“Bánh ngon” quên “bột tốt”, chuyện thường ngày trong làng điện ảnh Việt

(PLO) - Nhà văn thì bị quên nói lời cảm ơn, còn nhà biên kịch thì cũng chẳng sung sướng gì. Có không ít kịch bản qua bàn tay đạo diễn bị “biến dạng”. Phim hay thì tán thưởng đạo diễn, diễn viên, phim dở lập tức người ta truy đuổi nguồn gốc bắt đầu, tức là nhà văn, nhà biên kịch. Câu chuyện bất công ấy ở làng điện ảnh chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
“Bánh ngon” quên “bột tốt”, chuyện thường ngày trong làng điện ảnh Việt
“Bánh ngon” quên “bột tốt”
Đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng, nhà văn, nhà biên kịch là người chế tác đầu tiên, họ có đưa ra chất liệu hay, “bột tốt” thì đạo diễn mới nặn được “bánh ngon”, phim mới hay được. Nhưng đâu phải đạo diễn nào cũng trân trọng các nhà văn, nhà biên kịch như đạo diễn Lê Cung Bắc.
“Bánh ngon” quên “bột tốt”.  Đây là câu chuyện không lạ trong làng điện ảnh. Rất hiếm khi một đạo diễn lên nhận giải dù lớn hay nhỏ, có được lời cảm ơn dành cho nhà văn, người đã tạo cảm hứng sáng tác đầu tiên cho mình. 
Có thể nhận thấy, các nhà văn thường vị tha, ghét va chạm nên có thiệt thòi cũng cho qua để còn làm việc khác. 
Ví như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cho qua sự việc “quên lời cảm ơn” mình. Ông từ tốn: “Mình làm nhà văn viết truyện, còn phim là của một e-kip khác. Hai lĩnh vực phim và truyện khác nhau dù rằng có cái này mới có cái kia. 
Tuy nhiên, mình không muốn dính vào bất cứ thị phi nào để đầu óc luôn trong trẻo. Bởi tác phẩm của mình hướng đến bạn đọc là trẻ em, nên tác giả phải luôn có tinh thần sảng khoái. Nếu mình đi giận hờn mấy cái vụ kiểu như thế thì làm sao viết cho trẻ em được”.
Kịch bản phim bị đạo diễn làm “biến dạng”!
Nhà văn bị “lãng quên”, còn nhà biên kịch cũng tủi phận không kém. Có không ít kịch bản qua bàn tay đạo diễn bị “biến dạng”. Với biên kịch, không phải đạo diễn nào cũng thích “qua mặt”. Nhưng thường thì họ tâm niệm phim là của đạo diễn, nên có thể đôi khi có người đã cố ý lờ đi người đã đặt nền móng đầu tiên cho thành công của mình, mặc dù trước đó, trong quá trình tác nghiệp họ đã phải nương tựa rất nhiều. 
Một nhà biên kịch rầu rầu: “Bán xong kịch bản rồi là thôi. Phim lên sóng không dám coi lại vì kịch bản mình viết một đằng, họ làm một nẻo, không nhận ra con của mình luôn”. 
Nhà biên kịch Quý Dũng không khỏi buồn lòng khi tác phẩm của mình bị đạo diễn làm cho “đầu voi, đuôi chuột”. Theo đó, bộ phim hình sự được làm khá nghiêm túc, đạo diễn làm rất tốt, nhưng điều đáng buồn là ở tập phim cuối, nội dung đại cảnh của phim đã bị thay đổi không giống như trong kịch bản của anh. 
“Chẳng có ông tác giả nào lại đuối đến như thế, phim đó làm cho tôi vẫn còn buồn mãi tới bây giờ. Khi phim đã phát sóng hết thì có một cô gái ở Kiên Giang nhắn tin cho tôi rằng, chú ơi chú viết phim hay quá, lần sau chú nhớ viết nữa nha, nhưng lần này chú đừng để cho cảnh sát đi lãnh lương mà lại cho hai cô gái phải đi bắt tội phạm như vậy. Tôi đã nhắn cái tin đó cho những người làm phim này để họ biết”, nhà biên kịch Quý Dũng kể lại.
Chưa kể tới, biên kịch còn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn ít người biết như: bị o ép nhuận bút, lo sợ bị mất bản quyền, và nhất là khâu kiểm duyệt. Từ lúc hoàn thành đề cương, phát triển hoàn chỉnh kịch bản cho tới lúc bấm máy, kịch bản phải “vượt” qua được 5-6 hàng rào kiểm duyệt: “biên tập viên - trưởng phòng biên tập công ty sản xuất, biên tập viên - trưởng phòng biên tập công ty phát sóng, biên tập viên - trưởng phòng biên tập của nhà đài”… 
Một chặng đường đầy cam go, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, kịch bản nào mang tính thời sự, tới khi chiếu ra đã cũ mèm, cũ rích, khán giả coi xong lại chê: “Ai viết kịch bản lạc hậu thế”.
Trần Thùy Linh được biết tới là nhà văn, nhà biên kịch có nghề, sắc sảo và tinh tế. Chị để lại dấu ấn đậm nét với các bộ phim nổi tiếng: “Mùa lá rụng”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Ranh giới”, “Cảnh sát hình sự”, “Đường đời”, Đất lành”, “Nếp nhà”… 
Chị cho rằng, nghề biên kịch là một nghề khó khăn, mệt mỏi và ít được sự trân trọng của những người trong nghề, chứ chưa nói đến xã hội.
Một điều bất công, tại sao các chức danh trong một bộ phim như đạo diễn, diễn viên… đều được đánh giá qua các danh hiệu như NSƯT, NSND, còn các nhà biên kịch thì không? Không ai nghi ngờ vai trò của biên kịch với thành công của một bộ phim, nhưng dường như đánh giá nó trước sự tính toán, so đo với “cái tôi” sáng tạo của các chức danh khác thì thật khó khăn.
Phim hay thì tán thưởng đạo diễn, diễn viên, phim dở lập tức người ta truy đuổi nguồn gốc bắt đầu, tức là biên kịch, nhà văn. Câu chuyện bất công chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” ở làng điện ảnh. Nghề biên kịch chìm nghỉm trong cơn sóng đó. 
Theo nhà biên kịch Thùy Linh thì ở nhiều nước, ví như bên Hàn Quốc, họ đặt những nhà biên kịch vào vị trí trang trọng thậm chí còn hơn cả đạo diễn, diễn viên. Nhiều biên kịch có tên tuổi được quyền chọn lựa cuối cùng chức danh đạo diễn, diễn viên. Vì hơn ai hết, họ hiểu câu chuyện mà mình sáng tạo ra…
Ở Việt Nam, danh phận thì “bỏ ngỏ” mà tiền tài thì cũng không hấp dẫn. Thu nhập của nhà văn, nhà biên kịch thấp so với những gì họ bỏ công ra. Vừa viết xong kịch bản, ráo mồ hôi thì cũng ráo tiền. 
Có lẽ vì vậy, nhà văn, nhà biên kịch luôn bị thiệt thòi, tủi phận trong môn nghệ thuật thứ 7 này.