Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2009, Kế hoạch sử dụng đất năm 2010 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Báo cáo số 129/BC-UBND ngày 26/11/2009

Thực hiện Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND, ngày 09/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên tại kỳ họp thứ 11, khoá XI về việc thông qua kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2008 và kế hoạch sử dụng đất (có bổ sung) năm 2009 tỉnh Thái Nguyên. Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo HĐND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2009, kế hoạch sử dụng đất năm 2010 (có bổ sung) trên địa bàn tỉnh, với những nội dung sau:
A-   Tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2009
I.  Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2009
1. Đất nông nghiệp:
Kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp đạt tỷ lệ cao (tăng 3 lần so với kế hoạch), do mở rộng diện tích trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng, trong đó:
- Đất sản xuất nông nghiệp: Thực hiện được 450 ha, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch (diện tích này chủ yếu đưa vào trồng cây ăn quả và cây chè).
- Đất lâm nghiệp: Thực hiện được 9.504,26 ha, trong đó rừng sản xuất trồng đựơc 3.986,40 ha, đạt 664,40% kế hoạch; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thực hiện được 1.013,21 ha, đạt 72,37 % kế hoạch; khoanh nuôi phục hồi rừng thực hiện được 4.504,65 ha, đạt 450,47 % kế hoạch.
2. Đất phi nông nghiệp:
Thực hiện trong năm 2009 được 806,73 ha, đạt 54,50 % so với kế hoạch, trong đó:
    - Đất ở: Thực hiện được 86,22 ha, đạt 75,65 % so với kế hoạch, gồm: 
    + Đất ở đô thị thực hiện được 54,17 ha, đạt 98,61 % so với kế hoạch.
    + Đất ở nông thôn thực hiện được 32,05 ha, đạt 54,29 % so với kế hoạch.
    - Đất chuyên dùng: Thực hiện được 701,79 ha, đạt 54,15 % so với kế hoạch, trong đó:
    + Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp thực hiện được 9,72 ha, đạt 274,58 % so với kế hoạch (phần diện tích vượt so với kế hoạch là do chuyển từ năm 2008 sang thực hiện năm 2009).
    + Đất quốc phòng, an ninh thực hiện được 64,76 ha, đạt 12,59 % so với kế hoạch.
    + Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thực hiện được 428,95 ha, đạt 148,70 % so với kế hoạch (phần diện tích vượt so với kế hoạch là do chuyển từ năm 2008 sang thực hiện năm 2009).
     + Đất có mục đích công cộng thực hiện được 198,36 ha, đạt 40,52% so với kế hoạch.
- Đất tôn giáo, tín ngưỡng: Thực hiện được 1,89 ha.
- Đất nghĩa trang, nghĩa địa: Thực hiện được 16,83 ha, đạt 59,45 % so với kế hoạch.
3. Đất chưa sử dụng: Năm 2009, đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng là 5.051,73 ha, trong đó đất nông nghiệp là 4.999,61 ha; đất phi nông nghiệp là 52,12 ha.
(Diện tích các loại đất thực hiện năm 2009 theo các đơn vị cấp huyện tại Phụ lục kèm theo).
II. Đánh giá chung:
- Công tác lập kế hoạch sử dụng đất được tổ chức thực hiện theo đúng trình tự, nội dung tại Thông tư số 30/2004/TT-BTNMT ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, chất lượng còn có hạn chế. Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện kịp thời và đồng bộ ở ba cấp tỉnh, huyện, xã (do thiếu kinh phí), chưa trùng khớp với quy hoạch xây dựng nên khó khăn cho công tác quản lý đất đai.
- Năm 2009, diện tích đất cho phát triển ngành nông nghiệp đạt được kết quả cao, diện tích đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp đạt kết quả thấp.
- Các chỉ tiêu theo mục đích sử dụng đất thực hiện đạt tỷ lệ trên 80% kế hoạch, có 5 loại đất, bao gồm: Đất ở đô thị; đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất để chuyền dẫn năng lượng, truyền thông; đất chợ và đất bãi thải, xử lý chất thải.
- Đạt tỷ lệ từ 50-80 % kế hoạch có 5 loại đất, bao gồm: Đất ở nông thôn; đất khu công nghiệp; đất cơ sở sản xuất kinh doanh; đất thuỷ lợi và đất nghĩa trang nghĩa địa.
- Đạt tỷ lệ dưới 50 % kế hoạch có 6 loại đất, bao gồm: Đất quốc phòng, an ninh; đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ; đất cơ sở văn hoá; đất cơ sở thể dục thể thao; đất giao thông và đất có di tích, danh thắng.  
Kết quả thực hiện kế hoạch ở một số mục đích sử dụng đất còn thấp là do những nguyên nhân cơ bản của sau:
- Nguyên nhân khách quan:
+ Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn hạn chế do trong khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa dự báo sát, chưa lường hết những phát sinh về nhu cầu sử dụng đất trong những năm tiếp theo, việc bố trí phân bổ quỹ đất chủ yếu dựa vào quy hoạch phát triển của các ngành trong khi quy hoạch các ngành cũng chưa thực sự ổn định.
+ Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc điều chỉnh, bổ sung và  thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế.
+ Các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu sử dụng đất chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lập kế hoạch sử dụng đất được coi như để đăng ký nhu cầu, chưa xem xét kỹ đến khả năng thực hiện.
+ Trình độ năng lực của cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do vậy, chất lượng công tác lập kế hoạch sử dụng còn thấp, không sát thực tế, có loại đất lập kế hoạch sử dụng đất cao, nhưng thực hiện thì đạt thấp, như: Đất quốc phòng an ninh; đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ; đất cơ sở văn hoá; đất cơ sở thể dục -  thể thao; đất có di tích, danh thắng.
+ Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Thế giới tác động đến đầu tư phát triển của cả nước nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
- Nguyên nhân chủ quan.
+ Các cấp, các ngành chưa huy động được các nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án đã có trong kế hoạch.
+ Việc công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm  quyền xét duyệt ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự nghiêm túc, còn mang tính hình thức.
+ Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất ở các cấp chưa được thường xuyên.
B- Kế hoạch sử dụng đất năm 2010
 Năm 2005, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010), được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XI, kỳ họp thứ 5 ra Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/2006/NQ-CP ngày 29/8/2006 về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) tỉnh Thái Nguyên.    
1- Đất nông nghiệp:
Kế hoạch mở rộng đất nông nghiệp 2.570 ha, được sử dụng từ nhóm đất chưa sử dụng, trong đó có 70 ha đất trồng cây hàng năm, 400 ha đất trồng cây lâu năm, 2.100 ha đất trồng rừng.
Đất khoanh nuôi phục hồi rừng 1.000 ha.
2 - Đất phi nông nghiệp:
Kế hoạch là 3.193,07 ha, được sử dụng từ nhóm đất nông nghiệp: 2.935,24 ha; nhóm đất ch¬ưa sử dụng: 64,25 ha và chuyển đổi trong nội bộ các loại đất của nhóm đất phi nông nghiệp: 193,58 ha, trong đó:
- Đất ở: Kế hoạch là 440,37 ha, được sử dụng từ  nhóm đất nông nghiệp: 396,15 ha; nhóm đất phi nông nghiệp: 43,22 ha; nhóm đất chư¬a sử dụng: 1,0 ha.
- Đất chuyên dùng: Kế hoạch là 2.637,86 ha, được sử dụng từ nhóm đất nông nghiệp: 2.464,57 ha; nhóm đất phi nông nghiệp: 141,76  ha; nhóm đất chưa sử dụng: 31,53 ha.
- Đất nghĩa trang, nghĩa địa: 56,09 ha, được sử dụng từ nhóm đất nông nghiệp: 36,74 ha; nhóm đất phi nông nghiệp: 1,5 ha; đất chưa sử dụng: 17,85 ha.
-  Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 50,37 ha, được sử dụng từ nhóm đất nông nghiệp: 29,6 ha; nhóm đất phi nông nghiệp: 7,1 ha; nhóm đất chưa sử dụng: 13,67 ha.
-  Đất tôn giáo tín ngưỡng: 8,38 ha, được sử dụng từ nhóm đất nông nghiệp: 8,18 ha; nhóm đất chưa sử dụng: 0,2 ha.
3. Tăng giảm đất đai năm 2010 ttỉnh Thái Nguyên
C. Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ và chính quyền đối với việc lập, xét duyệt và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, có giải pháp đồng bộ để huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt.
- Nâng cao trách nhiệm của các ngành các cấp trong khi lập, thẩm định, trình xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm chất lượng và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của ngành mình, cấp mình.
- Tăng cường phối hợp giữa ngành và cấp trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thường xuyên hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thủ tục hành chính cũng như về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến kế hoạch sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất.
- Thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật để mọi tổ chức và cá nhân được biết và thực hiện.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các ngành, các cấp.
- Cần có những chính sách ưu đãi để thu hút vốn doanh nghiệp để đầu tư quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp.
- Cương quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai.
D. Đề xuất và kiến nghị
- Để có căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên thì việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất là cần thiết. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên khi xem xét việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất cần rà soát, kiểm tra lại nhu cầu sử dụng đất của các công trình, dự án, đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành, xét đến khả năng thực hiện của các công trình dự án. Kế hoạch sử dụng đất điều chỉnh, bổ sung phải được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua sau đó gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát đối với công tác lập, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như việc thi hành pháp luật đất đai của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Đọc thêm