Dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và truyền thông từ phía Con Cưng kiên quyết bác bỏ chuyện hàng có nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí “đấu khẩu” với dư luận và báo chí. Nhưng chuyện cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều sản phẩm không xuất trình được hoá đơn, chứng từ, một số sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác như không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, dán che một phần nhãn gốc, không in năm sản xuất là có thật.
Và chuyện một khách hàng phát hiện ra sản phẩm bị cắt và thay đổi nhãn mác cũng đã xảy ra. Người tiêu dùng, đặc biệt những người từng bỏ ra số tiền lớn để mua hàng, mua cả niềm tin về sự an toàn cho con trẻ nay rơi vào hoang mang, bức xúc cũng là có thật.
Trước Con Cưng, niềm tin tiêu dùng đã lung lay với không ít cuộc “lừa đảo” của những thương hiệu lớn. Mumuso gây dựng nhận thức trong khách hàng là bán sản phẩm nhập khẩu Hàn Quốc, thế nhưng hoá ra, trên 99% sản phẩm của họ xuất xứ từ Trung Quốc và không hề liên quan gì đến Hàn Quốc, ngoài cái tên.
Thậm chí thương hiệu này đang bị các doanh nghiệp Hàn Quốc kiện vì ăn cắp sáng chế. Trước đó, Khải Silk cũng đã tạo nên một cú khủng hoảng lớn khi bị phát hiện nhiều năm qua kinh doanh khăn lụa bình dân Trung Quốc tráo đổi thành khăn lụa tơ tằm truyền thống cao cấp Việt Nam, hô biến giá từ 30 ngàn đồng thành 600 ngàn đồng và còn được tiếng “gìn giữ phát huy ngành nghề truyền thống”.
Nhưng không chỉ có Mumuso, Khải Silk hay Con Cưng. Trước đó, quản lý thị trường đã nhiều lần phát hiện những cửa hàng, những doanh nghiệp có chút tiếng tăm, nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc về đính mác “chính hãng”, bán với giá gấp hàng chục lần, từ giày dép, kính mắt, đồ chơi trẻ em...
Và còn nhiều những người kinh doanh khác, cũng áp dụng chiêu bài ấy nhưng chưa bị phát hiện ra. Ngay tại Sài Gòn, dân kinh doanh trong giới vẫn biết có những chuỗi shop thời trang nhập nguyên kho hàng Trung Quốc về, rồi gắn mác lại và rải đều ra các shop của mình bán với giá “thời trang hàng shop”. Có cả những cửa hiệu kinh doanh đồ điện tử, đồng hồ, vỏ có thể chính hãng, nhưng ruột đã bị thay bằng hàng Trung Quốc, hàng chế tác trong nước trôi nổi….
Những vụ “treo đầu dê bán thịt chó” như thế còn lan sang cả lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm làm đẹp, thực phẩm, hay kể cả những sản phẩm liên quan đến tâm linh… Nhiều doanh nghiệp lấy mác “hàng Việt” để được sự ủng hộ của người tiêu dùng, thực chất vẫn nhập về hàng trôi nổi đóng mác Việt. Dường như nhiều người kinh doanh giờ đây đang bất chấp cả niềm tin, sự trung thực hay lòng tự trọng, dùng mọi mánh khoé và thủ đoạn để móc tiền túi khách hàng, thu về lợi nhuận cao nhất.
Cứ mỗi sự việc lừa dối nổ ra, niềm tin của người tiêu dùng lại lung lay, hao mòn thêm một chút. Đến bao giờ, chúng ta mới có thể “trị tận gốc” căn bệnh tham lam và thiếu liêm sỉ trong kinh doanh này?