Lên sân khấu lần thứ một nghìn, người ta có bớt run rẩy hơn lúc lên sân khấu lần đầu không? Chưa chắc. Bản lĩnh sân khấu là một cái gì đó thuộc về bản năng. Bản lĩnh sân khấu - hay nói cho dễ hình dung, kỹ năng ứng xử trước đám đông, kỹ năng làm chủ và dẫn dắt công chúng khi biểu diễn - có phải là điều tập mà được hay không? Vì sao khán giả và các giám khảo hay chê ca sĩ không có bản lĩnh sân khấu? Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên T. bước ra sân khấu phòng trà Tiếng Tơ Đồng năm 2005, khi cô vừa ra mắt album đầu tay và nhận được lời mời hát live. Đó là một đêm nhạc vui, đầm ấm, còn hào hứng nữa vì sự xuất hiện của Tùng Dương. T. tái xanh, mồ hôi đầm đìa, run đến mức không còn nhớ nổi tên mình. Tất nhiên, một khi đã ra trước ánh đèn sân khấu, sống chết gì cũng phải hát.
|
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà |
T. hát được trọn vẹn ba bài, giọng chới với, hụt hơi. Không ai nỡ chỉ trích cô cả, ai cũng có thể thông cảm cho lần đầu. Nhưng T. mất tự tin hẳn, phải rất lâu sau đó cô mới dám nhận lời hát biểu diễn. Mà khoảng cách quá lâu giữa hai lần diễn đâm ra lại đem cô ngược về... lần đầu! Về sau này, tôi không theo dõi T. nữa, không biết bản lĩnh có thực sự đã đạt đến đâu... Ngô Thanh Vân lần đầu tiên biểu diễn đã đủ sự chững chạc, tự tin, thậm chí bốc lửa. Trước khi lên sân khấu, có thể cô còn run, hoang mang đôi chút, nhưng chỉ cần nổi nhạc lên, là Vân hóa thành con người khác hẳn. Người ta gọi đó là bản lĩnh nhập vai. Ở đó, không còn là một Vân của đời sống thường nhật, mà là một performer có nhiệm vụ (và cả quyền năng) gây hào hứng cho đám đông. Có ý thức được, mới làm được. Trường hợp Ngô Thanh Vân đáng được ghi nhận như kiểu mẫu bản lĩnh sân khấu, điều mà ngay người cùng thời với cô lúc khởi nghiệp, là Hồ Ngọc Hà, chưa có được. Ở nước ngoài, có các trainers dạy bạn phải làm gì, cười nói thế nào, đặt điểm nhìn ở đâu, đi đứng ra sao trên sân khấu. Có lớp đào tạo hẳn hoi. Song, đào tạo chẳng thể thành công 100%. Có những người bẩm sinh đã là ngôi sao, như Britney Spears, như Madona, khỏi cần ai dạy. Có người dạy hoài cũng không tiến bộ. Thế nên kỹ năng sống, xoay xở trong các tình huống khác nhau. Luyện tập cách sống, hành vi cử chỉ thường nhật là quan trọng hơn và bổ ích hơn so với việc chỉ tập đi đứng nói cười trên sân khấu. Dù bạn có đặt bốn bức tường gương lớn trong phòng để kiểm soát cử chỉ, chưa chắc bạn đã bớt lúng túng khi đối diện với đám đông. Đối diện đám đông cần một hệ thần kinh vững chãi. Giảng viên thanh nhạc Tuấn Phong, hồi xưa dạy tôi, có hướng dẫn rằng hãy đặt điểm nhìn vào hàng ghế khán giả thứ năm, đó là nơi ánh nhìn dễ chịu nhất, không chói mắt vì đèn ngược, không phải ngẩng đầu cao quá hoặc cúi cổ quá thấp, đặt mắt ở đó và tập trung tư tưởng như chỉ hát cho một khán giả ngay tầm mắt mình nghe thôi, thì sẽ đỡ lúng túng, hoang mang. Cười, cũng chỉ cười với khán giả "mẫu" ấy thôi. Đó là bài học tốt, đáng ghi tâm, nay tôi nhắc lại cho các bạn. Trong các kỳ chấm thi Album Vàng, tôi để ý thấy người biểu diễn bị phân tâm vì ban giám khảo. Họ nghĩ mình hát là để ban giám khải nghe, mà quên đi công chúng. Cũng có những ca sĩ quên được bộ mặt... hắc ám của giám khảo nhờ tự kỷ ám thị mình hát cho fans mình nghe. Tiếc rằng cả hai cách đều sai. Hát vì ai cũng sai cả, người biểu diễn nên hát vì mình. Hát vì mình muốn hát. Hát vì mình say nhạc. Hát vì mình khao khát được cất giọng. "Hãy nghĩ dưới kia toàn cây cối vô tri", một giảng viên thanh nhạc đã dạy như thế. Nếu bạn không thể hát vì mình thực sự muốn hát, thực sự mong tiếng hát mình được cất lên và vang xa, thì làm sao có khán giả nào bị bạn thuyết phục được? Dù đã nói bên trên, tôi muốn được nhắc lại lần nữa: kỹ năng ứng xử sân khấu chỉ là một phần nhỏ của kỹ năng sống. Khi bạn đã tập được cách cư xử chừng mực với người thân trong nhà, khi bạn biết làm cho bạn bè vui lòng, khi bạn cười nói thân ái với những người lạ tình cờ gặp ngoài phố, khi bạn không làm những trò lố lăng, thì bạn hãy tin rằng mình sẽ rất chững chạc trên sân khấu. Sống, cần một hệ thần kinh vững chãi và một trái tim mở rộng. Tập sống. Hãy tập sống. Sân khấu đời mới mênh mông.
Theo Quốc Bảo
Sành Điệu
Sành Điệu