Ngay tại một đất nước văn minh, phát triển nằm giữa châu Âu như nước Anh, hàng năm vẫn có đến hàng nghìn vụ tấn công vì cái gọi là “danh dự” của gia đình.
|
Nạn nhân Banaz Mahmod bị người thân giết hại hồi năm 2006. Ảnh BBC |
Các vụ tấn công vì danh dự là hình phạt đối với những người – thường là phụ nữ - vì những hành vi được cho là đã mang lại tủi nhục cho gia đình họ. Việc có bạn trai, là nạn nhân bị hiếp dâm, từ chối một cuộc hôn nhân sắp đặt, đồng tính luyến ái …thậm chí còn được xem là những hành vi đê tiện. Hình thức tấn công có thể là tạt axit, bắt cóc, hành hình, đánh đập và trong một số trường hợp là giết chết người vi phạm.
Những vụ việc này thường xảy ra trong cộng đồng người Hồi giáo, chủ yếu tại các nước Nam Á, Đông Âu và Trung Đông, đặc biệt là tại Pakistan, Ấn Độ… Tuy nhiên, tại các cộng đồng người Hồi giáo ở các nước phát triển như Anh, Mỹ thì các vụ tấn công vì danh dự cũng vẫn xảy ra, thậm chí còn khá thường xuyên.
Theo thống kê chưa đầy đủ của cảnh sát Anh, chỉ trong năm 2010 đã xảy ra ít nhất 2.823 vụ việc tấn công vì danh dự. Trong số đó, thống kê của Tổ chức Quyền phụ nữ Iran và Kurdish (Ikwro) cho thấy, thành phố ghi nhận nhiều vụ việc nhất với khoảng 500 vụ tấn công vì danh dự chính là thủ đô London.
Tiếp sau đó là West Midlands với 378 vụ, West Yorkshire (350 vụ), Lancashire (227 vụ), Greater Manchester (189), Cleveland (153 vụ)… Trong đó, một số vùng như Northumbria số vụ tấn công vì danh dự đã tăng đến 305% từ 17 vụ trong năm 2009 lên 69 vụ trong năm 2010 hay như ở Cambridgeshire tỉ lệ này là 154%.
Thống kê của Ikwro được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/2011 tuy chưa đưa ra được bức tranh đầy đủ nhưng được đánh giá là công trình nghiên cứu ước lượng gần chính xác nhất về mức độ bạo lực vì cái gọi là danh dự ở nước Anh.
Tuy nhiên, Ikwro cho biết, 1/4 số cảnh sát ở Anh không thể hoặc không sẵn lòng cung cấp các dữ liệu cũng như tên của những cộng đồng thường xảy ra các vụ tấn công. Theo Giám đốc Ikwro Diana Nammi, các gia đình thường cố phủ nhận các vụ tấn công vì danh dự và những người đứng ra thực hiện những vụ việc lại được cộng đồng hết sức tôn trọng, thậm chí được xem như một anh hùng vì đã dám đứng ra bảo vệ danh dự và tiếng tăm cho gia đình mình.
Còn nạn nhân thì lại không được sự hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ từ cộng đồng. “Trong một số trường hợp, cảnh sát và các tổ chức chỉ giúp đỡ họ trong một khoảng thời gian nào đó rồi dừng lại. Nhưng với các vụ bạo lực vì danh dự thì mối nguy hiểm có thể lại đe dọa đến nạn nhân trong suốt cuộc đời họ” – bà Nammi nói.
Cũng theo bà Nammi, bức tranh thực sự về tình trạng tấn công về danh dự có thể còn “đen tối hơn nhiều” so với các con số thống kê của tổ chức này. Vì vậy, để hạn chế được thực trạng này cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan khác nhau. Cảnh sát London khẳng định đã tổ chức huấn luyện, đào tạo cho nhân viên về tình trạng bạo lực gia đình, trong đó có các vụ việc bạo lực vì danh dự và cưỡng ép hôn nhân.
“Chúng tôi biết rằng giống như nhiều loại tội phạm khác, các hành vi bạo lực vì danh dự tuy vẫn chưa được báo cáo đầy đủ nhưng vẫn rất đáng lo ngại. Chúng tôi quyết tâm chấn dứt hình thức bạo lực và nhận thức được sự cần thiết phải có những hoạt động nhất quán hơn để ngăn chặn thực trạng này. Kế hoạch hành động của chúng tôi để chấm dứt tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là đưa ra các phương pháp để tăng nhận thức của cộng đồng, tăng cường đào tạo cảnh sát và công tố viên và có sự trợ giúp thích đáng hơn đối với các nạn nhân” – một phát ngôn viên Sở Cảnh sát London nói.
Thanh Tùng (Theo BBC)