Báo chí cần phản ứng nhanh trước các thông tin xấu, độc

(PLVN) -Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: T.Anh)

Nộp ngân sách hơn 99 nghìn tỷ đồng

Năm 2023, quán triệt phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần điều hành của Chính phủ và thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành TT&TT. Doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 3,74 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 99,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt gần 887,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022...

Ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực của ngành TT&TT trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, TT&TT là ngành liên quan đến rất nhiều lĩnh vực cần có tri thức, cách làm hiện đại như trí tuệ nhân tạo, chat GPT... tiếp cận rất gần với thế giới bên ngoài. Đây cũng là ngành quản lý “quyền lực mềm” - lĩnh vực truyền thông báo chí. Nhưng theo Phó Thủ tướng, càng quan trọng, càng đối diện với nhiều áp lực.

Chuyển đổi số (CĐS) vừa là mục tiêu vừa là động lực. Các Bộ, ngành, địa phương đều cần, muốn CĐS và bị áp lực CĐS. CĐS là “cứu cánh” trong cải cách hành chính và hướng đến các năm 2030, 2045 phải “đi tắt đón đầu” thông qua CĐS. Thêm nữa, thế giới đang phát triển lớn mạnh, nếu không kịp thời cập nhật sẽ bị bỏ lại, vì vậy cần thường xuyên cập nhật các công nghệ mới, để đến gần với thế giới hơn nữa.

Bên cạnh đó, kết quả năm 2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng CĐS gấp 3 lần GDP. Trong lĩnh vực truyền thông, báo chí đòi hỏi cần phản ứng nhanh trước các thông tin xấu, độc, gây ảnh hưởng lớn, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây ra tác động khôn lường... Đây chính là một áp lực lớn đối với ngành TT&TT - Phó Thủ tướng nhận định.

Cần chú ý đến “tử tế”

Thể hiện sự tâm đắc với câu nói “Đối với những việc khó phải có cách tiếp cận và cách xử lý khác” của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải thay đổi tư duy, suy nghĩ, cách làm và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Đây là việc làm không dễ, có thể kể đến ba cách thực hiện gồm tạo sự hứng khởi để mọi người làm theo; vận động thuyết phục; yêu cầu thực thi bằng các quy định.

Thể chế có những quy định tạo thuận lợi nhưng cũng có quy định là rào cản. Ngoài việc xây dựng thể chế, còn phải sửa các quy định không hợp lý. Cần làm nhanh, kịp thời và phải hết sức chuẩn mực, sửa chữa những quy định chưa hợp lý. Đối với các lĩnh vực đặc biệt cần có những cơ chế đặc thù.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành TT&TT tuyệt đối không chủ quan trong quản lý báo chí, truyền thông. Theo đó, từng bước chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt các sai phạm của báo chí; nâng cao sức mạnh cạnh tranh trong sức ép truyền thông đa phương tiện, giúp phóng viên báo chí “sống” và trụ được với nghề. Đặc biệt, thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 để hoàn thành việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Cùng với đó, quan tâm nhiều hơn đến xuất bản sách, bởi sách luôn có giá trị trong đời sống xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ, người lao động ngành TT&TT cần chú ý “tử tế” với công việc (nghiêm túc, tận tâm, trách nhiệm); “tử tế” với đối tượng quản lý (chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ); “tử tế” với đối tác (các Bộ, ngành, địa phương). Đặc biệt, người đứng đầu cần “tử tế” với đồng chí, đồng nghiệp, “tử tế” với những người thuộc quyền... để mọi người cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý với công việc. Phó Thủ tướng nhắn nhủ, hệ thống pháp luật có thể chồng chéo, bất cập nhưng mỗi người vẫn phải thượng tôn pháp luật...

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào các định hướng, nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, năm 2024, Bộ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Với truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”, phương châm “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”, tinh thần “đổi mới sáng tạo của thời CĐS”, toàn ngành TT&TT cam kết sẽ nỗ lực để năm 2024 là năm tăng tốc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025.

Đọc thêm