho rằng, quy định về thời gian tính lãi nợ đối với nợ gốc quá hạn đến “thời điểm xét xử sơ thẩm” là chưa hợp lý và chưa bảo đảm quyền lợi cho bên cho vay. Bởi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay, có thể bị kháng cáo và xét xử phúc thẩm, thời gian xét xử bị kéo dài, đồng nghĩa thời gian chậm trả nợ gốc của bên vay sẽ kéo dài tương ứng. “Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, cần sửa đổi quy định theo hướng thời gian tính lãi quá hạn đến thời điểm bản án có hiệu lực thi hành” – VCCI đề nghị.
Quy định nhập lãi vào nợ gốc: có hợp lý, có minh bạch?
Còn tại khoản 5 Điều 5 của Dự thảo quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời gian vay tiếp theo. Tuy nhiên, Tòa án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần tại thời điểm đến hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình. Các trường hợp khác đều phải tính nợ gốc theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định của pháp luật”.
Theo cơ quan đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, quy định này cần được xem xét lại. Thứ nhất, về tính hợp lý, bản chất khoản tiền gốc là khoản tiền bên cho vay đã giao cho bên vay. Tiền lãi là tiền bên vay phải trả bên cho vay khi đã sử dụng tiền vay. Trường hợp đến hạn trả lãi bên vay không trả được thì phải chịu lãi trên số tiền lãi chậm trả này và Bộ luật Dân sự đã có quy định cho phép tính lãi trên số tiền lãi chậm trả này (khoản 1 Điều 357). Cho phép lãi nhập gốc là đã biến khoản tiền bên vay phải trả thành khoản tiền bên vay đã nhận của bên cho vay, làm sai lệch bản chất của quan hệ vay tiền.
Bên cạnh đó, về tính minh bạch, không rõ tại sao Tòa án lại chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần tại thời điểm đến hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình? Trong trường hợp đã cho phép các bên thỏa thuận nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi, thì tại sao lại không tiếp tục cho phép các bên thỏa thuận cho các lần sau?
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 5.
Rà soát lại tính phù hợp của nhiều quy định
Về tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong hợp đồng tín dụng, Điều 6 Dự thảo hướng dẫn việc tính lãi đối với các hợp đồng tín dụng xác lập dựa vào thời điểm có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Dân sự 2005, 2015. Điều này là chưa thống nhất với chính quy định tại Điều 3 Dự thảo (theo đó đối với hợp đồng tín dụng thì không áp dụng Bộ luật Dân sự mà là pháp luật ngân hàng – cụ thể là dựa vào thời điểm trước hoặc sau khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực).
Để đảm bảo tính thống nhất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại Điều 6 theo hướng: Tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong hợp đồng tín dụng dựa vào thời điểm xác lập hợp đồng là trước hoặc sau thời điểm 01/01/2011 (Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực), đồng thời hướng dẫn cách thức thực hiện phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.
Về phạt vi phạm trong hợp đồng quy định tại Điều 7, khoản 3 quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng dựa trên thời điểm xác lập trước hay từ ngày 01/01/2017 (Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực). Quy định này dường như chưa phù hợp với các quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng không cho phép tổ chức tín dụng phạt vi phạm đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nghĩa là không cho phép cùng lúc áp dụng phạt vi phạm và áp dụng lãi suất quá hạn đối với cùng một vi phạm. Trước Thông tư 39, chưa có quy định nào hạn chế việc này.
“Do đó, để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định trên theo hướng lấy mốc thời gian xác lập hợp đồng theo các văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng” – văn bản của VCCI gửi Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ.