Sản phẩm du lịch bản địa chưa hấp dẫn du khách
Du lịch bền vững là một trong những vấn đề bắt buộc phải cân nhắc trong những năm trở lại đây, khi nhiều điểm du lịch đang đối mặt với tốc độ phát triển quá ồ ạt mà Sapa là một điển hình.
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho thấy, 7 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 3,33 triệu lượt, tăng 12,7% cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 527 nghìn lượt, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Song số ngày khách lưu trú bình quân tại Sapa chỉ là 2 ngày/khách. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ 300.000 - 950.000 VNĐ/ngày. Trong đó, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế khoảng từ 650.000 - 850.000 VNĐ/ngày (tương đương khoảng 30-40 USD/ngày).
Nguồn thu du lịch chủ yếu từ ăn uống, lưu trú. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm, các sản phẩm du lịch bản địa chưa thực sự hấp dẫn và khiến khách phải chi tiêu.
Điều này cho thấy gần như toàn bộ chi phí bỏ ra cho một chuyến du lịch tại Sapa tập trung vào hoạt động đi lại, ăn uống, thuê phòng, rất ít du khách chi tiền cho các hoạt động mua sắm. Cùng với đó, các mặt hàng ở Sapa hiện nay khá hỗn độn. Dạo quanh khu phố Cầu Mây, các mặt hàng bày bán chủ yếu là thổ cẩm, vòng, lắc tay, áo lưu niệm, thủ công mỹ nghệ do nơi khác sản xuất.
Chị Minh Ngọc- một khách du lịch vừa tới Sapa dịp lễ 2/9 vừa qua chia sẻ: “Các sản phẩm ở đây dùng để lưu giữ kỉ niệm rất tốt, nhưng tôi thấy không có sức hút lắm. Thay vì mua áo lưu niệm tôi sẽ chọn những sản phẩm đặc trưng của vùng đất đó hơn”. Túi, ví thổ cẩm cũng không rõ xuất xứ và chưa có điểm nhấn khiến chị Minh Ngọc muốn mua về.
Một lý do khác khiến sức mua kém được nhiều chuyên gia đánh giá là tình trạng đeo bám, bán hàng rong, khách hàng luôn phải đề phòng, trả giá hoặc sản phẩm chưa thực sự tốt.
Khác với Sapa, mới đây Hội An được tạp chí Travel and Leisure bình chọn đứng đầu 15 thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2019.
Lý do chính giúp nơi này vượt qua cả San Miguel de Allende (Mexico), Chiang Mai (Thái Lan) được đánh giá bằng 3 yếu tố cơ bản: cảnh quan trầm mặc, văn hóa đặc sắc và ẩm thực hấp dẫn. Du khách có thể tìm đến các dịch vụ giải trí đa dạng, trải nghiệm di sản như biểu diễn thực cảnh, sản phẩm lưu niệm như đồ thêu ren, lụa, đồ chạm khắc, thiệp nổi,...
Cùng với Hội An, Hà Nội cũng là điểm đến thú vị với di sản phố cổ. Tại đây du khách có thể dạo bước trên những con phố đặc trưng của Thủ đô từ đầu thế kỷ 15, ngắm nghía các mặt hàng lưu niệm, hoạt động mua bán nhộn nhịp.
Thiết nghĩ, để bảo tồn di sản và hấp dẫn khách du lịch bằng những sản phẩm riêng có, mang tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc, việc xây dựng các điểm bán hàng tập trung tại các xã và khu vực trung tâm thị trấn là cấp thiết.
Trong đó trưng bày, giới thiệu các sản phẩm như đồ thổ cẩm của người Dao Đỏ, Mông, Tả Phìn, hàng thủ công mỹ nghệ… tại Sapa sẽ giúp tạo thương hiệu du lịch, mở thêm sinh kế cho đồng bào dân tộc.
Có thể học tập mô hình làng di sản
Mới đây, Hạ Long, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong việc đưa di sản vùng miền vào khai thác. Bên cạnh thắng cảnh thiên nhiên có sẵn, các nhà đầu tư du lịch định hướng xây dựng một dãy phố di sản ngay bên bờ biển Bãi Cháy, kết nối các tổ hợp vui chơi giải trí xung quanh.
Sự giao thoa giữa đủ loại hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, trang sức hay những sản phẩm văn hóa như vải thổ cẩm, lụa tơ tằm sẽ tạo bản sắc cho một điểm tham quan, hấp dẫn sức mua của du khách.
Tương tự, khi đến làng cổ Bukchon Hanok (Hàn Quốc), du khách còn có thể trải nghiệm một lớp học làm đồ thủ công ngay tại các cửa tiệm hay trung tâm văn hóa và bảo tàng như vẽ tranh dân gian, làm vòng bằng cách buộc dây, thêu túi, nhuộm vải hay tham gia các hoạt động truyền thống khác.
Có thể thấy bản sắc vùng miền là “mỏ neo” quan trọng níu giữ du khách ở lại. Do đó tận dụng và bảo tồn, phát huy nét đặc sắc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong tiến trình phát triển du lịch. Song để nhân rộng, việc xây dựng cũng cần đến quy hoạch cụ thể với từng vùng phù hợp, quy định cụ thể hộ nào được tham gia bán đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ. Điều đó khiến việc chuyên môn hóa trong từng khâu phục vụ được tốt hơn.
Hơn hết, sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số là vô cùng quan trọng. Bởi theo các chuyên gia, không chỉ ổn định đời sống người dân, quá trình tái đầu tư lợi tức thu được từ sản phẩm du lịch còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường tự nhiên, tạo sự bền vững.
Nằm trong 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á do Rough Guides bình chọn, Sapa là vùng hội tụ đa dạng văn hóa các dân tộc thiểu số. Song quá trình đô thị hóa nhanh khiến Sapa trở thành đô thị tập trung với hình thái và lối sống phổ biến của thành thị.
Cùng các ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan mây tre, đồng bào dân tộc vẫn sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chưa hưởng lợi nhiều từ du lịch.
Vì thế, Sapa cần phải đi đầu bổ sung các khoảng trống dịch vụ để có thể đi đúng định hướng, sớm trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Bởi phát triển du lịch bền vững tức là người dân phải sống được bằng văn hóa bình thường của chính họ.