Ngày 24/11, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo cấp trường Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam. Hội thảo diễn ra dưới 2 hình thức: trực tuyến và trực tiếp.
Đồng chủ trì Hội thảo là TS Chu Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội và TS Nguyễn Thị Hồng Yến – Trưởng Bộ môn Công pháp Quốc tế Khoa Pháp luật Quốc tế. Tham dự Hội thảo gồm PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; T.S Nguyễn Hải Lưu - Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao; Ông Trần Trí Thành Tham tán, Phó trưởng cơ quan đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Canada…
Theo Ban tổ chức, trước sự nguy hiểm của COVID-19, nhiều biện pháp khác nhau đã được các quốc gia áp dụng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, những biện pháp này tác động đến các quốc gia trên nhiều phương diện, trong đó bao gồm những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới việc bảo đảm quyền con người.
Nhằm làm rõ các vấn đề đặt ra liên quan đến việc bảo đảm quyền con trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và đánh giá thực tiễn đảm bảo quyền con người của Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.
|
Hai đồng chủ trì Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, TS Chu Mạnh Hùng cho biết COVID-19 với quyền con người và việc bảo đảm quyền con người luôn là đề tài người làm thực tiễn, nhà khoa học, cơ quan hoạch định chính sách quan tâm. Tiếp nối chuỗi các hoạt động nghiên cứu, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Tọa đàm Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam. Hội thảo để các nhà khoa học, những người làm thực tiễn, các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo nghiên cứu đưa ra những quan điểm, ý kiến với cơ quan thực tiễn.
Trong bức tranh chung đại dịch hoành hành toàn cầu, Việt Nam, một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp, đã phòng chống dịch hiệu quả và hơn thế nữa, đảm bảo tốt quyền con người cho nhân dân và cả người nước ngoài ở Việt Nam.
Theo TS. Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giao Trung ương, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược nào để đối phó với COVID-19 thì với quan điểm “vì dân”, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân.
Trên nền tảng quan điểm nhân văn đó, chiến dịch phòng chống COVID-19 của Việt Nam đã thành công nổi bật, trở thành điểm sáng toàn cầu. Đảng và Nhà nước không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi. Một mặt, các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực. Mặt khác, hưởng ứng sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, một phong trào tương thân tương ái đã bùng lên rộng khắp cả nước. Những thuật ngữ mới xuất hiện mà đi thẳng vào truyền thông quốc tế như “ATM gạo”, “Cửa hàng 0 đồng” đã làm cho cả thế giới thán phục với tinh thần và tấm lòng người Việt Nam.
Trong khi giao thông, giao thương cả thế giới hầu như bị “đông cứng”, đình trệ, chậm chạp, nhiều hoạt động bị đình hoãn, bãi bỏ, tại Việt Nam, về cơ bản, với kết quả phòng chống dịch hiệu quả, người dân Việt Nam vẫn được hưởng mọi quyền tự do một cách bình thường, đặc biệt là việc tự do đi lại và tự do thông tin.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu và hàng không thế giới gần như không hoạt động vì dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực tổ chức gần 200 chuyến bay, đưa khoảng 60.000 công dân Việt Nam, thuộc các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chuyến bay của các quốc gia đưa người nước ngoài ở Việt Nam về nước. Các nỗ lực này không chỉ thể hiện việc bảo đảm quyền tự do đi lại cho mỗi con người trong điều kiện đầy thách thức, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những người con xa xứ và với người nước ngoài ở Việt Nam. Các chuyến bay nhân văn này còn thế hiện tầm vóc, vị thế Việt Nam, nhân lên lòng tự hào, niềm tin vào đất nước, vào Đảng ta.
Người dân Việt Nam được tiếp nhận đầy đủ thông tin cập nhật từng ngày, từng giờ, thậm chí là từng phút về tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình dịch bệnh. Đáng chú ý, Chính phủ công khai, minh bạch mọi thông tin, mọi biện pháp liên quan đến phòng chống dịch để dân biết, dân hiểu và dân hưởng ứng, làm theo. Chính điều này đã khiến cho nạn tin giả (fake news) hầu như không còn “đất dụng võ”, các kênh thông tin chính thống của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp được người dân tin tưởng.
Với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép, các hoạt động kinh tế, dịch vụ ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Nhờ đó, số người thất nghiệp được kiểm soát, về cơ bản toàn dân vẫn có điều kiện làm việc, kiếm sống, thậm chí có lĩnh vực, ngành nghề còn bận rộn hơn để phục vụ cho nhu cầu xã hội thời đại dịch, và nhất là để đón đầu những cơ hội mà các hiệp định thương mại đa biên mang lại. Giáo dục - đào tạo các cấp vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí, nhiều trường còn đón số du học sinh từ các quốc gia trở về. Đồng thời, các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao vẫn diễn ra sôi động. Nhìn ra thế giới với những đợt phong tỏa toàn quốc ở các quốc gia, mới thấy hết, cảm nhận hết giá trị của sự tự do và quyền được hưởng thụ, mưu cầu hạnh phúc trên đất nước Việt Nam.
"Có thể nói, lời ngợi khen của bạn bè quốc tế, những lời tự đáy lòng của người trở về từ điểm cận kề cái chết là minh chứng sống động cho tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, cho nỗ lực không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước ta vì quyền con người, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc", TS. Lê Hải Bình khẳng định.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"