Bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

(PLVN) - Là đối tượng yếu thế, phải chịu nhiều thiệt thòi bởi những tác động của các tập tục lạc hậu, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thường gặp rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Để thay đổi thực trạng này, nhiều chương trình và giải pháp can thiệp đã được đưa ra nhằm bảo đảm phụ nữ DTTS được hưởng đầy đủ quyền lợi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Cần xóa bỏ các phong tục tập quán và hủ tục trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ DTTS. (Ảnh minh họa - Nguồn: TL)

Chênh lệch chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại các vùng

Việt Nam là nước có 53 DTTS và hầu hết các dân tộc đều sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có điều kiện địa lý, giao thông khó khăn, gặp nhiều rào cản trong chăm sóc y tế, người dân khó tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực y tế và công tác chăm sóc sức khỏe, ban hành nhiều chủ trương và chính sách hỗ trợ trong vấn đề này. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào được chú trọng phát triển đồng bộ cả về mạng lưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng khám, chữa bệnh.

Đặc biệt với phụ nữ DTTS, dưới sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, các chính sách đặc thù về hỗ trợ sức khỏe sinh sản đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của phụ nữ DTTS, họ được hỗ trợ có nhiều cơ hội được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sinh con đúng chính sách và an toàn.

Thời gian qua, các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Việt Nam hiện khá khả quan so với nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cụ thể, trong vòng hơn 20 năm (từ giai đoạn 2000 - 2001 đến 2021 - 2022), tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6% xuống còn 18,9%) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5% xuống còn 12,1%).

Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ tư về tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi. Khi đối chiếu với các nước phát triển, khoảng cách vẫn còn lớn: tỷ lệ tử vong mẹ ở Nhật Bản chỉ là 2,8/100.000, ở Pháp là 5,7/100.000 và Đức là 4,6/100.000 trẻ đẻ sống. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan dao động từ 1% đến 2%.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự chênh lệch rõ rệt về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng miền. Tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và những nơi đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này cao gấp 2 đến 3 lần so với vùng thành thị và đồng bằng. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong mẹ ở người dân vùng đồng bào DTTS cũng cao gấp nhiều lần so với người Kinh.

Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng cho phụ nữ DTTS, nhưng chênh lệch so với phụ nữ dân tộc Kinh vẫn còn khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh còn hạn chế, gặp không ít khó khăn đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, và khu vực biên giới, hải đảo. Đội ngũ cán bộ y tế phụ trách chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vẫn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực chuyên môn.

Ngoài ra, việc áp dụng phong tục tập quán, hủ tục trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em vẫn còn phổ biến, khiến cho tình trạng phụ nữ mang thai không đi khám thai, quản lý thai và sinh tại nhà diễn ra khá thường xuyên ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Rào cản ngôn ngữ, không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ, thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản… cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Hoạt động truyền thông về “Làm mẹ an toàn” tại Tuyên Quang. (Ảnh: Quốc Việt).

Đứng trước sự chênh lệch nói trên, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng cần thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử phức hợp, đan xen đối với phụ nữ DTTS trong quá trình tiếp cận các dịch vụ sức khỏe. Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành Y tế cùng các Bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng nhằm thu hẹp khoảng cách.

Điển hình như 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có đóng góp không nhỏ vào mục tiêu trên. Tại các địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nội dung 4 gói chính sách và đạt được các kết quả như: Nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em DTTS, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cụ thể, tại Hà Giang, theo thống kê trong năm 2023 - 2024, số lượt phụ nữ được khám thai tại cơ sở y tế là 69.871, trong đó số phụ nữ DTTS khám thai/3 kỳ 9.802; số phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ là 18.882, số phụ nữ sinh đẻ tại nhà còn cao, trên 3.458 ca. Sau khi triển khai thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, tính đến ngày 30/6/2024, các cấp Hội đã hỗ trợ 2.680 phụ nữ đi khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế và hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con với tổng kinh phí toàn tỉnh chi trả 4 gói hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng.

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Giang còn phối hợp với ngành Y tế và các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ Hội các cấp, cán bộ y tế, chi hội trưởng, cán bộ y tế thôn bản và tuyên truyền viên về triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ và tuyên truyền vận động phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em… Cũng như tổ chức các cuộc truyền thông về kiến thức sinh đẻ an toàn, các gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thu hút gần 20 nghìn người nghe.

Cùng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hàng năm, Tuần lễ Làm mẹ an toàn do bộ Y tế tổ chức được thực hiện tại 51 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khỏe về “Làm mẹ an toàn” đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.

Năm 2024, tuần lễ “Làm mẹ an toàn” được tổ chức từ ngày 1/10 đến 7/10 với chủ đề: “Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”. Mục tiêu của Tuần lễ năm nay là tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào DTTS đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Nhân dịp này, các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông về “Làm mẹ an toàn” nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt ở các vùng khó khăn. Huy động sự quan tâm của nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng để tăng cường sự tham gia vào các hoạt động này. Tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh, đặc biệt cho những nhóm dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, trong Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”, mỗi trạm y tế xã tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông về chủ đề này. Cụ thể, các trạm y tế sẽ cung cấp thông tin về “Làm mẹ an toàn” cho: 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% các gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

Đọc thêm