Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Triển lãm thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc góp phần vào hòa bình, thịnh vượng và tôn trọng quyền con người trên toàn cầu, đồng thời vận động sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Tham dự sự kiện có đại diện Văn phòng LHQ tại Geneva, đại biểu đại diện các Ủy ban Công ước của LHQ, trên 20 đại sứ - trưởng đại diện các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và hơn 40 đại biểu đại diện các nước tham dự Khóa họp 59.
Phát biểu mở đầu triển lãm, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva nhấn mạnh, Triển lãm không chỉ là một hành trình hình ảnh qua những khung cảnh đẹp mắt, mà còn là câu chuyện sâu sắc về sự tiến bộ không ngừng của Việt Nam trên con đường hội nhập toàn cầu.
![]() |
Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu tại Triển lãm. |
Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, những hình ảnh tại Triển lãm là bằng chứng điển hình không chỉ về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và con người Việt Nam, mà còn về một số đặc điểm văn hóa đương đại, từ sự đa dạng và phong phú của phong tục, tập quán trong đời sống hàng ngày của các dân tộc, sự tôn trọng và bảo tồn các giá trị truyền thống được thể hiện qua di sản hữu hình và vô hình lịch sử, đến khát vọng tiếp nhận các giá trị nhân văn cao quý trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc chân thực, một câu chuyện kể về một Việt Nam đang trên hành trình phát triển, vẫn kiên định bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo, nuôi dưỡng tinh thần nhân văn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, và tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào dòng chảy toàn cầu.
Hơn nữa, những khoảnh khắc sống động của các nghi lễ truyền thống, lễ hội, nghi thức tôn giáo và đời sống hàng ngày khắc họa sự kiên cường của tất cả các dân tộc và cam kết đối với các thực hành văn hóa đã vượt qua thử thách của thời gian.
Nhấn mạnh về những đóng góp của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền, Đại sứ Mai Phan Dũng cho rằng, sự tham gia của Việt Nam không chỉ mang tính hình thức; đó là một cam kết thực chất đối với các giá trị chung gắn kết trong nỗ lực chung xây dựng một thế giới mà ở đó quyền con người được tôn trọng phổ quát.
Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền danh giá này, Việt Nam vẫn kiên định với việc thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện đối với quyền con người, một cách tiếp cận nhận thức mối liên hệ nội tại giữa đa dạng văn hóa, sự bền vững môi trường và phúc lợi của các nhóm và cộng đồng dễ bị tổn thương.
![]() |
Các đại biểu tại Triển lãm. |
Triển lãm trưng bày những bức ảnh nghệ thuật sống động, đưa người xem khám phá chiều sâu văn hóa và thiên nhiên Việt Nam, từ vẻ đẹp hùng vĩ của Vịnh Hạ Long, ruộng bậc thang Tây Bắc, đến các di sản như Phố cổ Hội An và Tháp Chăm... phản ánh sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cùng sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc qua trang phục, sinh hoạt đời thường và lễ hội đặc sắc.
Những bức ảnh tại triển lãm giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam, đồng thời khắc họa rõ nét những nỗ lực trong bảo đảm các quyền con người cơ bản.
Hình ảnh về lễ hội tôn giáo và nghi thức tín ngưỡng khẳng định cam kết bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Các bức ảnh về thành tựu vượt bậc trong tiếp cận giáo dục, y tế và bình đẳng xã hội – kết quả từ chính sách của Đảng, Nhà nước và hợp tác quốc tế nhận được sự đánh giá cao từ các đại biểu quốc tế.
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam không ngừng cải thiện khung pháp lý, triển khai các chính sách ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và dân tộc thiểu số thông qua giáo dục miễn phí, y tế toàn diện và phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa.
Triển lãm không chỉ tôn vinh những thành tựu đã đạt được mà còn là minh chứng sống động cho quyết tâm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Trong bối cảnh vận động ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028, sự kiện này tạo ra diễn đàn quan trọng để giới thiệu những nỗ lực thực tiễn đồng thời tranh thủ sự đồng thuận và ủng hộ từ các quốc gia thành viên và tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.
Triển lãm nhận được nhiều lời khen ngợi từ nhà ngoại giao và khách tham quan, không chỉ là triển lãm nghệ thuật mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững và trách nhiệm toàn cầu; mở ra cơ hội cho cộng đồng quốc tế cảm nhận một Việt Nam hiện đại, hội nhập sâu rộng, nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết – những giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh dân tộc.
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Alain Jourdan - Ủy viên Hiệp hội phóng viên LHQ - cho rằng những sự kiện như thế này là minh chứng cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động của hệ thống đa phương. Trước tình hình thế giới có nhiều bất ổn hiện nay, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia bảo vệ hệ thống đa phương và chứng minh tầm quan trọng của những nơi như Geneva, một địa điểm quan trọng cho việc đối thoại, trao đổi hiểu biết về các nền văn hóa và cả những sự khác biệt để qua đó góp phần thúc đẩy hòa bình.