Bàn sửa Luật để quản lý hiệu quả luật sư nước ngoài

Cùng với các luật sư (LS) trong nước, các LS nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam đã góp phần hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam… Song để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động của các LS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, vẫn còn một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS liên quan đến đội ngũ này.

Cùng với các luật sư (LS) trong nước, các LS nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam đã góp phần hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam…

Song để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động của các LS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, vẫn còn một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS liên quan đến đội ngũ này.

Ảnh minh họa

Đóng góp cho sự phát triển của ngành Luật

Chính sách đối với thu hút đội ngũ LS nước ngoài được đánh giá đến nay là “vô cùng cởi mở” để đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý trong nước khi các tổ chức hành nghề LS của Việt Nam chưa đủ khả năng. Đánh giá chung về hoạt động của các tổ chức LS nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua rất tích cực.

Không chỉ đóng góp trong việc tạo môi trường pháp lý, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, tuyên truyền, giới thiệu pháp luật Việt Nam…, các tổ chức hành nghề LS đã góp phần đào tạo đội ngũ LS Việt Nam thông qua việc thuê LS Việt Nam làm việc, tiếp nhận và đào tạo người tập sự hành nghề LS.

Hiện có khoảng hơn 100 LS Việt Nam, 40 người tập sự hành nghề LS và khoảng 330 người làm việc cho các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam. Đây là một nguồn quan trọng để phát triển đội ngũ LS Việt Nam đủ kỹ năng hành nghề luật quốc tế, nhất là có có ngoại ngữ - vốn là “gót chân asin” của đội ngũ LS Việt Nam hiện nay. Sở Tư pháp TP.Hà Nội cho biết, một số tổ chức hành nghề LS có cam kết đóng góp cho sự phát triển không ngừng đối với ngành luật ở Việt Nam, thông qua hệ thống “Đào tạo pháp lý không ngừng” được thể chế hóa.

Các tổ chức và LS nước ngoài đã có những đóng góp nhất định trong việc tham gia góp ý các văn bản pháp luật, tư vấn cho Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Theo nhận định của Sở Tư pháp TP.HCM, các lĩnh vực pháp luật về đầu tư, kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng và sở hữu trí tuệ… là thế mạnh của các tổ chức hành nghề LS nước ngoài trên thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý tại TP, cũng như cả nước.

“Gỡ” mâu thuẫn trong luật

Quản lý đội ngũ LS này, Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời Sở Tư pháp TP.Hà Nội và TP.HCM thực hiện việc kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề LS nước ngoài thực hiện tốt qui định của pháp luật.

Sở Tư pháp TP.Hà Nội cho biết, trong quản lý hoạt động LS nước ngoài tại Việt Nam, Sở chú trọng đến công tác “hậu kiểm” và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hành nghề LS nước ngoài khi có yêu cầu đăng ký hay thay đổi nội dung đăng ký hoạt động. Vì thế, Sở không gặp thắc mắc khiếu nại của tổ chức, cá nhân nào về thái độ nhũng nhiễu, gây khó khăn.

Tuy nhiên, do một số vấn đề giữa thực tiễn hoạt động và quy định của pháp luật LS còn “chưa gặp nhau”, khiến công tác quản lý LS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam của hai Sở Tư pháp vẫn còn bị rơi vào tình trạng lúng túng, không biết xử lý thế nào cho “hợp tình hợp lý”.

Những tồn tại mà Sở Tư pháp TP.HCM chỉ ra như pháp luật về LS chưa qui định về “ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý qua thư điện tử”, chưa hướng dẫn cụ thể đối với qui định “có mặt thường xuyên tại Việt Nam”, chưa bắt buộc các tổ chức hành nghề LS nước ngoài đăng ký về sự thay đổi nhân sự, Luật LS mâu thuẫn với Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 về phạm vi hành nghề của tổ chức LS nước ngoài tại Việt Nam… đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý LS nước ngoài trên địa bàn.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đội ngũ và hoạt động hành nghề của LS, tổ chức hành nghề LS nước ngoài, phát huy tốt tiềm năng của lực lượng này cho sự phát triển của nghề LS và thị trường pháp lý tại Việt Nam, hai Sở Tư pháp của hai thành phố lớn nhất cả nước kiến nghị “nhân dịp” sửa đổi, bổ sung Luật LS lần này, cần khắc phục các tồn tại trong qui định pháp luật, bổ sung các qui định cụ thể, rõ ràng về phạm vi hoạt động, thủ tục, điều kiện cho các hoạt động quản lý…

Từ kinh nghiệm hoạt động trong hãng luật nước ngoài, LS.Trần Tuấn Phong (Cty Luật VILAF – Hồng Đức) nhấn mạnh, LS nước ngoài là “cầu nối với các nhà đầu tư vào Việt Nam”, “luồng gió mới” cho thị trường pháp lý Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều hãng mới của Anh, Mỹ...

Song chỉ phát huy được thế mạnh của đội ngũ LS nước ngoài nếu lựa chọn được những LS giỏi. Do đó, có thể thể chế hóa các tiêu chí để “đấu thầu” chọn LS được cấp phép hành nghề sẽ “loại bỏ được những hãng luật hành xử không có đẳng cấp…”.

Hiện nay đã có 57 tổ chức hành nghề LS nước ngoài được cấp giấy phép thành lập, trong đó có 2 Cty Luật TNHH dưới hình thức liên doanh, 33 Cty Luật nước ngoài 100% vốn nước ngoài, 22 tổ chức hành nghề LS nước ngoài thành lập Chi nhánh tại Việt Nam.

Có 5 công ty Luật Baker Mackenzie, Mayerbrown, JSM, Allen, A&O, Freshfielf Brukhaus Deringer nằm trong top những công ty luật lớn trên thế giới. Có 262 LS nước được cấp phép hành nghề tại Việt Nam, số LS đăng ký hành nghề tại các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam là 151 (59 tại Hà Nội và 92 tại TP.HCM). 

Huy Anh

Đọc thêm