Thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm với dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên mặt, bao bì hàng hóa nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ của sản phẩm. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được ủy quyền cho người đại diện thương mại chính thức. ở Việt Nam, một số thương hiệu đã tạo lập được tên tuổi nhưng cũng chỉ bó gọn ở thị trường trong nước. Dù vậy nhưng hàng Việt Nam vẫn không phải là sự lựa chọn số một của người tiêu dùng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Người xưa bảo vệ thương hiệu...
Ở Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ 19 - thời Pháp thuộc - đã thấy rõ cuộc cạnh tranh bảo vệ thương hiệu Việt của những doanh nhân Việt Nam ngày đó.
Cho đến giữa thế kỷ 19, thương hiệu đầu tiên không còn gắn bó với tên một con người cụ thể mà lại nêu lên một ý tưởng của sự kinh doanh. Đó là tên "Cảm Hiếu Đường" đặt cho một cửa hiệu chụp ảnh đầu tiên mở tại Hà Nội vào năm 1869 mà chủ hiệu là một nhà canh tân hàng đầu khi đó là Đặng Huy Trứ. Ngoài ra phải kể đến hãng nước mắm nổi tiếng Vạn Vân do doanh nhân Đoàn Đức Trình (đổi tên thành Đoàn Vạn Vân) làm chủ.
Năm 1935, ông Đoàn Vạn Vân chuyển cửa hàng từ cuối phố Hàng Nâu lên đầu phố này để gần cầu Long Biên và hai chợ Bắc Qua, Đồng Xuân, thuận tiện hơn cho việc kinh doanh. Địa điểm kinh doanh mới này (nay là 24 phố Trần Nhật Duật) được Hãng nước mắm Vạn Vân thuê của nhà in Lê Văn Tân, một cơ sở in lớn của Hà Nội thời bấy giờ. Việc sản xuất, kinh doanh của hãng ngày một phát triển, tiếp tục khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước. Năm 1939, Hãng nước mắm Vạn Vân bắt đầu xuất khẩu sang Pháp và một số nước châu Âu.
Bên cạnh đó còn có những tên gọi "Minh Tân Công nghệ xã", "Minh Tân khách sạn" của những nhà duy tân ở Nam Kỳ như Trần Chánh Chiếu; thương hiệu "Cô Ba" in hình một khuôn mặt phụ nữ điển hình của Nam Kỳ trên những bánh xà-phòng là sản phẩm của một trong những người bản xứ giàu có nhất ở đồng bằng sông Cửu Long hồi đó: Trương Văn Bền... Còn ở ngoài Bắc, lá cờ vàng với hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ của "Giang hải Luân thuyền Bạch Thái Công ty" đã từng một thời tung bay trên các con tàu của Bạch Thái Bưởi... dọc ngang sông nước đồng bằng Bắc Bộ và miền duyên hải.
Đặc biệt, với con tàu mang tên "Bình Chuẩn" (tên gọi cơ quan chuyên lo việc kinh doanh của Nhà nước truyền thống) trọng tải 600 tấn do chính những kỹ sư và thợ cả Việt Nam đóng từ Hải Phòng đã vượt biển vào tận Sài Gòn năm 1919 được coi là đỉnh cao của niềm tự hào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thời mất nước.
Trước đó, năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ là ngành vận tải đường sông. Lúc này, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa. Cuộc đụng độ không cân sức đã xảy ra, ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai. Các chủ người Hoa lại trường vốn và đã quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng đủ mọi cách.
Trong tình thế đó, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Bạch Thái Bưởi đã tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên Tổ quốc mình, chung quanh là đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng lợi. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi về tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. Ông treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả, hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Ông đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình.
Đại lý chuyên cung cấp các sản phẩm của Cty cổ phần may Việt Tiến tại 101, phố Hàng Cấp (TP Nam Định).
Ảnh: Dương Đức
|
Chuyện hôm nay ...
Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế với sự lấn sân mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài (họ đã có kinh nghiệm lấn sân ở nhiều quốc gia khác) đã diễn ra ở Việt Nam. Điều đáng buồn là thương hiệu Việt luôn chịu thua thiệt, lép vế trước sự lấn át của các tập đoàn đa quốc gia ngay trên chính sân nhà của mình. Với sức mạnh tài lực, kinh nghiệm, họ không cần mất nhiều công sức, chỉ cần áp đặt công thức sẵn có trên toàn cầu lên thị trường Việt Nam, tiến công ồ ạt về truyền thông quảng cáo.
Trong khi đó, đa số các thương hiệu Việt sức yếu cùng với cách kinh doanh cũ đã không thể làm gì trong cuộc cạnh tranh này. Các thương hiệu đa quốc gia nhanh chóng giành lấy thị phần từ những thương hiệu Việt, trở thành người dẫn dắt, thống lĩnh thị trường, tạo nên sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ở nước ta, trong một vài năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp tư nhân nở rộ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước thì thương hiệu trở thành vấn đề được mọi người quan tâm. Một số thương hiệu mạnh như: Vinamilk, Thiên Long, Trung Nguyên, Kinh Đô... đã tạo ra một sức bật mới. Điều này thể hiện qua sự nâng cấp ngày càng cao trong chất lượng sản phẩm cũng như ý thức về quảng bá hình ảnh của thương hiệu và của doanh nghiệp tới công chúng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, sản phẩm của doanh nghiệp Việt vẫn bị lép vế ngay trên sân nhà, đặc biệt là hàng dệt may với dòng sản phẩm cao cấp. Nhiều câu hỏi đặt ra, dù hàng dệt may Việt Nam là một ngành hàng mũi nhọn xuất khẩu nhưng những mặt hàng cao cấp xuất khẩu này vẫn vắng bóng trên sân nhà. Không chỉ hàng dệt may, Việt Nam có nhiều thế mạnh về hàng xuất khẩu như gạo, giày da... nhưng tất cả những mặt hàng này, dù làm tốt, chất lượng cao, cũng hầu như chỉ làm gia công cho nước ngoài mà không hề có thương hiệu trên thế giới.
Bài toán dành cho thương hiệu Việt?
Khi kinh tế phát triển, nhu cầu của người dân tăng cao, lúc này mọi người mới giật mình nhận ra tại thị trường cao cấp trong nước giờ là dành cho các thương hiệu nước ngoài. Hàng Việt lép vế ngay tại sân nhà bởi hàng Việt Nam chưa tạo được sự yên tâm và tin tưởng cho người tiêu dùng trong nước. Theo tâm lý của nhiều người, hàng hóa của Việt Nam là những mặt hàng giá cao mà chất lượng không cao, mẫu mã không đẹp và khi sử dụng không... sành điệu. Một số mặt hàng được gọi là có tiếng, có uy tín lại khá đắt, nếu so với các mặt hàng cùng loại của nước ngoài có khi còn đắt hơn, từ đó dẫn đến tâm lý sính hàng ngoại. Nhiều sản phẩm của các hãng có uy tín, cho dù đều sản xuất ở các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, nhưng cũng được mọi người sẵn sàng đón nhận với giá cao, trong khi các mặt hàng của Việt Nam, thương hiệu Việt Nam thì giá có khi chưa bằng một nửa nhưng cũng rất khó bán. Điều này đầu tiên phải nói đến trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, như đã nói ở trên, các mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao đều được các doanh nghiệp trong nước dành cho xuất khẩu.
Theo đại diện của một Cty chuyên xây dựng thương hiệu cho biết: Các doanh nghiệp Việt chưa có ý thức xây dựng thương hiệu, thiếu những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về thương hiệu, lối tư duy làm ăn manh mún, khả năng tài chính có hạn và không ít doanh nghiệp Việt không biết giữ uy tín của mình. Để khắc phục được tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện được chỗ đứng của mình. Điều này được thể hiện qua chất lượng hàng hóa, mẫu mã, giá cạnh tranh. Nếu làm được như vậy, không chỉ người Việt thích dùng hàng Việt mà người nước ngoài cũng thích dùng hàng Việt.
Xây dựng thương hiệu không có nghĩa chỉ tìm kiếm, thể hiện biểu tượng trên sản phẩm, đó không chỉ là công việc của riêng doanh nghiệp mà còn là chiến lược kinh tế của cả đất nước./.
Theo: nhandan.com.vn