Bánh tráng ở Tây Ninh, Bến Tre, Mỹ Tho… đã khá nổi danh trong Nam ngoài Bắc. Nhưng bánh tráng Đại Lộc (Quảng Nam) được đánh giá là dẻo và thơm ngon nổi tiếng...
Bánh tráng phơi đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. |
Sáng sớm, khi ngoài trời người còn chưa nhìn tỏ mặt, người thợ tráng bánh cho gạo đã ngâm từ tối qua vào máy xay thành bột mịn. Ngày trước lúc chưa có máy, phải xay bột bằng những chiếc cối đá to đùng, mệt muốn… đứt hơi. Rồi sau đó pha trộn thêm với nước, chút muối cho có vị mặn mặn để sau này khi thành phẩm dễ ăn.
Lò tráng được đắp bằng đất, một đầu là nơi cho củi hay trấu vào đốt. Ở giữa là một lỗ to tròn để đặt nồi chứa nước, phía trên nồi phủ một lớp vải căng ra để tráng bánh trên đó. Khi nước đã sôi, hơi nước bốc lên, đổ một vá bột lên lớp vải rồi tráng thật nhanh, quay tròn đều rồi đậy nắp lại, một lát là bánh chín. Dùng thanh tre dài, mỏng và nhẵn lòn dưới bánh rồi đem trải lên chiếc vỉ bằng tre có thể xoay tròn được. Từng động tác thuần thục và dứt khoát để cho ra đời những cái bánh tròn trịa, mỏng đều và trắng tinh.
Đến các nhà tráng bánh chuyên nghiệp vào những ngày nắng ráo sẽ thấy một hình ảnh thật vui mắt: Bánh được những người thợ bày trên các vỉ lưới nhựa, phơi khắp các ngả đường, sân nhà, sân trường… Những đứa trẻ cũng được sử dụng vào những công việc như phơi bánh… Thường thì những ngày gần Tết trời âm u, xám xịt, bánh phơi không khô giòn, nên ăn có cảm giác sường sượng. Sau này, nhờ công nghệ sấy nên bánh dần dần khắc phục được điểm yếu này.
Vùng quê này vườn rộng, nhiều loại rau được trồng như cải, xà lách, quế, húng, dưa leo, hành ngò… nên đến nhà nào cũng có thể được đãi món thịt heo luộc cuốn bánh tráng. Có một đều tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá quan trọng là việc nhúng cho ướt bánh. Nếu không biết cách nhúng thì bánh sẽ dính lại thành một xấp dày, chẳng thể nào ăn nổi.
Không chỉ nổi tiếng về chất lượng mà còn bởi nó là món không thể thiếu khi ăn với món bê thui Cầu Mống trứ danh. Trước đây, khi đi ăn đám tiệc thì mới thấy món bánh tráng cuốn thịt luộc, nhưng nay thì nhà nào cũng hay tráng sẵn bánh để ăn. Nó như món ăn “chữa cháy” những khi chưa tới bữa cơm chính.
Hiện nay, bánh tráng Đại Lộc đã được người dân khắp nơi biết tới, khẳng định được thương hiệu. Nó được coi như món quà quê dành cho người ở xa, tuy rằng mỗi khi đưa bánh đi xa thường phải dùng vật nặng đè lên cho bánh thẳng ra, không bể gãy.
Đức Dũng