Báo chí tạo không khí phấn khởi, đồng thuận thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2010

2010 là năm bản lề, năm diễn ra nhiều sự kiện lớn có tính quyết định đến chiều hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo, các cơ quan báo chí phải góp phần tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng của năm 2010.

Ngày 5-5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010, nhằm đánh giá tình hình và kết quả hoạt động báo chí sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá 10) "Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới", đồng thời cũng là dịp để các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, quản lý và hoạt động nghiệp vụ của báo giới…

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước.

Bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng

Đồng chí Trương Tấn Sang nhận định, trong hơn 3 năm qua, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực và đạt được kết quả tích cực.
Hầu hết các cơ quan báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta.

 Tính đến hết năm 2009, cả nước có:
- 706 cơ quan báo chí, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí, có 67 đài phát thanh và truyền hình. 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp.
Cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ.

“Những nỗ lực và kết quả nêu trên cho thấy, báo chí không chỉ là một bộ phận quan trọng, đi tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, mà còn có vai trò góp phần tích cực vào việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của đất nước trong giai đoạn hiện nay”, đồng chí Trương Tấn Sang nhận định.
Theo đồng chí Trương Tấn Sang, Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao, quan tâm sâu sắc và tạo mọi điều kiện để báo chí tiếp tục phát triển đúng hướng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình.

Đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là cơ bản nêu trên, hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trong hơn 3 năm qua cũng còn những hạn chế, yếu kém như xu hướng "thương mại hoá" hoạt động báo chí vì lợi ích cục bộ của một số cơ quan báo chí, một số trường hợp thông tin thiếu nhạy cảm và trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, thông tin thiếu tầm nhìn bao quát và chiều sâu tư tưởng…

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng báo chí cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác báo chí.

Đồng chí cũng cho rằng, trong khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tình hình có thể sẽ phát sinh những tình huống mới, phức tạp. Khi đó, việc xử lý các tình huống phải vừa quyết đoán, nhanh nhạy, vừa bình tĩnh, thận trọng. Các cơ quan báo chí cần hiểu và quán triệt quan điểm này để thông tin, tuyên truyền đảm bảo tính kịp thời, toàn diện, chuẩn xác, có tác dụng định hướng dư luận; tránh gây ra những hiệu ứng tiêu cực như một số trường hợp trong thời gian qua.

Đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Tô Huy Rứa và các đại biểu dự Hội nghị
Đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Tô Huy Rứa và các đại biểu dự Hội nghị


Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đồng thời cũng là chủ đề quan trọng, nổi bật trên báo chí năm nay là tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng; bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm bản lề 2010, năm diễn ra nhiều sự kiện lớn có tính quyết định đến chiều hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí Tô Huy Rứa yêu cầu các cơ quan báo chí phải góp phần tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng của năm 2010. Các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực, nhạy bén, trách nhiệm trong việc định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội trước các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước.

Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, Đảng ta sẽ công bố một số dự thảo văn kiện quan trọng trình Đại hội 11 của Đảng để xin ý kiến đóng góp của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Báo chí được coi là một trong những địa chỉ tin cậy, kênh thông tin thuận lợi để thu nhận và giới thiệu những ý kiến tâm huyết đó. Đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị, khi đón nhận, giới thiệu các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ban biên tập các cơ quan báo chí cần tập trung giới thiệu, nhấn mạnh các vấn đề về đặc trưng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng chí yêu cầu báo chí tích cực phát hiện, biểu dương, góp phần nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến nổi lên trong cuộc vận động.
Những nội dung quan trọng khác bao gồm tuyên truyền các hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền đậm nét về các vấn đề, sự kiện quan trọng, nổi bật khi Việt Nam đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2010…
Ngoài ra, cần chủ động, tích cực, kiên trì đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, biển đảo… để chống phá.

Về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2010), đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, đây là dịp để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp to lớn của báo chí đối với đời sống xã hội, với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Đọc thêm