Báo động tình trạng vi phạm quy định hành nghề y, dược ở Hà Nội

(PLVN) - Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội mới đây có báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn TP.
Hai bị cáo nhận án tù vì vi phạm quy định hành nghề y dược tại Hà Nội
Hai bị cáo nhận án tù vì vi phạm quy định hành nghề y dược tại Hà Nội

Cơ sở hoạt động “chui” diễn ra khá phổ biến

Báo cáo cho biết, tính đến 30/6/2019, tổng số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn TP là 3.788 cơ sở, trong đó có 38 bệnh viện, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Số cơ sở hành nghề dược là 7.728 cơ sở, bao gồm 1.165 công ty; 3.880 nhà thuốc; 2.530 quầy thuốc và 153 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác. 

Theo báo cáo, trong 3 năm từ 2016 đến năm 2018, các cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra 8.488 lượt cơ sở. Trong đó, Sở Y tế thanh tra 1.476 lượt cơ sở, kiểm tra, hậu kiểm y, dược 552 lượt cơ sở; Phòng Y tế cấp huyện thanh tra 7.012 lượt cơ sở; xử lý vi phạm hành chính với 1.757 trường hợp.

Báo cáo giám sát đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục, trong đó có việc ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận DN, người hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế, cố tình lợi dụng những kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi trái quy định. Tình trạng các cơ sở hoạt động “chui”, không có giấy phép hành nghề diễn ra khá phổ biến ở các quận, huyện, thị xã mà chưa kiểm soát được; một số y, bác sỹ tại các cơ sở y tế tư nhân hành nghề không đúng chuyên môn, chưa đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, chạy theo lợi nhuận... 

Đối với các cơ sở hành nghề dược có tình trạng người bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn; hoạt động khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn của bác sỹ... Với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, vẫn tồn tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt theo quy định…

Qua giám sát, đoàn giám sát cũng nhận thấy việc quản lý nhà nước với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân chưa thật sự sát sao, quyết liệt, còn mang tính nể nang, chủ yếu là nhắc nhở, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính thấp, nhất là với tuyến quận, huyện, xã, phường; chưa kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo khám, chữa bệnh; chưa kiên quyết xử lý đối với các cơ sở hoạt động không phép. Theo đoàn giám sát, trách nhiệm chủ yếu của tồn tại này là của UBND cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài còn hạn chế, còn để xảy ra tình trạng bác sĩ nước ngoài không có giấy phép nhưng vẫn hành nghề. Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa không có chức năng nhưng vẫn quảng cáo việc thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh sau phẫu thuật thẩm mỹ; trong khi việc quản lý, xử lý các hoạt động quá phạm vi sang lĩnh vực y tế của các cơ sở thẩm mỹ viện, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa còn lúng túng, bất cập.

Cần tăng nặng chế tài xử phạt

Báo cáo giám sát chỉ ra rằng những tồn tại trên xuất phát từ  nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, ở nhóm nguyên nhân khách quan, có việc theo quy định, khung xử phạt hành chính vi phạm với cơ sở kinh doanh được bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sỹ quá thấp, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 – 500 ngàn đồng, không đủ sức răn đe. 

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo nhấn mạnh việc chưa có những quy định cụ thể và biện pháp hiệu quả để quản lý với các loại hình nhạy cảm như thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp; mức xử phạt hành chính với các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là cơ sở không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề chữa bệnh, vượt thẩm quyền xử phạt hành chính của UBND cấp huyện, khiến việc xử lý vi phạm khó khăn, bất cập. 

Đặc biệt, một số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép hoạt động, đã kiểm tra, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, cơ sở đã cam kết đóng cửa nhưng vẫn lén lút hoạt động. Bởi, theo quy định hiện hành, rất khó có thể đóng cửa được phòng khám tư nhân cho dù những cơ sở này liên tiếp tái diễn vi phạm, vì quy định chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng hoặc giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền; mà không có quy định đóng cửa phòng khám tư nhân nếu vi phạm quy định về hành nghề trong nhiều lần liên tiếp.

Từ thực trạng trên, báo cáo đề xuất kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó đề xuất tăng mức phạt để đủ sức răn đe, bổ sung các hình thức đình chỉ vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, tăng nặng hình thức xử lý, xử phạt đối với cá nhân. 

Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về điều kiện hoạt động đối với các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như phun xăm thẩm mỹ, spa... vì đây là các loại hình kinh doanh nhạy cảm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với Sở Y tế TP Hà Nội, đoàn giám sát đề nghị Sở này tăng cường phối hợp các quận, huyện, thị xã, phối hợp liên ngành trong thanh kiểm tra, hậu kiểm hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; đặc biệt với các cơ sở khám chữa bệnh, các dịch vụ thẩm mỹ, spa... các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty xử lý rác thải y tế. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... 

Đọc thêm