Nguồn lực hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ
Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị định 113, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT (Bộ Tư pháp) Trần Thu Hường đã nêu lên những ưu điểm và cả khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Theo đó, một thành quả nổi bật đã đạt được là thể chế công tác quản lý HTQT về pháp luật được cập nhật, sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện và quản lý các hoạt động HTQT về pháp luật đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý HTQT về pháp luật trong tình hình mới.
Công tác vận động, điều phối hoạt động HTQT về pháp luật cũng được tăng cường, tiếp tục duy trì được nhiều nội dung, chương trình, dự án hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực pháp luật. Các hoạt động hợp tác bước đầu có sự chuyển hướng từ hợp tác phát triển sang hợp tác đối tác, chú trọng đến tính hiệu quả, thiết thực, gắn sát với nhu cầu của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Việc thực hiện các hoạt động HTQT ngày càng đi vào nền nếp, đạt nhiều kết quả.
Ý thức tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc hợp tác trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại, trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện hoạt động HTQT về pháp luật được cải thiện, bảo đảm thực hiện tốt hơn quy trình, thủ tục trong quản lý thực hiện các hoạt động HTQT về pháp luật, trực tiếp là quy định của Nghị định 113…
Có thể nói, hoạt động HTQT về pháp luật tiếp tục được duy trì và phát triển, là nguồn lực hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động HTQT về pháp luật cũng đóng vai trò là cầu nối một cách thiết thực và hiệu quả, không chỉ dừng lại ở sự chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật Việt Nam, không có những cái nhìn sai lệch về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp và nhiều đại diện các bộ, ngành, HTQT về pháp luật là lĩnh vực nhạy cảm với yêu cầu cao trong việc quản lý và thực hiện. Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt tiếp nhận, quản lý dự án HTQT về pháp luật theo quy định của Nghị định 113. Công tác báo cáo có chuyển biến tích cực nhưng việc chia sẻ thông tin về chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, về kết quả hợp tác chưa được thực hiện đầy đủ. Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động HTQT về pháp luật tại các bộ, ngành vẫn còn lúng túng…
Hợp tác phải hiệu quả
Do vậy, Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động HTQT về pháp luật nâng cao nhận thức, quán triệt, bảo đảm tuân thủ đầy đủ pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế nói chung và các quy định về HTQT về pháp luật nói riêng trong cơ quan, tổ chức; thường xuyên rà soát, đánh giá để có giải pháp bảo đảm hiệu quả, chủ động, kế thừa bền vững trong HTQT về pháp luật; chú trọng phòng ngừa các nguy cơ diễn biến hòa bình trong hoạt động HTQT về pháp luật.
Ngoài ra, cần bảo đảm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với toàn bộ hoạt động HTQT về pháp luật; phát huy vai trò chủ động gắn với trách nhiệm của cán bộ công chức và sự lãnh đạo của lãnh đạo cơ quan trong xây dựng, điều phối và thực hiện các hoạt động HTQT về pháp luật đúng nguyên tắc, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Đại diện đến từ nhiều cơ quan, tổ chức như TANDTC, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… đều đánh giá cao quá trình thực hiện Nghị định 113 và đề xuất nhiều giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa. Cụ thể, cần tăng cường trách nhiệm tổ chức thực hiện của từng cơ quan trong lĩnh vực này, chú trọng các hoạt động bổ trợ cho nhau, phát hành bản tin về thông tin HTQT về pháp luật, hướng dẫn phân biệt các hoạt động HTQT về pháp luật, cơ quan chủ trì theo dõi thực thi Nghị định nên khái quát một số định hướng để các nhà tài trợ nước ngoài tìm hiểu phối hợp…
Đề cao vai trò cầu nối quan trọng của công tác HTQT về pháp luật, của những người làm công tác này và ghi nhận những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh cần làm sao để một mặt vừa tranh thủ được kiến thức, kinh nghiệm của các đối tác trong những lĩnh vực Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng mặt khác phải đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp, hướng lái của đối tác ảnh hưởng đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật không phù hợp với nguyên tắc, định hướng chính trị - xã hội của Việt Nam.
Với yêu cầu “hợp tác phải hiệu quả, sản phẩm phải rõ ràng”, Thứ trưởng Ngọc cho rằng phải chú trọng hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đối với công tác HTQT về pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn nữa. Thứ trưởng lưu ý kiên quyết không tiếp nhận, không thực hiện các hoạt động hợp tác không đúng nguyên tắc đã quy định tại Nghị định 113.