BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH
Đồng chí Mai Đức Lộc, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách: Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật
|
Ban Kinh tế-Ngân sách (KTNS) nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp UBND thành phố đề ra trong báo cáo. Tuy nhiên, giải pháp cần cụ thể hơn nữa để bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội. Ban KTNS kiến nghị: Tập trung chỉ đạo và có biện pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, đầu tư và hoạt động thương mại trên địa bàn. Rà soát cơ chế quản lý, nhất là trong phối hợp giữa các ngành, các cấp để thực hiện đúng quy hoạch phát triển và các quy định hiện hành.
Thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với hạn mức và lãi suất hợp lý, nhất là chính sách ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó sử dụng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố linh hoạt hơn. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, các dự án khách sạn, sản phẩm du lịch. Cần có giải pháp can thiệp kịp thời, bảo đảm ưu tiên cung cấp ổn định điện, nước phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Có biện pháp tuyên truyền, đẩy mạnh hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bố trí ổn định vùng rau và thực phẩm an toàn, chăn nuôi tập trung với quy mô hợp lý. Có chính sách hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, nhất là khai thác hải sản và đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Trên lĩnh vực đầu tư phát triển và quản lý đô thị, kiểm tra, đôn đốc các dự án FDI và các doanh nghiệp trong nước, chỉ đạo triển khai nhanh các nguồn vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tăng vốn thực hiện so với vốn đăng ký.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư các dự án triển khai không đúng tiến độ cam kết. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, công trình quan trọng phục vụ tái định cư và phát triển kinh tế-xã hội: Trung tâm Hành chính thành phố, Trường THCS Nguyễn Khuyến, Bệnh viện đa khoa 600 giường, các cầu mới qua sông Hàn… Tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Cần có biện pháp cụ thể để chấm dứt hiện tượng mùa nắng tập trung chuẩn bị và mùa mưa tổ chức thi công.
Rà soát, điều chỉnh giảm vốn những công trình không có khả năng thực hiện hết vốn đã bố trí, ưu tiên bổ sung vốn cho những công trình trọng điểm và công trình thanh toán khối lượng, hoàn thành đúng tiến độ. Tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường: Các khu công nghiệp, Âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, Trạm Xử lý nước thải Hòa Cường; xử lý trách nhiệm chủ đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý các điểm ngập úng trước mùa mưa bão, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trồng cây xanh đường phố, khu dân cư.
Đề nghị HĐND thành phố quyết nghị giao UBND thành phố tập trung chỉ đạo đến cuối năm 2010 phải hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư hiện đang thi công để bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa; hoàn thành công trình phục vụ Đại hội Thể dục-thể thao toàn quốc lần thứ VI và một số khu chung cư thu nhập thấp để thực hiện chương trình “Có nhà ở”. Chỉ đạo UBND các quận, huyện và lực lượng chức năng lập lại trật tự đô thị, trọng tâm là địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê.
BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI
Đồng chí Lê Tự Cường, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội: Phải quy định mức trần về thu quỹ Hội cha mẹ học sinh
|
...Cần chú ý tạo nguồn bác sĩ cộng đồng để bố trí về công tác ở các trạm y tế xã, phường. Đối với việc tăng cường bác sĩ về tuyến cơ sở và biệt phái xuống các trung tâm y tế, đây là giải pháp tình thế, cần lưu ý tính hiệu quả thiết thực và động viên tinh thần phục vụ nhân dân. Đề nghị tăng cường quản lý một số đối tượng nhiễm HIV đã phát hiện nhưng chưa quản lý được cùng với đối tượng vừa nghiện ma túy vừa nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Đề nghị cần tăng cường phòng chống tội phạm về ma túy, tích cực phát hiện số người nghiện trong cộng đồng và duy trì chủ trương cai nghiện tập trung, đồng thời triển khai thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại bằng Methadone.
Đề nghị cần đặc biệt quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VI tại Đà Nẵng và sớm xây dựng Thư viện Tổng hợp ở địa điểm mới. Cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền vận động thực hiện việc cưới, việc tang theo đúng quy định.
Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết số 47 của HĐND về xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2006 -2010. Đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này và có phương án cho thời gian tới. Đề nghị cần xem xét chuyển đổi một số trường công lập theo chủ trương xã hội hóa và đúng quy hoạch của thành phố mỗi phường có một trường mầm non công lập.
Hiện nay, đã có 77/100 trường tiểu học học ngày hai buổi, có bán trú, số trường ở khu vực trung tâm có quy mô học sinh rất lớn chỉ tổ chức được một số lớp học ngày hai buổi. Đề nghị sớm có kế hoạch đầu tư và thực hiện đúng quy mô trường học, sĩ số học sinh lớp học theo quy định để tất cả các lớp đều được học ngày hai buổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Vào đầu năm học mới thường xảy ra tình trạng thu trái quy định trong một số trường công lập, dư luận không đồng tình, chủ yếu là tiền quỹ cha mẹ học sinh. Đề nghị UBND thành phố sớm hướng dẫn việc thu tiền quỹ cha mẹ học sinh theo Quyết định số 11 ngày 28-3-2008 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, chỉ thu tiền một lần và có mức trần theo từng vùng, tránh thu quá cao. Cần quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng nếu để thu trái quy định.
Đề án do UBND thành phố trình HĐND lần này đề nghị đặt tên cho 128 đường, trong đó có 10 đường cũ nối dài, 21 đường đặt theo tên người, trong đó có 4 người quê Quảng Nam, Đà Nẵng, có 95 đường đặt theo số gắn với 13 tên làng xưa, 1đường đặt tên Trường Sa và 1 đường tên Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đề án lần này đã dành tuyến đường đẹp ven biển gần 27 km đề nghị nối dài đường Hoàng Sa và đặt tên đường Trường Sa. Hiện nay, vẫn còn nhiều đường mới trong các khu dân cư chưa có tên, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tất cả các tuyến đường đủ điều kiện đặt tên trình kỳ họp thứ 17 HĐND xem xét, quyết định.
BAN PHÁP CHẾ
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Trưởng Ban Pháp chế: Tăng cường biện pháp phòng, chống tội phạm
|
Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững. Song, đáng lưu ý là tội phạm tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2009 và diễn biến phức tạp... Nhưng báo cáo của UBND thành phố chưa nêu rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, nhất là vì sao công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả chưa cao, công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng chưa chặt chẽ, trấn áp tội phạm có nơi, có lúc thiếu chủ động, thường xuyên liên tục và kiên quyết. Có trường hợp đối tượng bị truy nã sống tại địa bàn phạm tội và khi tiếp tục tái phạm thì mới được phát hiện. Tai nạn giao thông tăng nhiều, nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông kém của một bộ phận người tham gia giao thông, công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập.
Hoạt động thanh tra có chú ý trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ hơn. Song, báo cáo của Thanh tra thành phố cũng như báo cáo của UBND thành phố chưa đề cập đến tính chất, mức độ của sai phạm cũng như hình thức xử lý trách nhiệm cá nhân sai phạm. Việc kiến nghị xử lý của Thanh tra chưa kiên quyết, dứt điểm. Tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố có giảm so cùng kỳ năm 2009 (45/84 đơn). Công tác thi hành án dân sự có nhiều tích cực, nhưng số lượng án tồn đọng còn nhiều (3.488 vụ). Công tác cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm.
Công tác tuyển quân đợt 1 năm 2010 còn tồn tại chưa được khắc phục như: có địa phương xét duyệt, tuyển chọn chưa chặt chẽ, chưa nắm chắc số lượng học sinh, sinh viên đang học trong các trường. Việc triển khai xây dựng, tổ chức hoạt động của lực lượng dân quân thường trực ở 10 phường thực hiện thí điểm bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tồn tại là công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ chưa được triển khai, chưa xây dựng Quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng khác trong công tác phối hợp tuần tra.
Ban Pháp chế HĐND kiến nghị UBND thành phố:
Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân đề cao cảnh giác; có biện pháp mạnh xử lý kiên quyết đối với hành vi trộm cắp, cướp giật; đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 6259/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2009 của UBND thành phố về tuần tra ban đêm để phòng chống tội phạm; chủ động ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại tội phạm.
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, nhất là trong đối tượng thanh-thiếu niên. Đề nghị Ban chỉ đạo An toàn giao thông các cấp tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra theo chương trình kế hoạch, chú trọng vào những lĩnh vực, những nơi dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Trong công tác thi hành án dân sự cần tập trung chỉ đạo sự phối hợp nhằm đẩy mạnh việc thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là những vụ phải cưỡng chế thi hành.
S.T (Lược trích)