Một nghiên cứu mới đây của Viện Y học lao động & vệ sinh môi trường tại làng nghề dệt truyền thống Hòa Hậu ( Hà Nam) cho thấy, có nhiều lao động trẻ em tại đây tham gia phụ giúp công việc trong các xưởng dệt gia đình đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Đáng lên tiếng là Hòa Hậu không phải làng nghề duy nhất ở nước ta đang sử dụng lao động là trẻ em.
Môi trường nhiều nguy cơ
Nghiên cứu nói trên là của Th.S Dương Khánh Vân, PGS.TS Nguyễn Ngọc Ngà, thực hiện tại làng dệt Hòa Hậu. Tại đây, phần lớn các em ( dộ tuổi từ 13 - 17) đang tham gia lao động trong các cơ sở dệt quy mô nhỏ mang tính chất gia đình.
|
Môi trường làm việc nhiều bụi, tiếng ồn và dễ bị thương tích cũng như mắc một số bệnh nghề nghiệp (Ảnh minh họa) |
Các chuyên gia đã nghiên cứu môi trường lao động và thấy nổi lên các vấn đề như : nhiệt độ cao,cường độ chiếu sáng thấp, tiếng ồn đều vượt quá giới hạn cho phép…Những lao động trẻ nơi đây than phiền môi trường làm việc nhiều bụi, tiếng ồn và dễ bị thương tích cũng như mắc một số bệnh nghề nghiệp do tư thế gò bó. Nhiều em cho biết các em bị đau đầu, đau mỏi cơ xương, ho và đau họng.
Kết quả khám sức khỏe cho thấy các bệnh lao động làng nghề có tỷ lệ mắc cao là viêm kết mạc (49,0%), viêm Amidal (21,3%), viêm họng (20,2%) và sẩn ngứa (20,2%). Kết quả đo chức năng hô hấp cho thấy có tới 32% bị hội chứng hạn chế và 2% bị hội chứng tắc nghẽn. Đo thính lực thấy có 10,2% giảm thính lực 1 tai và 8,0% giảm thính lực 2 tai ở các giải tần.
Đặc biệt có 1 ca giảm thính lực mức độ vừa ở các dải tần số cao từ 2000Hz trở lên, có biểu đồ dạng giảm thính lực do tiếng ồn điển hình ở 1 em gái 14 tuổi, làm công việc dệt phụ giúp gia đình.
Kết quả đo thính lực đường xương ở 88 trẻ em lao động trong làng nghề dệt truyền thống cho thấy ở dải tần số 500 chỉ có 1 ca giảm thính lực 1 tai, nhưng ở dải tần số 1000Hz thì có 3 em bị bị giảm thính lực 1 tai. Đến dải tần số 2000Hz thì mức độ bị giảm thính lực tăng lên hẳn: 4 ca giảm thính lực 2 tai và 1 ca giảm thính lực 1 tai.
Dệt là một nghề có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi-bông cao. Qua điều tra dịch tễ học ở nhiều nước, người ta đã phát hiện ra ít nhất 40% công nhân tiếp xúc với bụi bông bị bệnh. Chức năng hô hấp là một trong những chỉ số quan trọng trong phát hiện bệnh bụi phổi-bông.
Kết quả bước đầu về chức năng hô hấp trên cộng với các triệu chứng chủ quan của trẻ em làm công việc dệt cho thấy đây có thể là một vấn đề sức khỏe nổi cộm của trẻ em tiếp xúc với bụi bông tại làng nghề dệt Hoà Hậu.
Các chuyên gia cho rằng phải khẩn trương kiểm tra sức khoẻ chuyên ngành cho các em. Đặc biệt cần theo dõi, phòng ngừa suy nhược thần kinh và khả năng của một số ảnh hưởng sức khoẻ khác ngoài nguy cơ “điếc nghề nghiệp”.
Cần sự quan tâm đặc biệt
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính, trên thế giới có khoảng 351,7 triệu trẻ em tham gia vào các hoạt động kinh tế, trong đó có 210,8 triệu em từ 5 – 14 tuổi và 140,9 triệu em từ 15 – 17 tuổi. Trong số này, có khoảng ¼ (171 triệu em, bao gồm 111 triệu em từ 5 – 14 tuổi, 59 triệu em từ 15 – 17 tuổi) tham gia làm các công việc có hại như làm việc trong mỏ, tiếp xúc với hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp hoặc làm việc với các máy móc nguy hiểm.
|
Ước tính 503.389 trẻ ở độ tuổi 12-14 tham gia vào các hoạt động kinh tế “không-nhẹ-nhàng” (Ảnh minh họa) |
Tại Việt Nam, trẻ em dưới 14 tuổi chiếm 25,51%, độ tuổi 15 – 19 (bao gồm người chưa thành niên) chiếm 10,71% tổng dân số của cả nước và là nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.
Vì vậy, việc chăm lo sức khỏe cho lực lượng lao động tương lai này đã và đang được Chính phủ rất quan tâm. Mặc dù Việt Nam đã có những Luật và thông tư về nhằm hạn chế trẻ em tham gia lao động, nhưng trên thực tế, có thể gặp rất nhiều trẻ em đang tham gia lao động sản xuất, phổ biến nhất là trong khu vực kinh tế không chính thức như các doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở sản xuất nhỏ và các hộ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn.
Các số liệu phân tích từ cuộc Điều tra Chất lượng Cuộc sống Hộ gia đình tại Việt Nam năm 2006 cho thấy ước tính khoảng 6,7% trẻ em độ tuổi 6 – 14 (khoảng 930.000 trẻ) đã tham gia vào các hoạt động kinh tế, trong đó, 296.847 trẻ dưới 12 tuổi, và 37.139 trẻ dưới 10 tuổi.
Các phân tích cũng ước tính rằng 503.389 trẻ ở độ tuổi 12-14 tham gia vào các hoạt động kinh tế “không-nhẹ-nhàng” nằm ở dưới độ tuổi tối thiểu cho các loại hình lao động này, 633.405 trẻ độ tuổi 15-17 phải làm việc quá giờ.
Từ nghiên cứu trường hợp điển hình ở làng dệt Hòa Hậu, các chuyên gia cho rằng cần khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách xây dựng và bổ sung các chính sách và biện pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường và điều kiện lao động, giảm thiểu nguy cơ, dự phòng tác hại nghề nghiệp và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em tham gia lao động.
Đặc biệt, nên xây dựng thí điểm một số giải pháp can thiệp có sự tham gia của cộng đồng, từ đó xây dựng các hướng dẫn nâng cao sức khoẻ nơi làm việc cho người lao động nói chung và cho trẻ em lao động nói riêng./.
Thanh Lương