Bánh chưng, bánh tét dịp tết: Chốt giá vào giờ G

Tết đến, những người làm bánh chưng, bánh tét đã rộn ràng vào mùa. Nhưng đến giờ này, người đặt bánh muốn biết giá chính xác phải đợi đến tầm 28 Tết...

Tết đến, những người làm bánh chưng, bánh tét đã rộn ràng vào mùa. Nhưng đến giờ này, người đặt bánh muốn biết giá chính xác phải đợi đến tầm 28 Tết...

Mô tả ảnh.
Giá bánh chưng, bánh tét được dự đoán sẽ tăng khoảng 5.000 đồng/cái so với Tết năm trước.
Bánh để được lâu là yêu cầu hàng đầu

Chị Bảy, người bán bánh chưng, bánh tét tại chợ Phú Lộc cho biết, kể từ sau rằm tháng Chạp, lượng bánh bán ra tăng đột biến so với ngày thường nhằm phục vụ cho việc cúng tất niên. Thời điểm này, người dân thường chuộng bánh nhân thịt (bánh mặn) vì độ thơm, ngon, hợp khẩu vị với nhiều người.

Tuy nhiên, bánh nhân đậu xanh (bánh chay) dùng trong ba ngày Tết lại được đặt hàng nhiều nhất. Nếu bánh mặn phải được ăn ngay trong một, hai hôm, thì bánh chay có thể để đến một tuần. Theo chị Bảy, điều người tiêu dùng quan tâm hàng đầu là khả năng bảo quản dài ngày. Cũng vì lý do này nên riêng với bánh Tết, các lò phải sử dụng loại nếp “hảo hạng”, nhân và gia vị cũng là đồ “tuyển”.

Còn theo ông Nguyễn Trung (sinh năm 1963, Cẩm Hà, Hội An), người nấu và bán bánh chưng dạo tại Đà Nẵng thì nguyên vật liệu dành cho bánh dùng ngày thường và ngày Tết không thay đổi, chỉ có một bí quyết nho nhỏ giúp giữ bánh lâu hơn là để riu lửa. Ví dụ, với 300 bánh, nấu sáng sớm, trưa vớt, phải ăn liền, thì bánh Tết để lửa nhỏ đến chiều tối mới đổ. Bánh ngâm lâu trong nước sôi còn tạo độ dẻo hơn.

Vì là bánh cúng ông bà trong ngày đặc biệt của năm, nên bên cạnh chất lượng, mọi người cũng chú trọng đến hình thức của bánh. Xếp bốn chiếc bánh chưng thường lại thành một khối hình vuông, chị Bảy nói: “Bánh Tết to cỡ chừng này nè. Vậy, cúng mới đẹp”. Với bánh tét, ngày Tết nhiều người chuộng mua đòn lớn (loại 1,5kg) hơn là đòn nhỏ (loại 1kg). Trong khi đó, ông Trung vẫn tự tin với những loại bánh cùng cỡ nhỏ do gia đình làm vì cho rằng, người thành phố mê bánh quê không đơn thuần chuyện to, nhỏ mà một phần vì… sợi dây buộc bánh. “Ở phố, tôi thấy người ta cột toàn dây nhựa, dây ni-lông. Tôi thì trung thành với dây lát. Cái dây không làm bánh ngon hay dở về mặt nêm, nếm, nhưng chính nó gợi nên sự “quê mùa” đặc trưng của loại bánh truyền thống”, ông Trung nói. Bên cạnh đó, làm sao giữ được màu lá xanh tươi, bắt mắt mà không cần sử dụng các loại hóa chất độc hại, ông Trung cho rằng: “Coi chừng nước, luôn luôn để nước ngập bánh. Nếu thùng nấu đã cũ, lót thêm một lớp tôn mới dưới đáy thùng nữa. Chừng nấy là xanh lá liền”.

Chốt giá vào giờ G

Năm nay, không đợi đến cận Tết, ngay từ đầu tháng Chạp, người dân đã tìm đến các cửa hàng hoặc lò để đặt bánh. Nhà nhà mua bánh, ít thì hai, ba cái, nhiều cả chục cái, nên hầu hết những người buôn bán bánh chưng, bánh tét đều tỏ ra phấn khởi trước sức mua này. Theo chị Bảy, hiện tại bánh chưng được báo giá từ 15-25 ngàn đồng/cái, bánh tét 25-35 ngàn đồng/đòn, tùy loại lớn nhỏ. Song, đó là giá ngay thời điểm này. Với bánh đặt Tết, người bán chỉ có thể nhìn vào giá các nguyên vật liệu biến động để dự đoán bánh tăng chừng khoảng 5.000 đồng/cái so với năm trước.

Những khách hàng quen thuộc của ông Trung cũng thấp thỏm tới tận ngày nhận bánh. Ông Trung cho biết: “Còn phải coi lúc đó nếp, thịt tăng như thế nào, mình sẽ quay lại nhà người ta chốt giá. Cao chừng 10-20% là cùng. Ai cũng thông cảm thôi, vì họ biết mình buôn bán quanh năm, chẳng muốn hét giá làm chi”.

Riêng với lá chuối, vật liệu không thể thiếu của bánh chưng, bánh tét thì không có biến động nhiều. “May là năm nay trời yên, cây cối không hư hại, nên nguồn lá chuối không thiếu”, ông Chung nói.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

Đọc thêm