Sẽ siết chặt quy trình ban hành quyết định hành chính?

(PLO) - Thực tế nhiều năm qua cho thấy có nhiều quyết định hành chính (QĐHC) được ban hành không bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân khiến họ phải khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, Dự án Luật Ban hành QĐHC được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu xây dựng và được kỳ vọng sẽ hạn chế sự tùy tiện trong quy trình ra QĐHC của các cơ quan công quyền.
Quyết định hành chính về đất đai là một trong những lĩnh vực được đề nghị “siết chặt” quy trình ban hành. Ảnh minh họa
Quyết định hành chính về đất đai là một trong những lĩnh vực được đề nghị “siết chặt” quy trình ban hành. Ảnh minh họa
Không đúng trình tự, người dân kiện “quan”
6h ngày 21/7/2012, tại chợ đầu mối phường Phú Hậu, TP.Huế, đang đậu xe mô tô bên lối đi vào cổng chợ cá, ông Nguyễn Ngọc Diệp bị Trần Văn Sang yêu cầu đi nơi khác. Ông Diệp không đồng ý liền bị Nguyễn Văn Dũng (cậu ruột Sang) đánh. Ông Diệp bỏ chạy, Sang và Dũng đuổi theo. Đến quầy bán thịt, ông Diệp nhặt cục đá mài dao thì Sang chụp dao chém 3 nhát vào lòng bàn tay và cẳng tay trái. Bị thương, ông Diệp chạy về Đồn Công an phường trình báo, sau đó yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với Sang, Dũng.
Tuy nhiên, đến ngày 22/10/2012, cán bộ điều tra Công an TP.Huế lập biên bản vi phạm hành chính về việc ông Diệp có hành vi “đậu xe gây mất trật tự tại chợ đầu mối Phú Hậu” và ngày 12/11/2012, Trưởng Công an TP.Huế ra Quyết định (QĐ) số 02556 xử phạt cảnh cáo ông Diệp. 
Không đồng ý, ông Diệp có đơn khiếu nại đến Công an TP.Huế và nhiều cơ quan khác song không được giải quyết nên khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy QĐ 02556, trong đó có lý do là trình tự ban hành QĐ xử phạt vi phạm hành chính không đúng quy định của pháp luật (sự việc xảy ra hơn 3 tháng mới lập biên bản).
Ngày 29/9/2013, TAND TP.Huế đưa vụ án ra xét xử, bác yêu cầu khởi kiện của ông Diệp về việc yêu cầu hủy QĐ 02556. Không đồng ý, ông Diệp kháng cáo lên TAND tỉnh. Mới đây, xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh nhận định: Phạt cảnh cáo là trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản và trong trường hợp xử phạt cảnh cáo thì người có thẩm quyền ban hành QĐ xử phạt tại chỗ và không phải lập biên bản. Nếu hành vi vi phạm phải lập biên bản thì khi phát hiện, phải kịp thời lập biên bản. 
Nhưng hơn ba tháng sau khi xảy ra vụ việc, tại cơ quan Công an TP.Huế, cán bộ điều tra mới tiến hành lập biên bản ông Diệp với hành vi “đậu đỗ xe gây mất trật tự tại khu vực chợ đầu mối Phú Hậu” là vi phạm về thời gian lập biên bản theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 Nghị định 73/2010/NĐ-CP… Bởi thế, TAND tỉnh chấp nhận kháng cáo của ông Diệp, xử hủy QĐ 02556 của Công an TP.Huế.
Trên đây chỉ là ví dụ nhỏ trong số rất nhiều các QĐHC bị khiếu nại, khiếu kiện trong thời gian qua. Theo một kết quả khảo sát của Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp), trong những lĩnh vực quản lý nhà nước, việc ban hành các QĐHC của các cơ quan nhà nước còn nhiều tồn tại, bất cập. 
Chẳng hạn như một số trường hợp QĐHC được ban hành không bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC; chưa bảo đảm công khai, minh bạch và sự tham gia, đóng góp của đối tượng điều chỉnh của QĐHC trong quy trình ban hành; cũng có trường hợp, thủ tục hành chính được đơn giản hóa đến mức bất hợp lý (không đủ thời gian cho các cơ quan chuyên môn xem xét tính pháp lý của hồ sơ) dẫn tới QĐHC được ban hành khi chưa được xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng. 
Nguyên nhân của thực trạng này là do pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC làm cơ sở để xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành QĐHC.
Chuẩn hóa 5 loại QĐHC
Hôm qua (13/2), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Ban soạn thảo Dự án Luật Ban hành QĐHC đã có phiên họp đầu tiên. Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Việc ban hành QĐHC đúng điều kiện, trình tự, thủ tục không chỉ có ý nghĩa dưới góc độ quản lý nhà nước mà còn có ý nghĩa dưới góc độ dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính chỉ có thể hiệu quả và các quyền của tổ chức, công dân được bảo đảm khi các cơ quan hành chính tuân thủ các nguyên tắc và quy trình nhất định, bảo đảm tính minh bạch trên cơ sở các quy định pháp luật đã rõ ràng mà tổ chức, công dân có thể giám sát việc thực hiện quy trình, nguyên tắc ấy. 
“Do đó, một số QĐHC được ban hành không đáp ứng đúng điều kiện, trình tự, thủ tục làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân cần phải được xác định là các QĐ trái pháp luật, phải kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ hoặc hủy bỏ các QĐ đó” – bà Thoa chia sẻ.
Tán thành việc tập trung quy định về trình tự, thủ tục để người có thẩm quyền ra QĐHC có thể phân biệt và tuân thủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nêu lên thực tế: Các QĐHC, chủ yếu là chính quyền địa phương, nhất là cấp quận, huyện, liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng… thường “vấp” rất nhiều lỗi. Có điều, ông Thanh đề xuất trước mắt chỉ chuyên nghiệp hóa quy định ra QĐHC đối với 5 lĩnh vực “nổi cộm” gồm đất đai – tài nguyên, xây dựng, an ninh trật tự, lao động – thương binh – xã hội và tư pháp.
Tuy đồng tình với kiến nghị của ông Thanh nhưng PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) lại băn khoăn: “Nếu quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ, cẩn thận thì làm sao đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, kịp thời. Trong hai tiêu chí ấy, ta sẽ chọn tiêu chí nào khi mới đây xảy ra một loạt QĐ về nhà đất tại một thành phố lớn được ban hành theo cơ chế một cửa rất nhanh gọn nhưng không chính xác?”. 
Còn Thứ trưởng Hoàng Thế Liên lưu ý, trong Dự thảo Luật cần nghiên cứu xây dựng trình tự, thủ tục chung của một QĐHC, đồng thời phải có cả trình tự, thủ tục đối với QĐHC đặc thù, đặc biệt là những QĐ phương hại đến lợi ích của người dân, tổ chức.

Đọc thêm