Bao giờ Việt Nam trở thành một 'phim trường quốc tế'?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không thể phủ nhận sự đóng góp của những bộ phim điện ảnh quốc tế, Việt Nam trong việc quảng bá văn hóa, du lịch và điện ảnh Việt ra thế giới, tuy nhiên số lượng những dự án phim như vậy vẫn còn khá khiêm tốn. Tiềm năng du lịch của nhiều địa phương chưa được các nhà làm phim khai thác một cách hiệu quả.
Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm trên đồi cao heo hút với bờ suối tại làng K'Long K'Lanh trong Phim “Lật mặt 7” đang thu hút du khách. (Ảnh trong phim)
Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm trên đồi cao heo hút với bờ suối tại làng K'Long K'Lanh trong Phim “Lật mặt 7” đang thu hút du khách. (Ảnh trong phim)

Tạo sức hút khám phá cho du khách

Những bộ phim Việt có bối cảnh đẹp không chỉ tạo nên sức hút cho chính phim đó mà còn thu hút du khách ghé thăm những điểm đến làm bối cảnh phim. Phim “Lật mặt 7: Một điều ước” đang có doanh thu chiếu rạp gần 500 tỷ đồng với bối cảnh phim trải dài trên cả nước. Khán giả có dịp chiêm ngưỡng cảnh sắc, văn hóa Việt trong 138 phút của bộ phim. Đặc biệt, bối cảnh chính của phim là làng K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Nơi đây khá hoang sơ, thanh bình với thời tiết lạnh giá. Căn nhà gỗ cạnh bờ suối và ngập tràn hoa bất tử. Loài hoa này không chỉ là nguồn nuôi sống gia đình bà Hai trong phim mà còn là cầu nối liên kết giữa quá khứ đẹp đẽ với thực tại, đại diện cho tình cảm gia đình bất biến.

Ngoài bối cảnh vùng núi, bộ phim còn “chiêu đãi” khán giả bằng những khung hình đẹp nơi miền biển. Đại cảnh được quay tại cảng cá Mỹ Tân, Ninh Thuận. Nhiều nét văn hóa đặc sắc vùng miền cũng được giới thiệu đến khán giả. Cảnh lễ hội ở lăng Thần Nam Hải, Ninh Thuận với phần hát bội là điểm nhấn. Qua lăng kính của phim, những khung cảnh, nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam hiện lên thật đẹp và thu hút. Theo đạo diễn Lý Hải, anh mong muốn giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên Việt, tôn vinh văn hóa, du lịch Việt đến khán giả khắp năm châu.

Cũng với đạo diễn Lý Hải, ở phim “Lật mặt 5: 48h”, những hình ảnh đặc trưng văn hóa bản địa Việt Nam, cụ thể là miền Tây sông nước hào sảng được khai thác, lồng ghép triệt để vào phim. Lý Hải từng chia sẻ rằng vì là người con miền Tây, lớn lên cùng hình ảnh chợ nổi, xe lôi, vỏ lãi… nên nhân dịp làm phim “Lật mặt 5”, anh đã mạnh dạn mang những chi tiết tuyệt đẹp, gắn liền với tuổi thơ này vào phim.

Cần nhiều chính sách thu hút đoàn làm phim

Việt Nam vốn sở hữu thiên nhiên phong phú, bối cảnh đẹp, có tiềm năng với các đoàn làm phim đến từ những “kinh đô điện ảnh thế giới”. Đoàn làm phim Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu” với hàng trăm người đã dành nhiều tháng để quay bối cảnh tại các tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình và Quảng Ninh. Trước đó, đã có một số phim điện ảnh quốc tế lấy bối cảnh Việt Nam như “Pan”, “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Đông Dương”…

Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt, lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam thời điểm phát hành (đạt 80 tỷ đồng), đồng thời khiến vùng đất Phú Yên - bối cảnh chính trong phim - trở thành điểm đến hút khách. Ước tính lượng du khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó. Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc trong bộ phim “Chuyện của Pao” cũng góp phần khiến địa phương này thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, trong đó bản Sủng Là, huyện Đồng Văn trở thành một điểm tham quan không thể thiếu với du khách khi đến với Hà Giang. Phim “Mắt biếc” lấy bối cảnh chính tại Cố đô Huế đã tạo ra doanh thu kỷ lục phòng vé dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 (ước tính đạt 172 tỷ đồng), cũng khiến nhiều bối cảnh trong phim trở thành địa danh du lịch, nhất là thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú.

Có thể thấy, những cảnh quay đẹp trong các bộ phim “bom tấn” có thể tạo sức hút khách du lịch, giúp các điểm đến, địa danh, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong phim trở nên nổi tiếng.

Vì vậy Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Tự hào bản sắc Việt” dự kiến sẽ được Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Bình Định tổ chức trong tháng 8/2024 tại Bình Định. Chương trình nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương có bối cảnh lý tưởng cho các bộ phim thông qua các tác phẩm điện ảnh. Đồng thời, gắn kết hơn nữa mối liên hệ giữa địa phương, doanh nghiệp và nhà hoạt động điện ảnh trong việc mang lại hiệu quả du lịch từ điện ảnh.

Chương trình cũng nhằm kết nối di sản văn hóa vùng Nam Trung Bộ trong công tác quảng bá du lịch, liên kết thành một hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch của cả vùng nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng.

Đọc thêm