Thực tế đã có trường hợp, chỉ một cây bạch đàn bị ngã đổ vào đường dây điện 110KV đã gây mất điện toàn huyện Sơn Tịnh, Trà Bồng và một phần huyện Bình Sơn thuộc tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm..
Biết hiểm nguy nhưng vẫn ở
Khu chợ Đá 2 thuộc đội 8 thôn Hoà Mỹ (xã Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cả trăm hộ dân, hàng chục năm sống dưới đường dây hạ áp nông thôn cũ kỹ, xuống cấp. Tải yếu, mọi sinh hoạt trì trệ, tuy nhiên, như lời bà Nguyễn Thị Tị (65 tuổi), việc người dân chủ quan với an toàn điện mới đáng nói.
Theo bà Tị, lưới điện đi qua khu vực này đã có gần 30 năm trước. Thời gian đầu (khoảng tháng 12/1990) khi nhà nước bắt đường dây, đã giao cho Hợp tác xã điện lực Nghĩa Hành quản lý. Sau vài năm tiếp tục giao lại cho Sở Điện lực Quảng Ngãi. Hiện, đường dây thuộc Điện lực Nghĩa Hành. Vì địa phương quản lý thiếu đầu tư, tôn tạo lưới điện, từ đó dẫn đến các vi phạm lấn chiếm HLATĐ hoặc mắc nối chằng chịt, quá tải.
Dẫn đi quanh khu chợ Đá 2, bà Tị chỉ cho chúng tôi thấy đường dây nối hệ thống điện chằng chịt như “mạng nhện”, đi sát mép tôn lợp nhà của nhiều hộ dân. Thậm chí, còn có hộ hạ trụ điện ngay tường nhà mình, nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu. Thế nhưng, thời gian qua, dù đã xảy ra một số vụ tai nạn, song may mắn chưa gây chết người nên bà con rất chủ quan.
Cũng có những trường hợp ở khu chợ, như bà Lê Thị Hồng, ban đầu chỉ dựng lều tạm để buôn bán gần trụ điện. Qua một thời gian lại xây luôn nhà kiên cố bao quanh trụ điện. Nhiều năm liền, ngành điện lực phối phối hợp cùng chính quyền địa phương đến lập biên bản vi phạm, rồi tuyên truyền lẫn răn đe, song bà Hồng vẫn kiên quyết không dời đi. “Biết nguy hiểm, nhưng gom góp lâu lắm mới đủ tiền xây nhà, giờ chúng tôi không còn tiền để dời nhà nữa”, bà Hồng nói.
Không thể xử lí dứt điểm trường hợp này, nên thành thử, mỗi khi cần duy tu, bảo dưỡng hay sửa chữa, nhân viên của điện lực phải mượn thang để trèo lên nóc nhà bà Hồng rồi mới tiếp cận được đường dây.
Theo Điện lực Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 30 trường hợp xây dựng nhà ở, công trình vi phạm hành lang an toàn điện. Không chỉ vấn đề xây dựng nhà, hiện việc người dân tự ý trồng cây ngay trong hành lang an toàn lưới điện lại diễn ra trên diện rộng. Thực tế đã xảy ra vụ việc, chỉ một cây bạch đàn bị ngã đổ vào đường dây điện 110KV, đã gây mất điện toàn huyện Sơn Tịnh, Trà Bồng, và một phần huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Qua kiểm tra và thống kê của Điện lực Quảng Ngãi, hàng ngàn vị trí có cây trong và ngoài hành lang lưới điện, dễ xảy ra nguy cơ quẹt, ngã đổ vào đường dây. Không ít chủ canh tác đào hố ngăn cách, dựng hàng rào, cày xới, phá bỏ đường công vụ gây khó khăn cho cả người dân và đơn vị quản lí, vận hành trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng, xử lí sự cố, thậm chí đứng ra cản trở như ở Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng…
Khó kiểm soát, xử lí vi phạm
Ông Lâm Quang Soạn, PGĐ Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết, trong các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện, việc làm nhà dưới đường dây khó xử lí nhất. Bởi trị giá của nhà ở rất lớn, nên người dân nhất quyết không chịu dời đi. Trong khi đó, chính quyền địa phương thường chỉ lập biên bản và nhắc nhở.
“Mặc dù đã có quy định cụ thể, nhưng điện lực Quảng Ngãi vẫn đang gặp một số vướng mắc trong công tác xử lí dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Bởi đây không phải vấn đề của riêng ngành điện, mà cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ từ chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan”, ông Soạn nói.
Ông Soạn chia sẻ thêm, trong thời gian qua, tình trạng một số doanh nghiệp khai thác đất trong và gần hành lang lưới điện đe dọa phóng điện và đổ cột liên tục xảy ra nhưng chưa được xử lí một cách triệt để; một số chủ khai thác vẫn tiếp tục các hoạt động trái phép này khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường.
Để đảm bảo yêu cầu vận hành hiệu quả và an toàn lưới điện, đặc biệt thời điểm mưa bão, hằng năm Công ty điện lực Quảng Ngãi đều tiến hành các đợt cải tạo lưới điện và tập trung tuyên truyền đảm bảo an toàn HLANĐ tại các địa bàn trong tỉnh, nhất là các khu vực đã có vi phạm.
Riêng tại huyện Nghĩa Hành như đã nêu trên, ông Nguyễn Đức Toại, Giám đốc Điện lực Nghĩa Hành xác nhận, gần như ở các xã trong huyện đều có vi phạm HLATĐ. Công ty Điện lực Nghĩa Hành đang khảo sát, thống kê đầy đủ các vị trí bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bị cây cối có nguy cơ va quẹt, ngã đổ… để lập phương án đầu tư, nâng cấp và thay cột hoặc di chuyển hướng tuyến; đồng thời kịp thời phát hiện ngăn chặn các vi phạm trở lại.
Đối với khu vực có cây nằm trong và ngoài hành lang có nguy cơ va quẹt, ngã đổ vào HLATĐ, hiện Công ty Điện lực Nghĩa Hành đã xác định có đến 2.400 vị trí. Để khắc phục, Công ty đang phân công công nhân điện đến cắt tỉa, tuyên truyền người dân chặt, cắt, phát quang để giữ an toàn hệ thống lưới điện.