Bẩn như... nhà vệ sinh bệnh viện

(PLO) - Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn đó là thực tế ai cũng biết nhưng ít người hình dung nó thực sự là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Mới đây Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã công bố khảo sát thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện, thông qua phỏng vấn trên điện thoại vào tháng 4 và tháng 7/2017, tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98 điểm; tương ứng với mức độ hài lòng đạt gần 80%. Trong đó, người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc; kém hài lòng nhất với nhà vệ sinh bệnh viện.

Cụ thể, lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58 điểm). Hiện nay tiêu chí nhà vệ sinh được chia làm 5 mức từ mức 1 đến mức 5, tương ứng với chất lượng “rất kém” đến mức “sạch sẽ 5 sao”. Theo khảo sát của Bộ Y tế 2017 trên các cơ sở y tế toàn quốc, nhà vệ sinh ở mức “5 sao” chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3: 46%; còn mức chưa đạt là 1 và 2 là: 2 và 17%.

Vừa qua, tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện” diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh cùng với các yêu cầu về bảo đảm nhà vệ sinh bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, vẫn còn không ít tồn tại về vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện.  “Tới đây, cứ nơi nào để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, quy trách nhiệm trưởng khoa, giám đốc bệnh viện. Từ nay cứ như thế mà chấm điểm, không thể vẫn để tình trạng nhà vệ sinh bẩn mà vẫn đạt điểm chất lượng bệnh viện cao” - Bộ trưởng đề nghị. 

Bên cạnh phần lớn các bệnh viện có nhà vệ sinh bẩn thì cũng có số ít cơ sở y tế thực hiện tiêu chí nhà vệ sinh rất tốt, đổi mới toàn diện như: có treo khăn, biển hướng dẫn, phân công người trực, trang trí cây xanh, treo tranh trong nhà vệ sinh. Điều này cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn, vì đây không phải là việc quá khó không thể làm được

Cũng tại hội nghị, liên quan đến vấn đề thời gian chờ khám, người đứng đầu ngành Y tế nhận định, bệnh viện tuyến Trung ương, thời gian chờ đợi để được khám bệnh vẫn rất lâu. Bệnh nhân đi khám bệnh phải nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số thứ tự từ 5- 6h mà phải đến 8- 9h mới được khám. Nhiều người được bác sĩ khám, chỉ định chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng,... thì thời gian có thể kéo đến chiều. Số lượng bệnh nhân quá đông, bệnh viện bố trí nhiều bàn khám vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Trước những hạn chế đó, để khắc phục tình trạng chờ khám quá lâu, theo Bộ trưởng là giảm lượng người bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp... lên tuyến trung ương. Bệnh viện hẹn tái khám, lấy thuốc định kỳ vào buổi chiều; hẹn khám bệnh sau 17h, bệnh viện cũng cắt giảm một số thủ tục hành chính như nhân viên y tế photo giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm. Người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh),... Các bệnh viện cũng phải cải tiến công nghệ, rà soát lại quy trình khám chữa bệnh.   

Đọc thêm