Sự thận trọng cần thiết
Với 91,7% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành, QH cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp gần nhất để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình QH thông qua. Nhiều ĐBQH cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, thận trọng, thấu đáo. Việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, QH chưa thông qua Luật Đất đai trong Kỳ họp thứ 6 do nhiều vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau đòi hỏi phải có thêm thời gian để rà soát thật sự kỹ lưỡng, lấy thêm ý kiến các ĐBQH, chuyên gia, nhà kinh tế, nhà khoa học để xây dựng Luật làm sao khi áp dụng trong thực tế phải tháo gỡ được những “nút thắt”, “điểm nghẽn” hiện nay. Đây là đạo luật đồ sộ, có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều luật khác nhau nên phải xem xét một cách thận trọng, thấu đáo. Khi chưa có sự đồng thuận cao ở một số vấn đề, không nên vội vàng thông qua. Theo ĐB, nội dung dự thảo Luật liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hơn 100 luật khác nhau. Hồ sơ dự án Luật lên tới gần 1.000 trang. Do đó, bất cứ sự xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nào đều rất cần thiết.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Trịnh Xuân An nhận định, không phải tất cả nội dung của dự thảo Luật đều chưa bảo đảm chất lượng mà có những nội dung chưa rõ, còn nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt cần đánh giá thật sự cụ thể, bài bản để khi thông qua sẽ bảo đảm tính khả thi. Đây là sự cẩn trọng cần thiết, nếu chúng ta chậm lại 1 - 2 tháng, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo sẽ tốt hơn việc thông qua mà lại ảnh hưởng đến công tác thi hành. Luật phải chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của quản lý, của đời sống, của nền kinh tế.
Trước những vấn đề lớn, đặc biệt trước những vấn đề thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau như thu hồi đất, giá đất, các phương pháp định giá… cần sự “tĩnh tâm” để chúng ta đánh giá toàn diện hơn vì đây là những vấn đề tác động ngay đến nền kinh tế, đến xã hội, đến mọi mặt của đời sống. “Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp đang đợi, người dân đang chờ nhưng nếu đợi, chờ mà có đạo luật tốt thì sẽ hiệu quả gấp nhiều lần với việc ban hành sớm nhưng chưa thực sự vững chắc”, ông An nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chỉ rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua phải phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khắc phục những bất cập trong thời gian qua, đồng thời khẳng định vai trò quản lý nhà nước về đất đai. Đây là nguồn tài sản công vô cùng lớn, tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước thời gian qua ở một số nơi còn lỏng lẻo nên phát sinh những vướng mắc. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật phải bảo đảm đời sống người dân khi bị thu hồi đất, tái định cư... Do vậy, QH phải đánh giá toàn diện trên cơ sở ý kiến đóng góp của toàn dân, các chuyên gia đầu ngành, kế thừa ưu điểm từ kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới.
Tiến độ chuẩn bị chưa kịp thời
Tuy nhiên, tại Phiên họp thứ 28 UBTVQH diễn ra ngày 14/12, một số ý kiến lo ngại khi tiến độ chuẩn bị dự án Luật chưa được khẩn trương.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho rằng, sau Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã gửi văn bản cho một số cơ quan liên quan, nêu các vấn đề cần tập trung làm rõ. Hiện nay còn chưa đến 1 tháng để chuẩn bị các nội dung này, nếu không tập trung thì khó có thể bảo đảm chất lượng các dự án Luật này, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một luật khó, có nhiều vấn đề mới, Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn chỉnh về mặt nội dung và các vấn đề lớn. Phó Chủ tịch QH lo ngại không bảo đảm tiến độ và chất lượng vì có nhiều vấn đề cần làm rõ thêm.
Quan tâm đến phiên họp UBTVQH tháng 1/2024, với công tác chuẩn bị như hiện tại, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng cho rằng sẽ khó khăn cho công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường. Tinh thần phiên họp tháng 1/2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường, vì vậy, Chủ tịch QH đề nghị cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không bảo đảm thì lại lùi đến Kỳ họp QH gần nhất.