Bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

(PLVN) - “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” là chủ đề Việt Nam lựa chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024. Chủ đề lựa chọn năm nay được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể và có ý nghĩa quan trọng khi công bằng và bình đẳng là “liều thuốc” hiệu quả nhất trong phòng, chống HIV/AIDS.
Mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. (Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai)

Quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe

Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2021. Tại Hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: “Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Tuyên bố Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý và đảm bảo chất lượng.

Chia sẻ về chủ đề của năm nay, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác. Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.

Do đó, việc Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Bảo đảm công bằng, bình đẳng trên mọi phương diện

Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế làm việc với các nhóm nguy cơ cao tại các địa phương. (Nguồn: CDC, Sở Y tế các tỉnh)

Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020), và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.

Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Các mô hình này góp phần giảm sự khác biệt về địa lý trong bao phủ cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV, từ đó giúp những người còn chưa được chương trình can thiệp với tới có thể kịp thời tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả cao cũng như các dịch vụ HIV thiết yếu khác, ở nơi mà họ cảm thấy tin tưởng và an toàn để sử dụng dịch vụ.

Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Việc cải thiện hơn nữa sự sẵn có, chất lượng và tính phù hợp của các dịch vụ phòng, chống HIV trên cả nước là thiết yếu để đáp ứng với mục tiêu của Việt Nam thực sự trở nên công bằng và bền vững.

Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV. Việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử là yếu tố then chốt giúp tăng cường hiệu quả của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ như xét nghiệm, điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy sự công bằng và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, song, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản gây khó khăn cho việc giảm thiểu lây nhiễm HIV và bảo đảm chăm sóc cho tất cả mọi người. Đặc biệt, các nhóm thanh, thiếu niên, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và những đối tượng dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử và hạn chế về tài chính. Các nhóm này thường thuộc “quần thể ẩn”, gây khó khăn cho việc tiếp cận và triển khai các can thiệp y tế cần thiết...

Những thách thức này đòi hỏi các chiến lược linh hoạt, hiệu quả và toàn diện hơn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị HIV cho nhóm MSM.

Đơn cử như Chương trình điều trị PrEP, một giải pháp hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM đã được Việt Nam triển khai đồng bộ, giúp cải thiện nhận thức và gia tăng số người sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ nhóm MSM sử dụng PrEP vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Một số người sử dụng PrEP không tuân thủ phác đồ điều trị đầy đủ, dẫn đến việc giảm hiệu quả của thuốc. Người sử dụng PrEP vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử, điều này ảnh hưởng đến việc họ tìm kiếm và duy trì sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, các nhóm dân tộc thiểu số, người di cư chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ PrEP do hạn chế về cơ sở vật chất, nhân lực và thông tin.

Do vậy, để phấn đấu tỷ lệ MSM được điều trị dự phòng PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030 theo Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp mở rộng tiếp cận các biện pháp dự phòng và điều trị hiệu quả bằng thuốc PrEP. Cụ thể như hoàn thiện các văn bản chính sách và hướng dẫn liên quan đến cung cấp dịch vụ PrEP; đẩy mạnh vai trò của các nhóm cộng đồng, phối hợp với các cơ sở y tế và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng, đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông để thúc đẩy nhu cầu sử dụng PrEP.

Ngoài ra, các rào cản về tài chính cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS công bằng, bình đẳng. Hiện, nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, đặc biệt đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt như chương trình PrEP đang dựa hoàn toàn vào các dự án viện trợ. Trong khi Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước đang chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp này.

Đứng trước thách thức các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, song song với vận động tài trợ quốc tế, Bộ Y tế đẩy mạnh huy động nguồn lực tài chính trong nước từ ngân sách trung ương, địa phương, Quỹ Bảo hiểm y tế, thu phí dịch vụ, khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 45%. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích cho việc tăng cường khu vực tư nhân tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hoàn thiện khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định mức kinh tế kỹ thuật cập nhật để thu phí một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đọc thêm