Bảo đảm an toàn du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(PLVN) - Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, du khách đổ về các điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội tăng mạnh. Ngoài sự tăng cường giữ gìn an ninh trật tự của các lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo đảm an toàn cho chính mình.
Người dân nô nức đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. (Nguồn: BN)

Nhiều sự kiện hấp dẫn

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi vào ngày làm việc trong tuần, người lao động, học sinh, sinh viên sẽ được nghỉ một ngày. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện những chuyến đi chơi trong ngày đến các địa điểm văn hóa, tâm linh, lịch sử.

Khu di tích Đền Hùng được rất nhiều người lựa chọn làm điểm đến quay về với cội nguồn, tổ tiên, dâng nén hương bày tỏ lòng kính trọng với mười tám vị Vua Hùng. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (tổ chức từ 9/4 đến hết 18/4 tức mùng 10/3 Âm lịch) có nhiều điểm thú vị, hấp dẫn du khách.

Phần lễ long trọng như Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh...

Phần hội gồm nhiều sự kiện: Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn múa lân - sư - rồng tại khu vực trục hành lễ - Trung tâm lễ hội và các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; Lễ rước kiệu các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về Đền Hùng.

Đặc biệt, những năm gần đây, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tổ chức hội trại với sự tham gia của 13 huyện, thị, thành và một số đơn vị doanh nghiệp. Các trại văn hóa được thiết kế mang đậm nét văn hóa truyền thống, có bố trí các gian trưng bày hiện vật, tư liệu tranh ảnh, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương. Tại hội trại, ngoài trưng bày tranh ảnh, kỉ vật, còn giới thiệu nông sản, hàng hóa đặc trưng, sản phẩm địa phương như: Chè xanh, mật ong rừng, thịt chua, bưởi... để phục vụ Nhân dân, du khách.

Ngoài Khu di tích lịch sử Đền Hùng, vào ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (Âm lịch), người dân còn có nhiều địa điểm di tích, lịch sử khác để ghé thăm. Như ở Hà Nội, có Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tour du lịch Nhà tù Hỏa Lò, khám phá tour đêm Hoàng thành Thăng Long đang được nhiều gia đình chú ý.

Với một số du khách, Giỗ Tổ Hùng Vương là một dịp để đến những tỉnh, thành khác, như tỉnh Điện Biên đang đón hàng trăm lượt khách đổ về tham quan mỗi ngày. Các điểm tham quan di tích phục vụ hết công suất, nhiều khách sạn, nhà nghỉ chỉ còn phòng lẻ khiến chính quyền tỉnh huy động thêm các hộ dân làm homestay. Hiện tại, chính quyền Điện Biên đã huy động hơn 100 nhà dân đủ điều kiện đăng ký dịch vụ lưu trú, bổ sung thêm gần hai nghìn chỗ ở.

Còn tại TP HCM, ngoài các địa điểm được người dân yêu thích như Thảo Cầm Viên, Suối Tiên,... trên địa bàn thành phố đã có hơn 11 đền thờ Vua Hùng được người dân xây dựng, có thể kể đến một số địa điểm như: Đền thờ Vua Hùng quận 9, Quốc Tổ Hùng Vương - Suối Tiên, Thủ Đức, Đền thờ Vua Hùng - Tao Đàn, quận 1,... Mỗi năm đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân thành phố lại tìm về các đền thờ này không chỉ để dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng mà còn để tham quan không gian rộng rãi, trang nghiêm của các công trình này.

Du khách cần bảo đảm an toàn

Năm nay, để bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại Khu di tích, Công an tỉnh Phú Thọ đã được tăng cường, trong đó lực lượng công an lập hàng rào ngay tại cổng đền và phân công trực tại các điểm tập trung đông người để hướng dẫn, phân luồng cho du khách. Các chốt kiểm tra được công an tỉnh bố trí cẩn thận. Đặc biệt, các lực lượng an ninh được bố trí quan sát từ tầm cao, tầm xa để bảo vệ tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh công tác an ninh trật tự của chính quyền địa phương, cơ sở lưu trú, du khách cần tự bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mỗi năm đều có hàng trăm nghìn người đến tham dự vào ngày 10/3 (Âm lịch). Trong dòng người ồ ạt đến trảy hội, lễ lạt, du khách cần bảo đảm sức khỏe của bản thân. Nếu như cơ thể có bệnh nền về huyết áp, tim mạch,... hoặc đang bị đau ốm nên hạn chế tham gia.

Ngay trong những ngày đầu tổ chức Lễ hội Đền Hùng đã có hiện tượng người dân bị xô đẩy, chèn ép trong dòng người dẫn đến ngất xỉu. Ngoài ra, các du khách cần cẩn trọng việc bị chèo kéo mua hàng, chèn ép giá cả, móc túi,... bằng cách tự bảo quản đồ dùng cá nhân của mình.

Không chỉ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách đi tới những địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử khác cần phải cẩn thận. Bắt đầu từ giữa tháng 4 đến 30/4 - 1/5 sẽ là thời gian khởi động mùa du lịch hè năm 2024, có hàng loạt combo khuyến mãi, với mức giá rẻ “sập sàn”. Du khách cần kiểm tra kĩ thông tin của phòng vé, cơ sở lưu trú, công ty du lịch lữ hành trước khi cọc tiền, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”. Hạn chế việc mua bán các tour du lịch trên mạng xã hội hoặc chuyển khoản, tiết lộ thông tin cá nhân trong các web du lịch không rõ ràng.

Mặt khác, du lịch cần gắn liền với văn minh, lịch sự. Đặc biệt là trong dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5, có rất nhiều lễ hội văn hóa, ngày kỉ niệm trang trọng của đất nước, việc đi du lịch, tham gia lễ hội cần phải ăn mặc nghiêm túc, lịch sự. Hạn chế uống rượu, bia, lái xe gây tai nạn giao thông. Khi đến các địa điểm du lịch cần cư xử văn minh, không tranh cãi, gây gổ, chen lấn xô đẩy và giữ môi trường xung quanh xanh, sạch, đẹp bằng hành động nhặt rác, vứt rác đúng nơi quy định.