Báo động an toàn thực phẩm ở "quầy thực phẩm tươi sống" trên Quốc lộ 1A đoạn qua Đồng Nai

(PLVN) - Hàng chục năm nay, khu vực chợ Sặt và chợ Tân Biên (TP Biên Hòa, Đồng Nai) nổi lên như một điểm nóng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm tươi sống từ gia súc, gia cầm. 

Biến quốc lộ 1A thành “chợ” thịt heo, gà

Những ai có dịp đi ngang qua chợ Sặt và chợ Tân Biên, tọa lạc trên Quốc lộ 1A, phường Tân Biên, TP Biên Hòa (Đồng Nai) vào ban đêm đều không khỏi rùng mình trước hình ảnh thực phẩm tươi sống (heo, bò, gà) được đổ thành đống, tràn ra đường nhựa, ngay sát miệng cống thoát nước, đầy ruồi nhặng cũng như các loại côn trùng. Điều đáng nói đó lại là hàng hóa của các quầy bán thực phẩm tươi sống ở chợ.

Rạng sáng 3 và ngày 4/5, trong vai tiểu thương đi mua thịt về chợ nhỏ để bán lại, phóng viên đã tiếp cận hàng chục cơ sở bán buôn thực phẩm từ gia súc, gia cầm tại hai chợ Sặt và chợ Tân Biên.

Các mặt hàng thực phẩm đa dạng được bày bán la liệt trên mặt đất.
 Các mặt hàng thực phẩm đa dạng được bày bán la liệt trên mặt đất.

Nằm đối diện nhau trên quốc lộ 1A, chợ Sặt và chợ Tân Biên được hàng chục tiểu thương tận dụng làm điểm tập kết và bán buôn các thực phẩm tươi sống như thịt heo, gà, bò, cá và các loại rau, củ quả. 

3 giờ sáng, phóng viên ghi lại được cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn của hàng chục quầy hàng bày bán các loại thịt heo, thịt gà. Thậm chí, nội tạng của gia súc, gia cầm còn được đổ ngay trên nền đường nhựa. Quốc lộ 1A, tuyến đường huyết mạch Nam - Bắc được tận dụng làm điểm sơ chế, giao dịch, mua bán.

Bày bán thực phẩm tràn lan cả lòng đường và vỉa hè.
 Bày bán thực phẩm tràn lan cả lòng đường và vỉa hè.

Được biết, điểm bán thực phẩm sống bên lề đường chợ Sặt và chợ Tân Biên đã hình thành từ nhiều năm nay, thời gian hoạt động từ 0 giờ ngày hôm trước đến khoảng 06 giờ sáng hôm sau. Hàng hóa tại đây cung cấp giá sỉ cho tiểu thương bán lẻ tại nhiều khu vực chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn TP Biên Hòa và các vùng phụ cận.

Theo Ban Quản lý chợ Sặt, việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường trước cổng chợ đã diễn ra nhiều năm nay. Ban quản lý chợ cũng đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự cho khu vực này tuy nhiên do lực lượng Ban quản lý có hạn, các hộ kinh doanh lại nằm ngoài khu vực chợ nên cần phải có sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan chức năng của TP cũng như địa phương chủ quản là phường Tân Biên.

"Không ai quan tâm về nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm!"

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi tối tại khu vực này có hàng chục tấn thịt gà và thịt heo được nhập về để bán sỉ cho những tiểu thương bán lẻ ở những chợ khác. Tuy nhiên, nguồn gốc của các loại thực phẩm này lại là vấn đề mà người tiêu dùng hoàn toàn mù mờ.

Đêm 3/5, trong vai người mua chân gà về bán lại, khi đặt vấn đề nguồn gốc của mặt hàng này, chủ một quầy hàng cho hay, muốn mua hàng có nguồn gốc thì vào siêu thị, "chứ ở đây (chợ Sặt và chợ Tân Biên - PV) không ai quan tâm tới việc ấy".

Vô tư "làm hàng" (thực phẩm) ngay trên vỉa hè.
 Vô tư "làm hàng" (thực phẩm) ngay trên vỉa hè.

Rạng sáng 4/5, ở quầy bán lòng gà, cũng trong vai chủ quán nhậu mua nội tạng gà về bán cho thực khách, khi đặt vấn đề vì sao lại đổ lòng gà ra đường nhựa, ngay trên rãnh thoát nước gây mất vệ sinh, bà chủ một quầy bán lòng cho hay, “ai mua về chế biến mà chẳng rửa lại” (!?)

Hiện nay, TP Biên Hòa có ba chợ đầu mối gồm: chợ Tam Hòa (phường Tam Hòa) kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; chợ Hóa An (phường Hóa An) kinh doanh thủy sản và chợ Tân Biên kinh doanh rau, củ quả. Tuy vậy, hàng chục năm nay, tại khu vực này, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm) tươi sống vẫn được bày bán với số lượng lên đến hàng chục tấn cho mỗi mặt hàng/một đêm.

Thực phẩm được để ngay cạnh rãnh nước thải trên mặt đường.
 Thực phẩm được để ngay cạnh rãnh nước thải trên mặt đường.

Ông Phạm Tấn Dương, Trưởng Ban Quản lý chợ Sặt cho biết, theo quy hoạch chợ Tân Biên sẽ được chọn làm chợ đầu mối thực hiện cung cấp rau, củ, quả và thịt tươi sống cho các khu chợ trên địa bàn TP. Như vậy, chợ Tam Hòa sẽ chuyển về hoạt động tại chợ Tân Biên, khi đó, Ban quản lý chợ Sặt sẽ vận động các hộ kinh doanh đang hoạt động phía ngoài lề đường vào hoạt động tại khu nhà lồng đã xây dựng. Có như thế mới chấm dứt được tình trạng mất an toàn cả vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn an toàn giao thông tại khu vực này. 

Đọc thêm